Một loại “chạy” tinh vi, một biểu hiện trục lợi chính trịThành tích, khen thưởng vốn là những từ rất đẹp, rất ý nghĩa. Dù là già trẻ gái trai, khi làm bất cứ việc gì, ai cũng muốn mình đạt thành tích để được khen thưởng. Vì thành tích là một trong những động lực thôi thúc mỗi cá nhân, tập thể nỗ lực phấn đấu để không ngừng trưởng thành, tiến bộ. Nhưng thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức, trong đó có cả cán bộ, đảng viên đã có nhận thức, ứng xử lệch lạc trong công tác thi đua-khen thưởng.
Cách đây 8 năm, dư luận từng xôn xao về việc UBND một thành phố lớn đã quyết định khen thưởng cho gần 11.000 cá nhân trong năm, trong đó số cán bộ lãnh đạo quản lý chiếm khoảng 90%, còn lại là nhân dân và người lao động. Nói một cách dễ hiểu, ở địa phương này, cứ 10 người được khen thì có 9 người là cán bộ. Việc “lạm phát” khen thưởng nhiều cán bộ, một mặt đã làm suy giảm, thậm chí triệt tiêu động lực phấn đấu thi đua của nhân dân vốn là lực lượng, chủ thể đông đảo nhất trong xã hội; mặt khác, đã phần nào cho thấy khá đông cán bộ vẫn còn “say sưa thành tích”, “đam mê khen thưởng” quá mức cần thiết, thậm chí tranh gần hết phần khen thưởng của người lao động!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Không chỉ có quan niệm lệch chuẩn về thi đua-khen thưởng, mà nhiều vụ việc “mua thành tích”, “chạy danh hiệu” trong một bộ phận cá nhân, tập thể cũng khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nổi cộm nhất là vụ “chạy danh hiệu” của Trịnh Xuân Thanh. Đứng đầu Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), nhưng Trịnh Xuân Thanh để xảy ra nhiều sai phạm rất nghiêm trọng khiến doanh nghiệp này thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Thế nhưng, Trịnh Xuân Thanh vẫn tìm mọi cách luồn lọt “chạy thành tích” để được ưu ái tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba của Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được tặng Bằng khen của lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Xây dựng… Còn PVC thì được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động! Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã hủy bỏ quyết định về việc tặng Bằng khen của Thủ tướng đối với Trịnh Xuân Thanh. Trước đó ít lâu, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chủ tịch nước xem xét hủy quyết định khen thưởng danh hiệu đã từng trao cho Trịnh Xuân Thanh và PVC!
Cách đây 3 năm, ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cũng bị thu hồi danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì đã cố tình khai man thành tích trong kháng chiến, tranh công đồng đội khiến cấp trên đã trao nhầm danh hiệu cao quý của Nhà nước cho ông này!
Để xảy ra hai vụ việc “chạy danh hiệu” điển hình nêu trên, ngoài trách nhiệm chính thuộc về hai cá nhân sai phạm, nhưng cũng phần nào cho thấy sự nể nang, dễ dãi, thậm chí có biểu hiện tiêu cực của cơ quan chức năng như Ban Thi đua-Khen thưởng các cấp và các bộ phận, cá nhân làm tham mưu, thẩm định, kiến nghị hồ sơ khen thưởng lên cấp trên. Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với một cán bộ Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương vì đã có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc thẩm định quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn để trình cấp có thẩm quyền khen thưởng PVC và Trịnh Xuân Thanh, đã phần nào nói lên điều đó.
Mấy nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta đã nhiều lần cảnh báo về các loại “chạy”, nào là “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy dự án”, “chạy tuổi”, “chạy luân chuyển”… Những loại "chạy" này đều gắn với mục đích quyền lực, lợi lộc, dễ mang lại cho những kẻ "chạy" được nhiều “món lời” kinh tế nếu việc chạy diễn ra… “thông đồng bén giọt”! Còn một thứ “chạy” khác rất tinh vi, nhưng cũng không kém phần nguy hại, đó là “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”. Phần lớn những cá nhân, tập thể “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” không chỉ thỏa mãn mục đích thích được đề cao, ca ngợi, "đánh bóng tên tuổi", muốn “nổi đình nổi đám” trong xã hội, mà còn nhằm "bịt chặt" những sai trái, khuyết điểm của mình để “che mắt thiên hạ”!
Danh thường gắn liền với lợi. Có những cá nhân quyết chạy bằng được thành tích này, danh hiệu nọ cũng chỉ nhằm dễ bề thăng quan tiến chức. Do đó, cái sự “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” cũng là một biểu hiện của trục lợi chính trị. Vì khi những kẻ "chạy" đã sở hữu được phần thưởng, danh hiệu cao quý, kẻ đó có cơ hội được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm hay luân chuyển ở vị trí cao hơn. Ví như Trịnh Xuân Thanh, do có bằng khen, huân chương nên mới dễ được bổ nhiệm, luân chuyển nhiều vị trí công tác một cách mau lẹ và… bất thường như vậy!
Siết chặt quy trình, thủ tục khen thưởng, “bịt chặt” lỗ hổng về phong tặng danh hiệu
Những vụ việc “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” đã bị dư luận bóc mẽ, xã hội lên án, thậm chí có lúc trở thành vấn đề “nóng” của nghị trường, nên đây là chuyện không thể xem thường.
Tại sao lại có những cá nhân, tổ chức sa đà vào việc “chạy thành tích", "chạy danh hiệu” một cách nặng nề đến mức như vậy? Một trong những lý do căn bản dẫn đến thực trạng này là trong cơ chế, chính sách còn nhiều khe hở, lỗ hổng khiến cho “bệnh thành tích” như một thứ “dịch” nảy sinh, lây lan gây tác động tiêu cực đến chiều hướng phát triển lành mạnh của xã hội. Mặt khác, tâm lý háo danh, chuộng hình thức, thích phô trương và nhất là tư tưởng “con gà tức nhau tiếng gáy”, kèn cựa danh hiệu, đố kỵ thứ hạng của nhau… còn tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên, tổ chức (kể cả cấp ủy, người đứng đầu) cũng là “một thứ vi-rút tai hại” khiến cho “bệnh thành tích” và vấn nạn “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” càng có nguy cơ nặng nề thêm.
Cho nên, việc cần kíp đối với chúng ta hiện nay là phải kiên trì, kiên quyết loại bỏ căn bệnh này trong mỗi cá nhân, tổ chức để góp phần làm lành mạnh hóa đời sống chính trị-xã hội. Muốn vậy, cần phải tăng cường giáo dục, bồi đắp, nâng cao tinh thần tự trọng, ý thức liêm sỉ, đức tính trung thực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong cuộc sống, học tập, công tác; kiên quyết nói “không” với việc che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, cố tình “mua” thành tích, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” chỉ nhằm “đánh bóng tên tuổi”, vì suy cho cùng, đây cũng là một hành vi trục lợi tinh thần, làm xói mòn phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Mặt khác, các cơ quan chức năng, hội đồng thi đua-khen thưởng các cấp và những người làm công tác thi đua-khen thưởng cần phải nêu cao trách nhiệm đạo đức công vụ, bảo đảm sự khách quan, công tâm, chính xác trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ, báo cáo, tờ trình đề nghị khen thưởng của cấp dưới; chủ động nhận diện, phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các trường hợp cá nhân, tổ chức thiếu trung thực trong hoạt động thi đua và có động cơ, hành vi lệch lạc về công tác khen thưởng. Bên cạnh đó, cần phải siết chặt quy trình, thủ tục hồ sơ thẩm định khen thưởng, “bịt chặt” các lỗ hổng về phong tặng danh hiệu để mọi cá nhân, tổ chức không có cơ hội “chạy” nhằm “lấy bằng được” thành tích, khen thưởng và danh hiệu!
Giải pháp căn cơ hiện nay là phải chú trọng quan tâm xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong mọi hoạt động công tác, gắn với việc thường xuyên chăm lo xây dựng môi trường văn hóa công sở và bầu không khí thi đua thật sự lành mạnh. Thực hiện tốt giải pháp này là tạo điều kiện thuận lợi cho mọi nhân tố tích cực đều có cơ hội cống hiến, trưởng thành và khi họ đạt thành tích tốt thì được khen thưởng kịp thời, xứng đáng; đồng thời không để cho những kẻ nói nhiều làm ít hay chỉ thích luồn lọt, nịnh hót sẽ không còn cơ hội tìm cách che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” vì mục đích háo danh, vụ lợi. Hay nói cách khác, khi các giá trị đạo đức văn hóa lan tỏa vào trái tim, khối óc mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và thấm sâu vào mọi hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, thì sẽ góp phần đẩy lùi được tình trạng: “Bệnh thành tích”; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra.
Theo qdnd.vn