Chuyện những người làm công tác khen thưởng
Kỳ 1: Từ tại chỗ đến cơ động
Các cán bộ là Trợ lí Thi đua - Khen thưởng của Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng việc kể ra những loại hình khen thưởng. Từ khen thường xuyên, khen niên hạn, khen đột xuất, khen các cuộc vận động, khen đối ngoại, khen các ngành đến khen đặc thù phi công… Với một Quân chủng có quân số đông nhất toàn quân, công việc của những người làm công tác thi đua, khen thưởng là một khối lượng đồ sộ và đó là công việc không có mùa.
Kỳ 2: Theo những dấu son lịch sửKỳ 3: Vận dụng để đưa Luật và thực tiễnKỳ cuối: Nỗi niềm bên những tập hồ sơCứ nghĩ, việc khen thưởng thì cá nhân tự khai, đơn vị bình bầu, xác nhận, rồi dưới đề nghị lên, trên chỉ việc duyệt hồ sơ, trình thủ trưởng kí và gửi danh sách lên trên, chuyện có gì! Song thực tế lại không như chúng ta vẫn nghĩ. Con đường để những danh hiệu, những tấm bằng khen, giấy khen đến tay chủ nhân của nó tuy chẳng chông gai, gập ghềnh như lính Pháo, lính Tên lửa cơ động đi trường bắn nhưng cũng không hề giản đơn.
Trung tá Đoàn Đình Trường Trợ lí Thi đua - Khen thưởng Phòng Tuyên huấn kể, trước hết là kiểm tra xem những trường hợp đơn vị báo cáo về đã đủ tiêu chuẩn hay chưa. Thứ nữa, là có bị trùng khen hay không. Đến nay ở Quân chủng PK-KQ phần mềm quản lí hồ sơ khen thưởng chưa sử dụng được vì thiếu người nạp số liệu nên việc trùng khen rất có thể xảy ra, có thể do cán bộ đã nhận rồi nhưng quên nên khai lại, cũng có thể có người cố tình khai lại. Khó khăn nhất trong quá trình thẩm định khen niên hạn vẫn là vấn đề về quê quán. Để trên tấm huy chương thể hiện được chính xác những thông tin về quê quán của cá nhân được khen thưởng, phải có sự kiểm tra thật cụ thể, tỉ mỉ mà ngay đến một số cá nhân người được khen trong quá trình khai cũng chưa làm chính xác được.
Khen thưởng các đơn vị xuất sắc trong diễn tập bắn đạn thật tại Trường bắn TB-1. (Ảnh: BÙI ĐỨC)
Thượng tá Hoàng Xuân Tiến - Trợ lí Thi đua - Khen thưởng, Phòng Tuyên huấn cho biết, anh đã gần chục năm nay gắn bó với nhiệm vụ này. Từ năm 2009 đến nay, trong 6 năm, bộ phận Thi đua, Khen thưởng của Phòng đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị trên giải quyết khen niên hạn cho 70 nghìn trường hợp. Tôi nhẩm tính, mỗi năm có trên 10 nghìn hồ sơ, mà chỉ tập trung giải quyết trong vài ba tuần để kịp báo cáo lên trên. Những địa phương ổn định về đơn vị hành chính thì khá thuận. Mấy năm gần đây, việc tách, nhập và nâng cấp các đơn vị hành chính được thực hiện ở rất nhiều địa phương. Cán bộ mình, nhiều người lâu ngày xa quê không nắm được sự thay đổi đó, vẫn khai như trong giấy khai sinh. Thành thử, có trường hợp tên xã thì đúng nhưng tên huyện lại sai. Vẫn là xã đó nhưng lại do một huyện khác quản lí về hành chính chứ không còn là huyện cũ nữa.
Việc sai sót, nhầm lẫn này không chỉ xảy ra ở một vài cá nhân, có năm lên tới vài nghìn trường hợp. Trăm dâu đổ đầu… người thẩm định. Tư liệu căn cứ để đối chiếu là cuốn: “Từ điển đơn vị hành chính Việt Nam” của tác giả Lê Hồng Chương biên soạn, do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa in năm 2007. Hiềm nỗi, từ 2007 tới nay, nhiều địa phương đã hai, ba lần tách, nhập. Căn cứ vào đó, có năm, báo cáo lên trên, hiện tượng nhầm lẫn về quê quán chiếm đến 50%. Lại phải làm lại. Thành ra, chỉ đơn giản như chuyện quê quán mà tốn công, mất sức, có trường hợp phải điều tra đến vài ba lần, gọi điện cho cá nhân, gọi cho đơn vị, tra cứu trên mạng, không được thì gọi cho tổng đài 1080.
Mà đâu chỉ có khen niên hạn. Có năm, cùng lúc còn phải lo hoàn thiện hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước phong hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân. Khen đặc thù phi công. Rồi khen đột xuất. Nhiều thời điểm khen cùng lúc mấy loại hình, Bộ phận Thi đua - Khen thưởng chỉ có 3 người, những lúc như vậy, việc không xuể, phải căng sức làm cả ngày nghỉ, giờ nghỉ mới kịp.
Nói đến công việc của những người làm khen thưởng, không thể không kể đến loại hình khen nhiệm vụ của các hội thi, hội thao. Khi ấy, một cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng cơ động lên Trường bắn, vừa theo dõi, quản lí, nắm bắt tư tưởng của bộ đội, vừa làm công tác tuyên truyền, cổ động; vừa đảm bảo hoạt động khen thưởng.
Thượng tá Đỗ Phạm Khoa - Trợ lí Thi đua - Khen thưởng, Phòng Tuyên huấn đã có 6 năm gắn bó với nhiệm vụ này. Anh cho biết, quy trình để có bằng khen, giấy khen cho khen nhiệm vụ là hơi khác. Với những loại hình khen thưởng khác, bằng khen, giấy khen được hoàn thiện trước, thủ trưởng ký rồi đóng dấu. Còn ở khen nhiệm vụ thì ngược lại. Số bằng, giấy khen được dự kiến theo cơ cấu khen thưởng, được chuẩn bị trước, thủ trưởng ký và đóng dấu sẵn, khi công bố kết quả hội thi, hội thao mới được hoàn thiện. Với công việc này, phải rất cẩn trọng trong việc quản lí các giấy tờ khen thưởng đã được ký và đóng dấu sẵn. Thứ nữa, để hoàn thiện được số giấy khen, bằng khen, cán bộ chuyên trách khi cơ động không khác một ông đồ thời xưa, phải mang theo nào bút lông, mực tàu, thước kẻ, bút chì, rồi cả khung giấy khen, bằng khen nữa. Từ khi nhận kết quả từ ban Tổ chức hội thi, hội thao đến khi trao thưởng là khoảng 2 giờ đồng hồ. Đó là lúc phải chạy đua với thời gian để hoàn thiện số lượng khá lớn bằng khen, giấy khen. Thế là, hoặc là cán bộ tự tay viết; hoặc là trước đó phải hợp đồng sẵn với đơn vị sở tại để có người phối hợp viết cùng. Viết bằng khen, giấy khen cũng phải đúng quy định về kiểu chữ. Ví như, họ tên được viết bằng chữ in hoa, cấp bậc, chức vụ, đơn vị lại là chữ thường. Viết xong, phải nhanh chóng lồng khung, giúp thủ trưởng kịp thời trao thưởng.
Hơn chục loại hình khen thưởng, mỗi loại có một đặc thù riêng. Những người làm công tác thi đua, khen thưởng, dù ngồi tại chỗ với máy vi tính trong tay hay cơ động với bút lông, mực tàu, đều phải làm hết trách nhiệm. Đó là chưa kể chuyện, có loại hình khen thưởng như đề nghị phong hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người làm khen thưởng còn lần theo từng trận đánh, từng nhân chứng để có những báo cáo thành tích mang tính xác thực và thuyết phục.
HỒNG LINH
>>> Kỳ 2: Theo những dấu son lịch sử