8 giờ:37 phút Thứ sáu, ngày 22 tháng 7 , 2016

Xây “lũy thép trên biển” ở “hai đầu nỗi nhớ”:

Kỳ cuối: "Thép đã tôi thế đấy!"

Xin mượn tựa đề cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nicolai Axtơrốpxki để tạm khép lại “hành trình” đi tìm lời giải cho câu hỏi, vì sao giữa muôn vàn khó khăn vất vả, các thế hệ hậu phương của người lính canh trời, giữ biển ở Trường Sa vẫn một lòng thầm lặng hi sinh hạnh phúc riêng tư để ngày qua ngày cùng chồng, cha, ông, con, cháu và quân dân cả nước xây “lũy thép trên biển”, bảo vệ vững chắc vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu ngọn sóng.

Kỳ cuối:  
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 367)
tuần tra trên Đảo Trường Sa Lớn.

Một chiều tháng 5/2016, Cam Ranh ngập nắng,  tôi trở lại căn nhà của mẹ con chị Nguyễn Thị Nguyệt, vợ của Đại úy CN Trần Văn Việt - Nhân viên Sở chỉ huy Trạm Ra đa 44, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377). Vẫn đôi mắt chất chứa nỗi niềm chỉ trực để cho nước mắt ùa ra, chị Nguyệt ôm ghì Trần Ngọc Ánh - con gái đầu lòng không may mắc bạo bệnh để nghe tôi kể về chuyến đi Trường Sa cách đây gần 3 năm. 

Câu chuyện thứ nhất, ấy là cuộc trò chuyện cách đây ngót nghìn ngày trên cầu cảng Trường Sa Lớn giữa tôi và Thượng tá Phạm Văn Hòa - Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa Lớn, kiêm Chủ tịch thị trấn Trường Sa lớn. Anh Hòa bảo tôi rằng, giữa trời biển Trường Sa luôn có một “lũy thép” vững chãi, ấy là “lũy thép” tinh thần. Nó được kết tinh từ tinh thần đoàn kết một lòng của quân, dân cả nước, trong đó nòng cốt là lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ canh trời, giữ biển thiêng liêng nơi đầu ngọn sóng. Tất nhiên, để lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao có nhiều yếu tố, trong đó có sự hi sinh thầm lặng và đóng góp xứng đáng của hậu phương.

Hết câu chuyện thứ nhất, đôi mắt chị Nguyệt chợt thoáng đãng và trong hơn. Chị hỏi tôi, ở ngoài đó, liệu ai có hoàn cảnh giống em không?

Đó là một câu hỏi khó, bởi mỗi người lính ở Trường Sa đều có hoàn cảnh riêng. Và tôi kể cho chị nghe câu chuyện thứ hai.

Vẫn ở Đảo Trường Sa Lớn, tôi không thể quên được Trung úy Lê Văn Hùng – Đài trưởng Đài Ra đa P-18, Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377). Tôi gặp Hùng vào buổi tối khi tôi đến thăm Trạm. Hãnh diện khoe với tôi tấm hình con trai mà vợ anh mới gửi qua điện thoại di động, nhưng ánh mắt trong đêm của anh cũng không thể giấu được những khao khát bình dị, ấy là được ôm đứa con mới được hai tháng tuổi vào lòng mà hôn lên da thịt của con. Tôi nhìn thẳng mắt Hùng bằng sự sẻ chia trong nghĩa tình đồng chí, Hùng bắt đầu kể tôi nghe chuyện của mình bằng giọng nói trầm ấm: “Bây giờ, khi mọi cái đã tạm thời qua đi, em mới dám nói với anh. Những ngày của hai tháng trước, đúng vào đợt vợ em sinh con trai là những tháng ngày em phải sống trong hai con người. Con người của công việc và con người của gia đình. Bởi đúng ngày vợ sinh, em chưa hết mừng, chưa hết hạnh phúc trong cảm giác được làm bố, chưa hết “tủi thân” vì không được ở bên vợ trong lúc vượt cạn để đón đứa con đầu lòng chào đời thì nhận được tin, vợ em bị hậu sản, máu ra không cầm và khó qua khỏi. Giữa đêm, em chạy ra gốc bàng vuông ngồi khóc âm thầm và thầm kêu trời. Nhưng rồi, có lẽ ông trời cũng thấu được những khát khao giản dị của người lính nơi đầu sóng nên giúp vợ em có động lực để vượt qua, trả lại cho em bờ bến yên bình, cho em thêm vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ giữa trùng khơi”.

Còn nhiều tình tiết trong câu chuyện, nhưng tôi không thể kể được nữa khi tiếng nấc của chị Nguyệt ngày càng bần bật rung lên nhoi nhói. Chị bảo với tôi, cuộc sống của chị có gì đẹp hơn, giàu hơn tình yêu thương, thế nên, sự hi sinh hạnh phúc riêng giữa đôi bờ xa cách chẳng thể đem so sánh, vậy nên lý tưởng sống vì mọi người đã nuôi dưỡng trong chị niềm tin và ý chí mà chị và người chồng nơi đảo xa sắt son đeo đuổi.

Rời căn nhà của chị Nguyệt, lòng tôi mênh mang giữa đôi bờ thương nhớ của hậu phương và tiền tuyến Trường Sa. Tôi thấu hiểu những mong ước giản dị, chính đáng mà thiêng liêng của họ. Càng hiểu, tôi càng cảm phục lẽ sống hi sinh của họ biết nhường nào.

Nghĩ đến đó, hình ảnh giọt nước mắt lăn dài trên gò má Trung tá Hoàng Văn Thắng – Nguyên Chính trị viên Trạm Ra đa 11, trên Đảo Trường Sa Lớn khi hồi tưởng lại những hi sinh thầm lặng của đồng đội. Tiếng nấc nghẹn trong nhạt nhòa nước mắt và hình ảnh vòng tay ôm chặt đứa con mắc bạo bệnh lên cơn đau đớn mà vẫn động viên chồng yên tâm làm tốt nhiệm vụ của chị Nguyễn Thị Nguyệt, vợ của Đại úy CN Trần Văn Việt – Nhân viên Sở chỉ huy Trạm Ra đa 44, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) và hình ảnh bà Trương Thị Thanh, tuổi ngoài thất thập vẫn thường xuyên tất tưởi ngược xuôi  hàng trăm cây số với xe đò để san sẻ, động viên con cái vượt khó, chắc súng nơi tiền tiêu… lại ùa về, rồi cứ trở đi trở lại day dứt mãi trong tôi. Để rồi, xa thẳm trong trái tim tôi ngân lên một đúc kết, ấy là “lũy thép” sừng sững hiên ngang giữa biển trời ở Trường Sa của Tổ quốc là bởi nó được tôi luyện, dựng  xây từ xương máu, nước mắt, ý chí, lòng kiên trung, bản lĩnh can trường của những người lính trực tiếp thực thi nhiệm vụ ở Trường Sa hòa cùng sự hi sinh thầm lặng, đóng góp xứng đáng của hàng hàng thế hệ hậu phương nơi bờ bãi.

Sự hi sinh và cống hiến lặng thầm của họ mãi là mạch ngầm tinh khiết, nơi khởi nguồn, nuôi dưỡng những khát khao tươi đẹp cho tình yêu thương chấp cánh hòa bình và trường tồn nơi tiền tiêu của Tổ quốc thiêng liêng. Trong tôi lại thấp thoáng những con tàu chở nặng yêu thương và lấp lánh niềm tin sáng chói giữa hậu phương và tiền tuyến ở Trường Sa, để rồi, những câu thơ của Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lại vẳng lên đẹp đến vô cùng.

…Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi…

NGÔ TIẾN MẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website