Vì sao thể thao hàng không cần thiết với phi công?
Thể thao hàng không (TTHK) quan trọng ra sao với học viên bay, phi công hay các thành phần trong tổ bay? Trên thực tế, hoạt động này đã được thực hiện như thế nào để góp phần nâng cao sức khỏe phi công, vì những chuyến bay an toàn, thắng lợi? Phóng viên Báo PK-KQ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Ngọc Tú - Trưởng Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tú - Trưởng Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ.Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Trưởng Phòng, xin đồng chí cho biết vai trò của việc luyện tập TTHK với các phi công quân sự?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tú: Hoạt động bay là một hoạt động đặc thù luôn phải cơ động với nhiều động tác gây quá tải ngang, quá tải dọc được thực hiện trong không gian ba chiều, trong một môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm, dễ xảy ra nhiều bất trắc... Cùng với đó, thực tế khi làm nhiệm vụ trực ban SSCĐ và huấn luyện bay đòi hỏi phi công phải thực hiện một số bài bay phức tạp, cần sự tập trung cao độ trong khi luôn chịu sự căng thẳng kéo dài và tiêu hao nhiều sinh lực. Đặc biệt, với hoạt động bay đêm trong điều kiện thời tiết phức tạp, phi công rất dễ bị rơi vào tình trạng cảm giác sai trong môi trường bóng tối và ánh sáng, mây mù. Máy bay lúc trong mây, lúc ngoài mây rất dễ tạo nên ảo giác cho phi công nếu như thần kinh không vững. Tất cả những yếu tố bất ổn đó đòi hỏi phi công phải có kỹ năng và bản lĩnh, tâm lí vững vàng, và sức khỏe là yếu tố quan trọng đầu tiên đối với phi công. Cũng như các vận động viên, để có sức khỏe, phi công phải thường xuyên rèn luyện.
Với định lượng ăn của phi công: 4.860 Kcal/người/ngày với phi công lái máy bay siêu âm, 4.630 Kcal/người/ngày đối với phi công lái máy bay dưới siêu âm, cũng có khoảng thời gian phi công không bay nên nếu không tích cực rèn luyện thể thao, sẽ dễ dẫn đến tình trạng béo phì.
Học viên bay của Trường Sĩ quan Không quân tập
thể thao hàng không trên vòng quay li tâm. Ảnh: MAI ĐÔNG
PV: Xin đồng chí cho biết, TTHK bao gồm những môn tập nào và cần cho những đối tượng nào trong Quân chủng?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tú: Đối tượng của TTHK là phi công và các thành phần bay khác.
Hoạt động TTHK gồm những môn thể thao có dụng cụ chuyên dùng và môn thể thao nâng cao độ bền sức khỏe nhằm đáp ứng cho sự chịu đựng quá tải trong môi trường khắc nghiệt. Các dụng cụ của TTHK bao gồm: Đu quay, vòng quay li tâm, thang quay và vòng lăn, xà đơn, xà kép, tạ. Luyện tập trên đu quay giúp học viên bay và phi công tăng cơ bắp và sự tỉnh táo của thần kinh, rèn luyện được sự quá tải trong không gian ba chiều. Luyện tập với vòng quay li tâm và thang quay, phi công được rèn luyện sức chịu đựng, khả năng định vị vị trí của mình. Còn vòng lăn giúp nâng cao sự khéo léo, tăng sức khỏe cơ bắp và tiền đình. Ngoài ra, được tính là một môn TTHK bắt buộc, là môn chạy dài. Mỗi bài tập trên có một tác dụng chuyên sâu song tất cả đều hướng tới rèn luyện sức chịu đựng quá tải, tạo độ bền, giữ ổn định hệ thống tim mạch và hệ thống tiền đình để hoạt động trong không gian ba chiều rất dễ mất phương hướng.
Bên cạnh các môn bắt buộc, còn có những môn thể thao tự do mang tính tập thể cao, nâng cao tinh thần đồng đội, sức mạnh tổng hợp, ý thức hiệp đồng như bóng rổ, bóng chuyền hay một số môn thể thao khác như tennis hay tập gym. Gần đây nhiều đơn vị Không quân cũng đã được trên đầu tư tạo điều kiện về phòng tập, cho dù thời tiết xấu phi công cũng có thể luyện tập được.
PV: Thực tế hiện nay việc rèn luyện TTHK ở các đơn vị đã được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tú: Ở mỗi đơn vị có học viên bay và phi công đều được xây dựng bãi tập và được trang bị các dụng cụ TTHK phù hợp, đáp ứng yêu cầu luyện tập. Ở đa số các đơn vị, hoạt động TTHK vẫn được duy trì khá nền nếp, đúng quy định. Song những năm gần đây, ở một số các đơn vị bay, hoạt động TTHK với những môn bắt buộc có phần bị buông lỏng, chưa thường xuyên, chưa tích cực. Mặc dù hầu hết các đơn vị Không quân đều có trợ lí TDTT chuyên trách nhưng sự quan tâm của người chỉ huy chưa đúng mức; bản thân chỉ huy chưa gương mẫu trong luyện tập và duy trì luyện tập TTHK.
Hệ quả của thực trạng không duy trì nghiêm nền nếp, không tự giác, tích cực luyện tập TTHK, một tỉ lệ không nhỏ phi công đã rơi vào tình trạng thừa cân và máu nhiễm mỡ. Cá biệt, có phi công phải cắt bay vì sức khỏe không bảo đảm.
Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy Quân chủng về tăng cường thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ trong ba giai đoạn bay, trong đó có nền nếp huấn luyện TDTT thì hoạt động TTHK đang dần được thực hiện theo đúng quy định.
- PV: Để hoạt động huấn luyện TTHK được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả thì những giải pháp chính là gì, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tú: Xác định vấn đề huấn luyện, rèn luyện thể lực là yếu tố quan trọng và bắt buộc phải được thực hiện nhằm duy trì và bảo đảm sức khỏe học viên bay, phi công và các thành phần bay khác, góp phần bảo đảm an toàn bay; từ cấp ủy, chỉ huy các cấp, các đơn vị Không quân phải xác định đây là một nhiệm vụ bắt buộc trong ngày. Nội dung này phải được đưa vào trong nghị quyết lãnh đạo, trong nội dung duy trì ngày, tuần của người chỉ huy.
TTHK cần được thực hiện liên tục và thường xuyên từ trong Nhà trường cho đến các đơn vị Không quân. Mọi thành phần trong tổ bay đều phải duy trì huấn luyện thể thao thường xuyên và bài bản.
Để xốc lại hoạt động TTHK, trách nhiệm đó trước hết thuộc về lãnh đạo, chỉ huy mỗi đơn vị; thứ nữa là tính tự giác của học viên và phi công. Thời gian TTHK được quy định mỗi ngày là 1 giờ vào cuối buổi chiều. Mỗi đơn vị ngoài trợ lí TDTT hướng dẫn tập luyện và có biện pháp bảo đảm an toàn thì cũng phải có người chỉ huy đơn vị phụ trách. Điều đáng lưu ý nhất, chỉ huy của đơn vị cần gương mẫu thực hiện và tạo hứng thú, say mê cho anh em.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
HỒNG LINH (thực hiện)