Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam ((3-3-1955/3-3-2025)) và 60 năm Ngày đánh thắng trận đầu của Bộ đội Không quân (3-4-1965/3-4-2025)
Tư tưởng chỉ đạo xây dựng Không quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sự trưởng thành của Bộ đội Không quân trong chiến đấu, xây dựng và phát triển luôn gắn liền với vai trò giáo dục, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo và dìu dắt trực tiếp của Người, Bộ đội Không quân đã phát triển lớn mạnh không ngừng, cùng với quá trình đi lên của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng chỉ đạo xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam là một nét đặc sắc trong tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ đến thăm Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (ngày 9-11-1964). Ảnh tư liệu
Cùng với quá trình xây dựng một Quân đội cách mạng với đường lối tổ chức lực lượng vũ trang theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dựa trên cơ sở phát triển lực lượng vũ trang quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp để xây dựng Quân đội nhân dân đủ các thành phần quân binh chủng và tiến dần lên chính quy, hiện đại. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp ở Hoàng Phố (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong được cử vào học tại Trường huấn luyện Không quân Bô-rít-xơ Glép- xcai-a, Liên Xô (nay là nước Nga). Tháng 7-1929, đồng chí Lê Hồng Phong được chuyển về Trường đại học Phương Đông và trở thành người được đào tạo về Không quân đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời, bên cạnh lục quân, chúng ta đã khẩn trương xây dựng, thành lập các đơn vị kỹ thuật như công binh, pháo binh... và đến ngày 9-3-1949, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ký Nghị định thành lập Ban nghiên cứu Không quân, đồng chí Hà Đổng được chỉ định làm Trưởng ban.
Gần 100 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ các đơn vị về tập trung nghiên cứu lý thuyết cơ bản của ngành hàng không. Cơ sở để học tập là 2 chiếc máy bay ta tịch thu của chính quyền bù nhìn Bảo Đại vào thời điểm Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945. Một chiếc kiểu Morane, một chiếc kiểu Tiger Moth. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, hai chiếc máy bay này đã được đưa từ Huế ra và tiếp đó được đưa lên Việt Bắc cùng với chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Ủng hộ chủ trương xây dựng lực lượng Không quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên khắp các chiến trường lúc đó, từ Việt Bắc đến Nam Bộ mỗi khi bắn rơi máy bay địch hay thu thập được những tài liệu có liên quan đến ngành Hàng không, các địa phương, các đơn vị đã gửi về cho lớp học. Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ Ban Nghiên cứu Không quân đã từng bước tiếp cận và nỗ lực, quyết tâm làm chủ bầu trời.
Một buổi chiều cuối năm 1949, từ bãi Soi Đúng bên bờ sông Gâm, phía dưới Chiêm Hóa chừng 3.000m, chiếc máy bay Tiger Moth sơn phù hiệu nền tròn đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh - hình cờ của Tổ quốc, đã vút lên bầu trời như một chiến công thần thoại. Ban nghiên cứu Không quân ra đời, đã đặt viên gạch đầu tiên cho quá trình xây dựng Quân chủng Không quân chính quy hiện đại của Quân đội nhân dân ta sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Sao Đỏ (2-1967). Ảnh tư liệu
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, một bộ phận của Quân đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội bao gồm cả Sân bay Gia Lâm. Trong đoàn cán bộ tiếp quản Sân bay Gia Lâm, mới đầu chỉ có 3 người chuyên về ngành Hàng không, bộ phận này có nhiệm vụ tiếp quản, giữ gìn sân bay và bảo đảm điều kiện cho Ủy ban quốc tế tiếp tục hoạt động. Dẫu bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm, động viên cán bộ tiếp quản và cho những chỉ thị quý báu. Một buổi chiều tháng 12-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời một số cán bộ tiếp quản và các chuyên gia lên gặp Người ở Phủ Chủ tịch. Trong không khí thân mật, đầm ấm, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã động viên và căn dặn mọi người phải cố gắng nhanh chóng đảm nhiệm công việc để sớm thay thế các chuyên gia. Được sự cổ vũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1-1-1955, ta đã hoàn thành làm chủ Sân bay Gia Lâm - đúng ngày nhân dân Hà Nội tưng bừng đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô.
Ngày 3-3-1955, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Quyết định số 15/QĐA, thành lập Ban Nghiên cứu Sân bay (phiên hiệu C47). Đây là bước chuẩn bị cho sự ra đời lực lượng Không quân và là bước đi phù hợp với tình hình, khả năng của đất nước lúc bấy giờ. Ngày 22-12-1955, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập “Cục Hàng không dân dụng Việt Nam”, do đồng chí Đặng Tính làm Cục trưởng; có nhiệm vụ: Tổ chức và chỉ đạo vận chuyển hàng không ở trong nước và giữa nước ta với nước ngoài về mặt dân dụng; nghiên cứu sử dụng đường hàng không phục vụ công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước. Như vậy, lúc này ngành Hàng không của ta có thêm hai tên gọi “Ban Nghiên cứu sân bay” và “Cục Hàng không dân dụng” thực hiện cả hai nhiệm vụ quân sự và dân sự. Ngày 24-1-1959, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra Nghị định số 319/NĐ thành lập Cục Không quân, trên cơ sở tổ chức, lực lượng của Ban Nghiên cứu Sân bay và Cục Hàng không Dân dụng.
Mùa Xuân năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết thư khen cán bộ, chiến sĩ của Cục Không quân. Thay mặt Trung ương Đảng, Người biểu dương Bộ đội Không quân có nhiều tiến bộ trên các mặt: “Phát triển và củng cố chi bộ Đảng, công tác dân vận; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, học chính trị và kỹ thuật”.
Trước âm mưu và hành động khiêu khích của đế quốc Mỹ, để tăng cường khả năng bảo vệ Miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh đã chú trọng xây dựng lực lượng không quân tiêm kích. Ngay từ năm 1956, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Cục Không quân đã cử nhiều đoàn học viên ra nước ngoài học tập để tiến tới xây dựng lực lượng này. Sau 8 năm gian khổ, phấn đấu, ngày 2-2-1964, Trung đoàn Không quân phản lực đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam được thành lập. Sự kiện này đã đánh dấu một bước truởng thành trong lịch sử xây dựng Bộ đội Không quân nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung, tạo nên bước nhảy vọt về sức chiến đấu của Quân đội ta.
Sự xuất hiện của các tổ chức và các đơn vị Không quân bao gồm các loại vận tải, tiêm kích, nhà trường huấn luyện, các cơ sở sân bay, kho, xưởng… cùng với việc lựa chọn cán bộ, chiến sĩ, từ các đơn vị chiến đấu về xây dựng các cơ quan, đơn vị Không quân ở trong nước và gửi đi đào tạo ở nước ngoài đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ chỗ sớm nhìn thấy vai trò của Không quân, xây dựng Bộ đội Không quân đến quyết tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng Không quân một cách hoàn chỉnh, cân đối và đồng bộ - đó là những khâu quan trọng, nhất quán trong tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của công cuộc bảo vệ Miền Bắc, giải phóng Miền Nam và giúp đỡ cách mạng các nước anh em trên bán đảo Đông Dương.
Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước trong từng thời kỳ cụ thể mà tư tưởng xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được khẳng định, củng cố thành một quyết tâm lớn xuyên suốt trong quá trình hoạt động quân sự của Người. Và tư tưởng đó cũng sớm được Đảng, Nhân dân, Quân đội ta từng bước biến thành hiện thực.
THẾ THỦY (Tổng hợp)