15 giờ:13 phút Thứ tư, ngày 20 tháng 7 , 2016

Xây “lũy thép trên biển” ở “hai đầu nỗi nhớ”:

Kỳ 3: Những người vợ "2 trong 1"

Chiến tranh đã qua đi nhiều năm, ngỡ tưởng người vợ lính ngoài nhọc nhằn với công việc trong cuộc mưu sinh thường nhật, khi về với gia đình họ chỉ làm vợ, làm mẹ. Nhưng không! Ngày nay, vẫn có biết bao người vợ, người mẹ của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa vừa thực hiện thiên chức người mẹ, vừa đảm đương vai trò người bố. Họ chẳng những làm tốt công việc của người phụ nữ mà còn làm trọn vẹn công việc đáng lẽ là của đàn ông, trong bộn bề gian khó, cách trở, nhớ thương.

>>> Kỳ 1: Những hy sinh thầm lặng
>>> Kỳ 2: Trang sách "mặn tình biển"
>>> Kỳ 4: Những người sống vì mọi người


Đêm ở Cam Ranh im lặng đến nao người. Im lặng đến nỗi, nếu chú tâm ta có thể nghe rõ trong gió, từng cợn sóng biển vỏng vào đất liền xào xạc đến tái tê. Rồi những tiếng sóng ấy nhòa nhòa cùng ánh trăng vàng vọt đầu hạ cuốn câu chuyện của chị Trần Thị Kim Oanh sinh năm 1987, vợ của Đại úy Nguyễn Xuân Lượng - Trạm trưởng Trạm Ra đa 57, Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) vào lòng tôi trong sự cảm phục.

 Kỳ 3: Những người vợ

Niềm hạnh phúc của mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa.

Chị Oanh chia sẻ: “Lúc đầu, khi mới nghe tin chồng ra Quần đảo Trường Sa để làm nhiệm vụ, tôi cũng cảm thấy lo lắng. Nhưng sau đó, tôi lại tự động viên mình phải cố gắng làm tròn vai trò hậu phương thì ở ngoài kia chồng mình cùng đồng đội mới có thêm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ. Cưới nhau gần 9 năm, nhưng vợ chồng tôi thường xuyên xa nhau biền biệt, tình cảm được gói lại trong những cuộc điện thoại câu được, câu chăng. Tuy nhiên, trong những cuộc điện thoại chập chờn tắt sóng khó khăn là vậy, nhưng lúc nào tôi cũng động viên anh ấy cứ yên tâm phụng sự Tổ quốc, ở nhà đã có gia đình nội ngoại, và đơn vị nên mẹ con em cũng vui”.

 Căn nhà của vợ chồng chị thiếu vắng đàn ông nhưng vẫn gọn gàng và ngăn nắp. Vừa làm mẹ, vừa làm bố để chăm lo cho các con từng chút một. Thiết bị điện, nước hỏng hay lắp thêm cái quạt… tự tay chị làm hết. Những lúc ấy, chị lại mơ ước có anh ở bên. Nhưng khi gọi điện, chị không bao giờ nhắc đến chuyện ấy.

Nói đến ước mơ, tôi lại nhớ câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thoa, 38 tuổi, vợ của Thượng úy CN Nguyễn Cảnh Trung - Đài trưởng Đài quan sát mắt ở Đảo Bình Ba, thuộc Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) vào buổi chiều muộn hôm trước.

Đón ly nước vối, quyện lấm tấm lẫn cát trong mằn mặn hương biển từ tay chị, lòng tôi như thắt lại trong mỗi câu chuyện chị kể cho nghe.

Anh chị cưới nhau vồi vội. Vội ở đây là vội thật, vì chỉ ở với nhau được ngót chục ngày thì anh ra Bình Ba nhận nhiệm vụ mới.

Cả hai gia đình nội, ngoại đều ở ngoài Bắc, nên mới cưới, xa chồng bao đêm chị khóc một mình. Biết trước lấy chồng bộ đội vất vả, nhưng đã yêu nhau rồi thì xá gì. Ấy là trước khi cưới. Còn bây giờ, một mình nghe gió hun hút thổi vào căn nhà thuê trọ, cùng bao nhiêu bộn bề cơm, áo, gạo, tiền, chị mới thấm cái vất vả ấy nhiều hơn.

Chị bảo, nhớ lại lần đi đẻ ấy mà tủi. Chẳng là ai đi đẻ cũng được chồng đưa đi và ở bên cạnh động viên trong lúc vượt cạn… Còn chị chỉ có một mình. Bố mẹ ở ngoài Bắc vào thì chị đã sinh rồi. May mà có chế độ bảo hiểm cho thân nhân của anh cũng vợi đi khó khăn phần nào.

Rồi chị không thể ghìm lại nước mắt trong giây khắc giao thời ở cái Tết đầu tiên xa chồng. Lần đầu tiên trong đời chỉ có một mình bên mâm cỗ Tất niên, chị không nuốt nổi một miếng mà bật khóc nức nở. Khóc vì sợ, vì chống chếnh và vì cả nhớ chồng. Từ trước đến nay, đã khi nào chị ở trong tình cảnh ấy. Mỗi khi như thế, chị chỉ biết ôm con vào lòng thổn thức. Nhưng giờ thì khác rồi.

Bây giờ việc gì chị cũng làm được. Chị bảo, làm miết thành quen. Giờ mọi việc như: Thay sửa những viên tấm bờ - rô dột, cúng bái tổ tiên, thịt con gà, thậm chí cả con lợn… đáng lẽ là công việc của đàn ông, chị đã làm ngon lành. Để những lần phép vội của anh, chị chỉ biết yêu thương anh để đắp bù, chứ có bao giờ chị nhắc nhiều đến công việc gia đình. Chị biết, anh là người hiểu điều đó hơn ai hết.

Hai đứa con của chị, một đứa năm nay đã 6 tuổi và một đứa 3 tuổi, nhưng chưa năm nào được ba cưng nựng mặc bộ quần áo mới đưa đi chơi Xuân. Mâm cơm tất niên năm nào cũng thiếu anh. Đôi khi con hỏi về ba, chị chỉ biết giấu nước mắt, gượng cười và hình sự hóa câu chuyện về công việc gác trời của bố cho con nghe. Chị bảo, tuy các con còn bé, nhưng đọc trong trong mắt lũ trẻ, chị biết các con tự hào về ba nó lắm.

Trăng đã nhô lên cao, tạm biệt gia đình chị Oanh mà lòng tôi đầy ắp nỗi niềm. Tôi nghĩ về những thiệt thòi của bao nhiêu đứa trẻ sinh ra đến 1 hoặc 2 tuổi mới được lần đầu biết mặt bố. Những người cha vì nhiệm vụ của Tổ quốc trao cho mà chưa thể làm trọn nghĩa vụ người chồng, người trai với gia đình trong nhưng nhức chung, riêng. Và rồi, tôi lại mỉm cười, vững tin trong tình yêu thương, hạnh phúc và mơ ước giản dị giữa những hi sinh thầm lặng của bao gia đình có người thân đang thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa đầy khắc nghiệt. Nghĩ vậy, để thấy được, khi tình yêu riêng hòa chung tình yêu đất nước, hơn ai hết, nơi tôi đến, những người vợ, người mẹ của người lính đang thực thi nhiệm vụ biển càng thêm vững vàng gắng sức vượt khó, lo chu toàn việc nhà, trở thành hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh cho chồng, con hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

NGÔ TIẾN MẠNH

>>> Kỳ 4: Những người sống vì mọi người

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website