Tiến sĩ Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khóa XIII
Tiến sĩ Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội:
Quân đội luôn “thượng tôn pháp luật” trong sản xuất, xây dựng kinh tế
Trong hai khóa là đại biểu Quốc hội (khóa XII và khóa XIII), tôi đã tham gia nhiều đoàn công tác của Quốc hội đến kiểm tra, giám sát việc thi công một số dự án lớn do quân đội đảm nhiệm, như: Đường tuần tra biên giới, Đường Trường Sơn Đông, các khu kinh tế-quốc phòng (KTQP), các dự án đóng mới tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư theo nghị quyết của Quốc hội. Đó là các dự án được thực hiện trong điều kiện địa hình hiểm trở, địa chất phức tạp, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, xa dân, rủi ro cao, lợi nhuận thấp. Vì vậy, chỉ có các đơn vị quân đội đảm nhận thi công mới bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Các dự án này đã thực hiện tốt những quy định của pháp luật. Các dự án đem lại cơ hội phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giúp nông sản được lưu thông; giá thành vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng thấp hơn; bà con các dân tộc được chăm sóc về y tế, tiếp cận với văn hóa, giáo dục, đào tạo nghề. Các dự án cũng đồng thời bảo đảm cho quân đội cơ động tuần tra, ứng phó khi có tình huống, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở những địa bàn chiến lược.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng-an ninh và quốc phòng-an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng-an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược...”. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này, việc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế ở các lĩnh vực, địa bàn mà các thành phần kinh tế khác không thể đảm nhận là lẽ đương nhiên. Việc này trực tiếp góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng của đất nước, vì một nền kinh tế mạnh là điều kiện để xây dựng một nền quốc phòng mạnh và một nền quốc phòng mạnh sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Phát triển công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng để vừa có thể sản xuất thiết bị, phương tiện, khí tài quân sự, vừa sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ dân dụng trên nền tảng kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao là xu hướng chung của nhiều tập đoàn kinh tế trên thế giới. Quân đội ta có những doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng, có chiến lược phát triển tốt trong các ngành: Cơ khí chế tạo, điện-điện tử, công nghệ thông tin-viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ cảng biển và logistics, đóng mới và sửa chữa tàu biển, xăng dầu, viễn thám, đo đạc, bản đồ, tư vấn thiết kế, xây dựng công trình, cầu hầm lớn, vận tải hay khai thác khoáng sản, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, hậu cần nghề cá trên các địa bàn chiến lược...
Chính việc thực hiện các đơn hàng dân sự cũng là cách để các doanh nghiệp quân đội tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, rèn luyện kỹ năng, tay nghề, nâng cao nghiệp vụ, trình độ quản lý, đầu tư mở rộng sản xuất… để áp dụng trong thực hiện các nhiệm vụ quân sự, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta vui mừng nhận thấy, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường và diễn biến khó lường của thị trường trong nước và quốc tế, đa phần các doanh nghiệp quân đội vẫn đứng vững trên các địa bàn chiến lược, vừa phát triển sản xuất, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ đất nước.
Quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các khu KTQP, tham gia phát triển kinh tế biển ở những vị trí chiến lược, góp phần phát triển KT-XH gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng-an ninh ở những vị trí trọng yếu trên tuyến biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. Các đoàn KTQP của quân đội là lực lượng nòng cốt trong xóa đói, giảm nghèo, tổ chức lại dân cư, xây dựng nông thôn mới và tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng trong giai đoạn tới không thể tách rời quá trình cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành và lĩnh vực kinh tế, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp quân đội.
Trong quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp quân đội, dưới tác động của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có thể tổ chức thành một số tổ hợp công nghiệp quốc phòng trên cơ sở gắn kết các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng với cơ sở sản xuất, kết hợp công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng, trong đó dành ưu tiên cao nhất cho ứng dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kết quả nghiên cứu và chuyển giao (R&D) cho các sản phẩm quốc phòng trước, rồi sau đó là cho dân sự.
Tiến hành tổng kết, đánh giá thực tiễn để thống nhất nhận thức về kết hợp kinh tế với quốc phòng, tiến tới hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa nghị quyết của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, sửa đổi, bổ sung, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về kết hợp kinh tế với quốc phòng. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng song song với nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Thiếu tướng Trần Trung Tín, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng
Thiếu tướng, Tiến sĩ Trần Trung Tín, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng:
Một giải pháp để duy trì, nâng cao khả năng tác chiến
Một số người thường nói “quân đội làm kinh tế” là cách nói không chính xác. Nói chính xác phải là “quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế”. Hai khái niệm này khác nhau ở chỗ: Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là nhiệm vụ, là chức năng, là một “mặt trận” tác chiến của Quân đội ta theo lời Bác Hồ dạy: “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, luôn được Đảng ta quan tâm trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và được Quân đội ta thực hiện trong suốt những năm qua. Quân đội thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất” để vừa tự đáp ứng các nhu cầu của mình về lương thực, vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm, vừa duy trì năng lực sẵn sàng chiến đấu, vừa đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước, vào sự phát triển đồng đều giữa các vùng, miền. Quân đội thực hiện nhiệm vụ “tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế” là thực hiện kế sách dựng nước đi đôi với giữ nước, kinh tế kết hợp với quốc phòng xuyên suốt lịch sử dân tộc. Mục tiêu của việc quân đội “tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế” là để đóng góp cho sự vững chắc của nền quốc phòng-an ninh đất nước, vì sự phát triển của đất nước. Nó khác hoàn toàn với “làm kinh tế” là kinh doanh đơn thuần, mục tiêu tối thượng là lợi nhuận.
Vào những thời điểm đất nước ta có những bước chuyển quan trọng trong quá trình phát triển, Quân ủy Trung ương (trước đây là Đảng ủy Quân sự Trung ương) luôn có những nghị quyết về việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế nhằm khẳng định lại tính chất lâu dài của chiến lược này, đổi mới tư duy, đổi mới cách làm để nâng cao hơn nữa hiệu quả, gắn chặt với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Đó là Nghị quyết số 71-NQ/ĐUQSTW, ngày 25-4-2002 về “Nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội trong thời kỳ mới-tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội”; Nghị quyết số 520-NQ/NQTW ngày 25-9-2012 về "Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của quân đội đến năm 2020".
Trên “mặt trận” sản xuất, xây dựng kinh tế có những đơn vị tác chiến, đơn vị phục vụ chiến đấu, đơn vị chức năng của quân đội trên những lĩnh vực như: Xây dựng, làm cầu đường (công binh), xăng dầu, vận tải, sản xuất quân trang, quân dụng (hậu cần)... Vì thế, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội cần phải làm quyết liệt, nhưng cũng cần thận trọng, có lộ trình, cần xác định rõ chức năng nhiệm vụ, tính chất của từng đơn vị, tránh làm suy yếu năng lực tác chiến của quân đội. Vì chúng ta cần phải hiểu rõ khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội là vô cùng quan trọng. Muốn thế cần phải có những đơn vị phục vụ để bảo đảm tác chiến trong những tình huống ngặt nghèo, khẩn cấp, chứ chớ nhìn điều kiện thời bình hiện nay để đánh giá sự cần thiết của các đơn vị quân đội.
Hơn nữa, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội cũng cần quan tâm tới đời sống của cán bộ, sĩ quan, công nhân viên quốc phòng đã phục vụ, cống hiến trong quân đội lâu năm. Những vấn đề ấy cần được nhìn nhận đúng, để có cách hành động đúng.
Đại tá Lê Quang Nghị, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 15
Đại tá Lê Quang Nghị, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 15:
Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở vùng biên giới
Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã đóng góp nhiều lợi ích cho đất nước, như các doanh nghiệp: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn… hằng năm nộp cho ngân sách rất lớn. Trong chiến tranh, với phương châm “thực túc binh cường”, các đơn vị vừa huấn luyện chiến đấu, vừa tranh thủ trồng lúa, bắp, đậu, sắn… đã giải quyết khâu lương thực tại chỗ, không những cho bộ đội mà cả hỗ trợ cho bà con địa phương mùa giáp hạt thiếu đói. Trong thời bình, bộ đội vừa sản xuất, xây dựng kinh tế để phục vụ nhu cầu của mình, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, duy trì công nghiệp quốc phòng, tạo ra sản phẩm cho xã hội, phục vụ bộ đội trong huấn luyện SSCĐ. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế quân đội này sẵn sàng chuyển trạng thái để phục vụ chiến đấu khi đất nước có chiến tranh.
Theo tôi, kết hợp kinh tế với quốc phòng vẫn cần phải làm và làm liên tục, nhất là khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Những nơi ấy rất cần quân đội, quân đội cũng rất cần nhân dân, nhằm tạo ra thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Những vùng đặc biệt khó khăn, chỉ có các đoàn KTQP mới có thể trụ vững, bởi mục tiêu cao nhất và duy nhất chính là tạo ra nền tảng bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Thực tế, ở những vùng biên giới, rất ít doanh nghiệp dân sự dám đến để đầu tư, vì khó khăn, nguy hiểm, lại không có lợi nhuận. Các đoàn KTQP đã đến đây, từng bước phát triển thành vùng kinh tế, thành lập các điểm dân cư dọc tuyến biên giới, đưa dân ra sinh sống tạo thành vành đai và giúp nhân dân có cuộc sống ngày một ấm no, thoát nghèo bền vững. Khi tình huống xảy ra, những đoàn KTQP, những “làng biên giới” này sẽ chuyển thành đơn vị chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt-Séc
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt-Séc:
Nguồn lực mạnh phát triển kinh tế đất nước
Vừa qua, tôi theo dõi vệt bài “Kết hợp kinh tế với quốc phòng-Nhiệm vụ chiến lược lâu dài” đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Theo tôi, nội dung các bài báo đã khái quát, phân tích đầy đủ về chiến lược và yêu cầu thực tiễn đối với chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đồng thời, đây cũng là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
Thực tế ở nước ta hiện nay cho thấy, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, điều kiện phát triển và đầu tư cho trang thiết bị sản xuất hiện đại còn rất hạn chế. Nhưng qua hợp tác với một số đơn vị của Bộ Quốc phòng, đồng thời, tôi cũng nhiều lần được tham quan các nhà máy sản xuất những sản phẩm phục vụ quốc phòng, tôi nhận thấy: Các nhà máy này được đầu tư rất mạnh và đồng bộ về công nghệ hiện đại. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng còn có tính kỷ luật, tự giác và năng suất lao động cao. Đó là điều mà các doanh nghiệp bên ngoài luôn ao ước. Với điều kiện về nhân lực, vật lực như thế, việc các doanh nghiệp quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế đất nước là chủ trương đúng, tránh lãng phí các nguồn lực được đầu tư; vừa tạo tiềm lực cho quân đội, vừa phát triển nền kinh tế chung của đất nước.
Theo qdnd.vn