Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân
Theo thông tin dự báo khí tượng thủy văn, mùa Đông - Xuân năm 2024 - 2025 có những dấu hiệu cho thấy hiện tượng La Nina xuất hiện sẽ dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn. Ở Miền Bắc, mùa Đông năm nay được dự báo sẽ rét hơn, xuất hiện rét đậm, rét hại nhiều đợt và có thể kéo dài. Còn tại Miền Nam đang ở cuối mùa mưa chuyển dần sang mùa nắng, thời tiết nắng mưa, nóng lạnh đan xen nhau là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm xuất hiện, phát triển thành dịch. Đây cũng là thời điểm các cơ quan, đơn vị toàn Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như diễn tập, tập huấn, hội nghị, hội thi, hội thao, tuyển nhận chiến sĩ mới, huấn luyện giai đoạn 1...
Nhân viên Quân y Lữ đoàn Không quân 918 phun thuốc khử trùng nhà ở bộ đội. Ảnh: CTVTrao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Sỹ Trung - Trưởng Phòng Quân y, Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Quân chủng PK-KQ cho biết: “Mùa Đông - Xuân, thời tiết lạnh, kết hợp với mưa phùn là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh thành dịch như: Nhiễm vi rút đường hô hấp cấp, nhiễm khuẩn não mô cầu, cúm, bạch hầu, quai bị, thủy đậu, đậu mùa khỉ... Đồng thời, có nguy cơ xảy ra các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Mặt khác, khu vực đóng quân của các đơn vị trong Quân chủng chủ yếu ở những khu vực rừng núi, hải đảo chịu những điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn và bộ đội chủ yếu huấn luyện, công tác ngoài trời, trên đồi núi, trong các loại hầm hào công sự ẩm thấp, nhiều bụi bẩn, nên dễ xảy ra các loại dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, bảo đảm sức khỏe bộ đội, Cục Hậu cần-Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ đã có hướng dẫn yêu cầu quân y các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn bộ đội thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, có kiến thức, hiểu biết trong phòng, chống một số bệnh thường xảy ra tại đơn vị vào mùa Đông - Xuân; chủ động phối hợp với y tế địa phương, nắm chắc tình hình dịch bệnh tại địa bàn đơn vị đóng quân, không để dịch lây lan từ ngoài vào cơ quan, đơn vị; chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch không đặc hiệu như: Nhỏ dung dịch sát khuẩn mũi họng, súc họng bằng dung dịch nước muối 0,9%, 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; phơi quần áo, chăn màn khi trời nắng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị giám sát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời các ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, khó thở, xuất huyết, phát ban...) có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả, hạn chế dịch lây lan trong đơn vị. Triển khai đồng bộ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho bộ đội theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Quân y, trọng tâm là các dịch bệnh gây tử vong nhanh (nhiễm khuẩn não mô cầu, sốt xuất huyết Dengue, bạch hầu...) hoặc bệnh lây lan nhanh, số ca mắc cao như: COVID-19, cúm, nhiễm vi-rút đường hô hấp cấp, quai bị, nhiễm trùng nhiễm, độc ăn uống… và cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi như cúm A (H5N1), bệnh đậu mùa khỉ, Whitmore, bệnh do vi rút Marburg… Bên cạnh đó, Quân y các cơ quan, đơn vị tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy chú trọng các biện pháp tăng cường sức khỏe cho bộ đội như: Bảo đảm đủ dinh dưỡng, nước uống, hoa quả, bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng các thuốc bổ dưỡng, vitamin phù hợp với công việc của bộ đội và nhiệm vụ của đơn vị.
Qua tìm hiểu thực tế tại một số đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, đồi núi cao của Sư đoàn 361, chúng tôi nhận thấy trong quá trình quản lý, huấn luyện bộ đội, thời tiết đột ngột trở lạnh, những chiến sĩ có sức đề kháng kém thường dễ mắc một số bệnh, như: Viêm đường hô hấp cấp, sốt, ho gió, ho khan, cảm cúm kéo dài… Để đối phó với thực trạng đó, theo Trung tá Nguyễn Viết Xuân - Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 361, hằng ngày chỉ huy và lực lượng quân y của các đơn vị theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu thấy thời tiết có không khí lạnh, nhiệt độ giảm sâu sẽ yêu cầu tất cả chiến sĩ mặc quần áo Thu Đông, áo bông để giữ nhiệt. Quy định bộ đội phải tắm giặt buổi chiều, dùng nước nóng, sáng súc miệng bằng nước muối kháng khuẩn để phòng, chống bệnh. Trong các khu nhà tắm, cửa thoáng gió được bịt kín, các đơn vị bảo đảm đủ nước nóng cho bộ đội sinh hoạt trong những ngày trời rét đậm. Vào những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, đơn vị sẽ thay đổi kế hoạch huấn luyện ngoài trời bằng các giờ huấn luyện trong hội trường, tăng cường huấn luyện thể lực, giúp bộ đội tăng cường đề kháng. Cơ quan Hậu cần tích cực chỉ đạo đơn vị tăng gia sản xuất đẩy mạnh gieo trồng các giống cây vụ Đông, chuồng trại khép kín, che chắn kỹ chống gió lùa; chỉ đạo nhân viên nấu ăn thường xuyên thay đổi chế biến món ăn đủ thành phần dinh dưỡng hợp khẩu vị bộ đội, chia cơm sát giờ bộ đội ăn tránh bị nguội.
Trung tá Nguyễn Sỹ Trung cho biết thêm: “Đối với quân y các đơn vị khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có khả năng gây lây lan thành dịch phải nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và báo cáo ngay cơ quan quân y cấp trên và Phòng Quân y Quân chủng để nhận được sự chỉ đạp, giúp đỡ kịp thời. Đối với Viện Y học PK-KQ, khi có ca bệnh truyền nhiễm có nguy cơ thành dịch phải báo cáo ngay về Phòng Quân y Quân chủng và thông báo cho đơn vị có người bệnh truyền nhiễm để phối hợp chống dịch. Khi tiếp nhận, phân loại người bệnh phải nhanh chóng; trường hợp nghi ngờ bệnh truyền nhiễm phải chuyển sớm về Khoa A2 để điều trị và cách ly kịp thời. Các trường hợp nặng phải điều trị tích cực, hạn chế thấp nhất tử vong; đưa COVID-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm báo cáo định kỳ hằng tháng”.
ÁNH TUYẾT