Tiếp nối truyền thống nghìn đời của dân tộcGiáo sư sử học Trần Quốc Vượng trong công trình “Tìm hiểu văn hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam” đã viết: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mình, dân tộc ta có nhiều kinh nghiệm kết hợp chặt chẽ vấn đề kinh tế với quốc phòng. Sự kết hợp đó được thể hiện tập trung trong chính sách “ngụ binh ư nông”... Nước ta, từ khi thành lập cho đến nay là một nước nhỏ, dân ít. Từ yêu cầu đó của thực tiễn, tổ tiên ta đã đi tới một tổ chức quân sự vừa đáp ứng được nhiệm vụ giữ nước, vừa thỏa mãn được nhu cầu làm ruộng, sản xuất ra lương thực. Cho nên đó là chính sách vì binh, mà cũng vì nông”.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, người đã có hàng chục năm đi sâu nghiên cứu về lịch sử quân đội tham gia sản xuất và từng có nhiều bài viết lược sử về truyền thống xây dựng quân đội của cha ông ta. Theo ông, thời nhà Lý khi đất nước hòa bình thì chỉ có cấm quân là phải trực thường xuyên, còn các quân khác thì chia thành phiên, một bộ phận trực tại ngũ, luyện tập và canh phòng, một bộ phận thì trở về nông thôn để sản xuất. Khi có chiến tranh tất cả trở lại quân ngũ để chiến đấu. Vì thế, thời bình, quân đội nhà Lý thường chỉ có khoảng 3-5 vạn quân, nhưng khi có chiến tranh, huy động được hơn 10 vạn quân. Qua đó giảm gánh nặng cho việc nuôi quân, phát triển kinh tế đất nước. Các sử gia Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ và Phan Huy Chú đánh giá “đây là một chính sách tốt, chế độ hay của thời cận cổ”, “lúc nông nhàn thì luyện tập, lúc vô sự thì làm ruộng, khi có động thì chiểu sổ gọi ra”, cho nên “binh vẫn đủ mà không phải chi phí nhiều, càng thêm hăng hái chống giặc”. Các triều đại tiếp sau như: Trần, Lê... cũng kế thừa, thực hiện chính sách tương tự. Từ cuối đời Lê và đời Nguyễn, quân đội còn đóng vai trò là những người tiên phong đi mở đất. Đoàn quân của vị tướng Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế nối từ sông Hậu ra vịnh Thái Lan, là công trình đánh dấu xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ.
Trao đổi với phóng viên, Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh: “Quân đội ta tham gia phát triển kinh tế là vấn đề mang tính bản chất chức năng truyền thống, là sự hiện thực hóa quy luật trường tồn “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc, đồng thời là sự cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở các địa bàn trọng yếu, nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, từ trước đến nay, nhân dân đều ghi nhận vai trò tham gia phát triển kinh tế của quân đội. Tuy nhiên, Đại tướng Nguyễn Quyết cũng cho rằng: “Quân đội làm kinh tế không nên ôm đồm, nên làm trong những lĩnh vực, địa bàn trọng yếu mà quân đội có thế mạnh”.
Bộ đội Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 406, Quân khu 2 chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: qdnd.vn
Lời Bác dạy về đội quân “ba trong một”
Một trong những bài phát biểu đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chức năng “ba trong một” (đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất) của quân đội là vào ngày 20-3-1958. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân, Bác khẳng định: “Quyết tâm xây dựng Quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”.
Tháng 7-1976, đến dự và phát biểu tại Hội nghị xây dựng-kinh tế toàn quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại lời dạy của Bác Hồ và nhấn mạnh: “Quân đội ta phải làm tốt hai nhiệm vụ lớn: Sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất; xây dựng kinh tế, xây dựng đất nước là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng”; “Quân đội làm kinh tế, không chỉ có ý nghĩa xây dựng đất nước đơn thuần về mặt kinh tế. Việc đó còn có ý nghĩa to lớn đối với củng cố quốc phòng và xây dựng lực lượng của bản thân quân đội”.
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một người lính dạn dày trận mạc, nhập ngũ từ năm 1953, có nhiều kinh nghiệm tham gia lãnh đạo, chỉ huy phát triển kinh tế, “làm giàu đánh thắng” ở Quân khu 3 bày tỏ nhiều tâm huyết. Theo Đại tướng Phạm Văn Trà thì việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chủ trương chiến lược, xuất phát từ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xuất phát từ truyền thống dân tộc, từ chủ trương của Đảng, Bác Hồ cũng như từ đòi hỏi của thực tiễn. Dù trong bối cảnh đất nước đã hòa bình, hội nhập, quân đội được Nhà nước chăm lo, đầu tư thì chức năng "đội quân sản xuất" của quân đội vẫn còn nguyên giá trị. “Những ai cho rằng, quân đội thôi tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng thì sẽ tốt hơn cho đất nước là hoàn toàn sai lầm cả về mặt kinh tế và chính trị. Chưa nói đến vai trò chiến lược của các đơn vị kinh tế nơi biên cương, hải đảo, tôi chỉ dẫn chứng các đơn vị công nghiệp quốc phòng, hàng quốc phòng chỉ chiếm 20-30%. Thử hỏi nếu không phát huy nguồn lực để sản xuất hàng dân dụng thì làm sao có thể tồn tại để nuôi dưỡng tiềm lực quốc phòng?”-Đại tướng Phạm Văn Trà nêu câu hỏi.
Làm việc với nhóm phóng viên, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế-Bộ Quốc phòng cũng khẳng định: “Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng không phải là điều bản thân quân đội mong muốn, mà đây là chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho. Đây cũng không phải là việc làm kinh tế đơn thuần vì lợi nhuận mà kinh tế gắn liền với chính trị, với bảo vệ Tổ quốc, với xây dựng đất nước. Bao năm nay, nhiều văn kiện của Đảng đều ghi rõ quân đội có chức năng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” như lời dạy của Bác Hồ.
“Có người viện dẫn nước nọ nước kia quân đội không tham gia làm kinh tế mà chỉ tập trung huấn luyện và coi đó như một "mô hình chuẩn" để Việt Nam học theo, làm theo. Trước hết, cần khẳng định rằng: Mỗi nước có một nền quốc phòng, một kiểu xây dựng quân đội khác nhau. Việc một số nước xây dựng quân đội nhà nghề, xây dựng nền quốc phòng để chi phối, xâm lấn nước khác, nên họ có phương thức xây dựng riêng và cách tổ chức riêng. Đối với nước ta từ nghìn đời nay luôn xây dựng nền quốc phòng tự vệ, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều. Vì vậy, chúng ta phải triệt để thực hiện chủ trương vừa xây dựng, vừa chiến đấu, vừa tham gia lao động sản xuất”-Thiếu tướng Võ Hồng Thắng nhìn nhận.
Theo nghiên cứu của Thiếu tướng, PGS, TS Trần Trung Tín, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp quân đội, tác giả công trình khoa học “Kết hợp kinh tế với quốc phòng ở nước ta hiện nay”, có tới 5 xu hướng kết hợp kinh tế với quốc phòng ở một số nước trên thế giới hiện nay. Quân đội ở các nước như: Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan... đều tham gia làm kinh tế với những phương thức khác nhau.
Thạc sĩ Vũ Hồng Lưu (Vụ Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội), một người dày công theo dõi, nghiên cứu lĩnh vực kết hợp kinh tế với quốc phòng đã khẳng định: Thực tiễn lịch sử phát triển của các quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng, dù là nước lớn hay nước nhỏ, kinh tế phát triển hay chưa phát triển, dù chế độ chính trị như thế nào thì mỗi quốc gia cũng đều quan tâm thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh. Hoạt động quốc phòng nước nào cũng cần phải lưu ý tính lưỡng dụng, phải có khả năng phục vụ phát triển kinh tế, đời sống dân sinh.
Chủ trương chiến lược, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta
Theo công trình của Thiếu tướng, PGS, TS Trần Trung Tín, quân đội ta là một quân đội rất đặc thù, ra đời trước khi có chính quyền, có nhà nước nên phải thực hiện “thực túc binh cường”, vừa dựa vào dân, vừa tự tăng gia sản xuất để chiến đấu.
Thống kê từ cuộc kháng chiến chống Pháp cho thấy những con số đáng kinh ngạc, viện trợ nước ngoài chỉ chiếm 16% ngân sách quốc phòng, nguồn lực còn lại có công sức rất lớn của quân đội thực hiện chủ trương “bộ đội tham gia sản xuất, tích trữ lúa gạo, muối, ký ninh” và “chú trọng chế tạo vũ khí chống xe tăng, ca nô và vũ khí thô sơ” như Hội nghị cán bộ trung ương lần thứ II (1947) đề ra.
Một sự kiện thể hiện bước ngoặt trong thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất của quân đội phải kể đến năm 1956, đất nước vừa hòa bình, Đảng, Nhà nước quyết định chuyển 8 vạn quân thường trực chiến đấu sang tham gia khôi phục kinh tế, xây dựng đất nước; ngoài ra mỗi đơn vị có 10-15% quân số tham gia sản xuất. Tuy nhiên, chỉ 4 năm sau, trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân đội giao toàn bộ 29 nông trường, hàng vạn bộ đội sản xuất lại lên đường cầm súng vào Nam chiến đấu như một biểu tượng của “ngụ binh ư nông” thời đại mới.
Cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ (1973), Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng lại quyết định thành lập 20 trung đoàn sản xuất đứng chân ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 24 (khóa III) thể hiện khá rõ quan điểm quân đội tham gia sản xuất của Đảng ta: “Các lực lượng vũ trang, kể cả các đơn vị thường trực phải tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, Đại hội IV của Đảng (1976) xác định rõ: “Trong hoàn cảnh của một nước nghèo lại vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tranh ác liệt, kéo dài, thì các lực lượng vũ trang ngoài nghĩa vụ luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, còn phải tích cực làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế...”. Kế đó, Đại hội V của Đảng (1982) khẳng định: “Tổ chức tốt quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế một cách thích hợp và hiệu quả”. Đại hội VI của Đảng (1986) với tư duy đổi mới mạnh mẽ đã xác định: “Từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước. Trên cơ sở bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và sản xuất quốc phòng, huy động một phần lực lượng quân đội, sử dụng một phần năng lực công nghiệp quốc phòng và việc xây dựng kinh tế”.
Từ Hội nghị Trung ương 6, khóa VI, Đảng ta xác định phải tăng cường quản lý quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế: “Phát huy khả năng và tiềm lực của quân đội trong xây dựng kinh tế nhằm tự giải quyết một phần các nhu cầu của quân đội và góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Quân đội làm kinh tế theo cơ chế quản lý chung của Nhà nước, thực hiện hạch toán kinh doanh”. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng (1996) khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng trong việc quy hoạch và phát triển các vùng kinh tế, các ngành công nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế gắn với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh làm cơ sở cho những chủ trương cụ thể”. Đặc biệt, giai đoạn này, tại Thông báo số 116TB/TƯ ngày 9-3-1988 của Bộ Chính trị kết luận về nhiệm vụ lao động sản xuất và làm kinh tế của quân đội đã khẳng định: “Tham gia lao động sản xuất và làm kinh tế là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa chiến lược, lâu dài của quân đội ta”.
Nghị quyết các Đại hội IX, X, XI của Đảng đều nhất quán chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Nghị quyết Đại hội XII khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược”.
Cụ thể hóa các quan điểm của Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết số 520-NQ/NQTW ngày 25-9-2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của quân đội đến năm 2020 khẳng định: “Tiếp tục đổi mới tư duy về quân đội làm kinh tế, khẳng định sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng là một trong những chức năng, nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của quân đội; phấn đấu là một nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Phát biểu tại Hội nghị Kinh tế toàn quân năm 2016 , Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Tham gia lao động sản xuất và phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa chiến lược lâu dài, là một trong những chức năng cơ bản, thể hiện bản chất truyền thống của Quân đội ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với việc thực hiện tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, thì quân đội đã nỗ lực, tích cực, chủ động thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất và thu được những kết quả quan trọng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, trong những năm qua, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế, nhưng hầu hết các doanh nghiệp quân đội giữ vững và phát huy được truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, chủ động, vượt khó trong sản xuất kinh doanh, thể hiện tính năng động sáng tạo, không chỉ phát triển ở thị trường trong nước mà còn tiên phong vươn ra thị trường nước ngoài.
(còn nữa)
Theo qdnd.vn