10 giờ:4 phút Thứ năm, ngày 29 tháng 6 , 2017

Kết hợp kinh tế với quốc phòng - Nhiệm vụ chiến lược lâu dài:

Bài 2: Hiệu quả từ một chiến lược đúng đắn

Trong những năm qua, thực hiện nghị quyết của đại hội Đảng toàn quốc và đại hội Đảng bộ Quân đội, các đơn vị trong toàn quân và LLVT đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Thực hiện chủ trương này không những giúp Quân đội ta và LLVT tự bảo đảm được một phần nhu cầu của mình, mà còn góp phần quan trọng để xây dựng đất nước sau chiến tranh; tham gia xóa đói giảm nghèo; tạo sinh kế bền vững cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao tiềm lực về quốc phòng, kinh tế, khoa học-công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược.

>>> Bài 1: Từ quy luật nghìn đời đến đòi hỏi thực tiễn

Nguồn lực trọng yếu cho những công trình quốc gia

Nhà báo Mỹ Nây Si-han (Neil Sheehan) từng nhiều năm làm phóng viên chiến trường ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Lời nói dối hào nhoáng” về chiến tranh Việt Nam. Trong lần quay lại Việt Nam vào cuối năm 1989, nhà báo Nây Si-han đã được đi thăm một số đơn vị sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội; được gặp Trung tá, Anh hùng Lao động Trần Văn Cường, Phó chỉ huy trưởng Đoàn N65-đơn vị tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Lúc ấy, Nây Si-han đã cảm thấy rất thú vị vì một sĩ quan quân đội mà lại là Anh hùng Lao động. Ông cũng thấy rất thuyết phục vì những kết quả trong việc tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nây Si-han nói: “Có rất nhiều điểm khác nhau giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Mỹ, nhưng có một điều tôi phát hiện ra là: Quân đội Mỹ sinh ra để tiêu phí tiền của, trong đó có những việc vô ích, có hại, còn Quân đội nhân dân Việt Nam thì lại làm ra được tiền và lúc nào cũng có ích cho đất nước. Dư luận Mỹ cần phải biết điều này”.

Ngay từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, quán triệt phương châm “Kháng chiến, kiến quốc”, “Thực túc binh cường”, Quân đội ta đã tích cực tăng gia sản xuất tại chỗ để cải thiện đời sống; các xưởng quân giới tích cực sản xuất vũ khí phục vụ quân, dân ta đánh giặc. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Bộ Quốc phòng đã chuyển 8 vạn quân tham gia khôi phục, xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước sau chiến tranh. Quân đội đã có mặt trên những công trường xây dựng quan trọng nhất thời đó như: Đại công trường thủy nông Bắc Hưng Hải, khu công nghiệp Thái Nguyên, Việt Trì... Nhờ đó, miền Bắc nhanh chóng khôi phục sản xuất, tạo tiềm lực về kinh tế để chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã điều chuyển gần 28 vạn quân sang làm kinh tế. Bộ đội đã tham gia xây dựng hầu hết những công trình lớn của quốc gia như: Tuyến đường sắt thống nhất Bắc-Nam; Khu căn cứ dịch vụ tổng hợp, cảng dầu khí ở Vũng Tàu; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình... Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, nhiệm vụ xây dựng kinh tế của quân đội được tổ chức lại. Nhiều đơn vị kinh tế của quân đội được tổ chức thành các doanh nghiệp. Việc tổ chức doanh nghiệp quân đội vừa là để sử dụng một lực lượng đông đảo, có tính kỷ luật cao, có sức mạnh tập thể để góp phần trực tiếp tham gia xây dựng kinh tế cho đất nước, vừa là một giải pháp tạo việc làm cho bộ đội trong tiến trình tinh giản quân số, bố trí lại tổ chức lực lượng sau khi hòa bình lập lại.

Điểm tựa vững chắc nơi biên cương

Hiện nay, hoạt động xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP); tham gia xóa đói giảm nghèo; thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng (triển khai 25 dự án); xây dựng các làng bản tại những vùng đặc biệt về quốc phòng-an ninh (QPAN) dọc theo tuyến biên giới đang là một hoạt động nổi bật, thể hiện rõ vai trò của quân đội trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đến hết năm 2016, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng 28/33 Khu KT-QP ở vùng biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng yếu về QPAN. Thực tiễn minh chứng, trước khi các khu KT-QP được xây dựng, nhiều khu vực trên tuyến biên giới đất liền của nước ta không có người dân sinh sống, tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia gặp không ít khó khăn. Sự xuất hiện của các khu KT-QP thực sự trở thành những phên giậu nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Đến nay, các dự án khu KT-QP đã hoàn thành đỡ đầu, đón nhận hơn 101.340 hộ dân (đạt hơn 101% theo kế hoạch được phê duyệt). Trong đó đỡ đầu, ổn định tại chỗ giúp xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho hơn 69.810 hộ dân; đón nhận, sắp xếp gần 31.530 hộ dân; hoàn thành mục tiêu đón nhận, sắp xếp dân cư trong các khu KT-QP (trong đó có 7.150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức quy hoạch 15.847 hộ dân di cư từ các vùng khác đến ổn định cuộc sống); xây dựng mới 536 điểm dân cư tập trung với 32.009 hộ dân. Hiện nay, đang tiếp tục hỗ trợ 100.000 hộ dân theo Quyết định 1391/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các khu KT-QP trở thành điểm tựa vững chắc cho cuộc sống bình yên, ấm no của nhân dân và bảo đảm QPAN vùng biên giới.

Tại Hội nghị tổng kết xây dựng các khu KT-QP giai đoạn 2000-2016, các bộ, ngành, địa phương đều đánh giá cao ý nghĩa và hiệu quả hoạt động của các khu KT-QP. Đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đánh giá, các khu KT-QP cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ bố trí lại dân cư theo quy hoạch sản xuất và mục tiêu lâu dài về QPAN; tổ chức sản xuất, làm nòng cốt hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hình thành các cụm làng, xã biên giới, xây dựng thế trận lòng dân, tạo vành đai biên giới vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cũng khẳng định rằng, các khu KT-QP được xây dựng ở những vị trí then chốt dọc biên giới đã và đang phát huy hiệu quả toàn diện, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho nhân dân yên tâm làm ăn sinh sống trên vùng biên cương, vùng sâu, vùng xa của đất nước. Cùng với đó, các đơn vị quân đội còn tổ chức rất nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo vùng biên giới, trong đó, Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện là một điển hình. Chỉ trong vòng một năm, chương trình đã trao tới 24.000 con bò giống (trị giá 360 tỷ đồng) tặng 24.000 hộ gia đình nghèo của 11 tỉnh biên giới phía Bắc, giúp người dân nghèo có sinh kế bền vững.

Góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, phục vụ xã hội

Hoạt động kết hợp KT-QP là giải pháp để duy trì và tăng cường năng lực cho các đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực của quân đội. Về việc này, Trung tướng Nguyễn Đức Lâm, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) cho rằng: “CNQP là một bộ phận của tiềm lực quốc phòng, an ninh; đồng thời là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, kết hợp sản xuất quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng là yêu cầu khách quan trong hoạt động của ngành CNQP”.

Hiện nay, tổ chức lực lượng sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp CNQP được củng cố, kiện toàn theo hướng gắn kết, hòa nhập sâu với công nghiệp quốc gia, với yêu cầu lưỡng dụng trong các dự án cả sản xuất quốc phòng và sản xuất kinh tế. Nhờ đó, năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của ngành chuyển biến rõ nét và có bước đột phá với hơn 80% vũ khí, trang bị kỹ thuật do CNQP sản xuất. Đặc biệt, tất cả đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư của ngành tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo... Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, các đơn vị, nhà máy đã tận dụng tối đa công năng để sản xuất các sản phẩm kinh tế, tạo nguồn lực tài chính tái đầu tư cho sản xuất quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm gần đây, doanh thu từ các đơn hàng kinh tế chiếm tỷ trọng bình quân hơn 60% tổng doanh thu toàn Tổng cục CNQP.

Hoạt động kinh tế của các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp có thu và đơn vị thường trực trong thời gian qua cũng đã góp phần duy trì và nâng cao tay nghề, năng lực chuyên môn; phục vụ nhu cầu của xã hội; tăng thêm nguồn thu, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, bổ sung kinh phí huấn luyện. Theo Đại tá Chu Xuân Anh, Giám đốc Bệnh viện Quân y 354, thì trong điều kiện thời bình, các đối tượng phục vụ theo quy định của Cục Quân y hiện chỉ chiếm khoảng 50% lượng bệnh nhân của bệnh viện. Vì thế, để duy trì và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện thì việc tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân là rất quan trọng. “Càng tiếp xúc với nhiều loại bệnh thì trình độ khám, chữa bệnh của bác sĩ quân y càng được nâng cao, phục vụ bệnh nhân là quân nhân tốt hơn. Hoạt động khám, chữa bệnh của các bệnh viện quân y cũng đang góp phần giảm tải cho bệnh viện dân sự”-Đại tá Chu Xuân Anh nói. Hiện nay, tại Bệnh viện Quân y 354 đang quản lý hơn 100.000 thẻ Bảo hiểm y tế. Điều này cũng góp phần tăng nguồn thu, bảo đảm đời sống cho cán bộ, y sĩ, bác sĩ của bệnh viện, tái tạo sức lao động.    

Thời gian qua, một số mô hình, loại hình tham gia hoạt động xây dựng kinh tế của các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp có thu và đơn vị thường trực mang lại hiệu quả cao như: Tăng gia quanh bếp, quanh nhà; mô hình VACR; khu tăng gia sản xuất, chế biến tập trung cấp trung, sư đoàn; khu căn cứ hậu cần cấp quân khu, quân đoàn và tương đương; hoạt động có thu từ kết hợp dịch vụ với chuyên môn đặc thù của đơn vị như: Khám, chữa bệnh; rà phá bom, mìn; tư vấn thiết kế; tư vấn giám sát; thí nghiệm chuyên ngành...

Tiên phong trên nhiều lĩnh vực khó, đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước

Một mảng hoạt động rất quan trọng trong tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội là hoạt động của các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ). Những năm qua, các DNQĐ đã đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước. Đến nay, sau quá trình sắp xếp, Bộ Quốc phòng còn 88 doanh nghiệp độc lập thuộc loại hình công ty TNHH MTV Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Theo báo cáo của Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), năm 2016, tổng doanh thu của DNQĐ là 345.124 tỷ đồng, bằng 104,2% so với tổng doanh thu năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 43.504 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 40.273 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp có mức thu nộp ngân sách từ 300 tỷ đồng trở lên là 5 doanh nghiệp, gồm: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Vaxuco. DNQĐ đang tạo thu nhập và việc làm cho gần 200.000 lao động. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Viettel luôn nằm trong tốp 3 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (trong đó Viettel đứng vị trí số 1 vào năm 2012 và năm 2015).

Bài 2: Hiệu quả từ một chiến lược đúng đắn
Ảnh minh họa / qdnd.vn 

 

Nếu như không phải DNQĐ thì khó có doanh nghiệp nào dám đầu tư, xây dựng các công trình ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo tiền tiêu-những nơi rất gian khó, mà hiệu quả kinh tế không cao. Hơn nữa, ở các khu vực nhạy cảm về QPAN chỉ có đơn vị kinh tế của quân đội, DNQĐ mới được tin tưởng và phù hợp để đứng chân. Cùng với đó, DNQĐ còn thể hiện vai trò tiên phong trong việc nâng cao tiềm lực về khoa học-công nghệ của quốc gia. Các dự án nghiên cứu sản xuất của Viettel cả trên lĩnh vực dân sinh và CNQP đều đạt được những thành tựu nổi bật. Trong đó, Viettel đã tự nghiên cứu, phát triển thành công nhiều vũ khí, thiết bị công nghệ cao, nâng cao khả năng tự chủ về công nghệ sản xuất vũ khí của Quân đội ta, hứa hẹn sẽ thay đổi nhanh chóng sức mạnh quân sự của Việt Nam. Chính những hiệu quả trong sản xuất kinh tế khiến các DNQĐ như Viettel có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cho nghiên cứu phát triển vũ khí, trang thiết bị quân sự công nghệ cao. Việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ của các đơn vị, DNQĐ cũng trở thành một môi trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của Viettel, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, 10 năm qua, Viettel đã có bước phát triển thần kỳ về nhiều mặt, trong đó có sự thần kỳ từ tư duy và cách tiếp cận phát triển khoa học-công nghệ. Vừa qua, việc đầu tư thần tốc vào phát triển hạ tầng hệ thống 4G chỉ trong 6 tháng cho thấy sức mạnh phát triển hạ tầng công nghệ của Viettel. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, việc Viettel chú trọng đến hoạt động khoa học và công nghệ là tín hiệu đáng mừng góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của quốc gia. Hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ của Viettel là gợi ý để các sở khoa học và công nghệ của các địa phương tìm kiếm nguồn vốn cho khoa học và công nghệ-bài toán vốn “đau đầu” của nhiều địa phương.

Đầu tư ra nước ngoài với nhiều doanh nghiệp Việt Nam là nhiệm vụ khó. Nhưng một số DNQĐ lại đang thu được nhiều thành công từ hoạt động này. Đồng chí Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá rằng: “DNQĐ đang đi đầu trong các hoạt động đầu tư ra nước ngoài”. Đến hết năm 2016, doanh thu đầu tư nước ngoài năm 2016 của DNQĐ đạt hơn 1 tỷ USD, tổng doanh thu lũy kế đến hết năm 2016 đạt hơn 4,8 tỷ USD. Số tiền chuyển về Việt Nam đến hết năm 2016 đạt hơn 475 triệu USD. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài này của DNQĐ không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho đất nước, mở đường để các doanh nghiệp khác của Việt Nam có thêm dũng khí chiếm lĩnh thị trường nước ngoài thời kỳ hội nhập, mà còn giúp tạo mối quan hệ hữu hảo với các nước, là cơ sở để bảo vệ đất nước từ xa.

Trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung thì lợi nhuận, hiệu quả kinh tế là mục tiêu số 1. Thế nhưng, đối với một số hoạt động KT-QP đặc thù của quân đội, của DNQĐ thì lợi nhuận có lẽ chỉ là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả. Tiêu chí còn lại để đánh giá hiệu quả chính là các hoạt động ấy đã đóng góp ra sao vào chiến lược QPAN của quốc gia. Kết quả đạt được trong việc tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội cũng là để góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ QPAN của đất nước.

Nhìn nhận, đánh giá đúng, toàn diện về hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội ta là cơ sở để đề ra được những định hướng đúng đắn trong các giai đoạn tiếp theo.

(Còn nữa)

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website