7 giờ:30 phút Thứ ba, ngày 7 tháng 4 , 2020

Hỏi-đáp về bảo hiểm xã hội

Đồng chí Đại tá Nguyễn Tiến T, đơn vị H, hỏi: Tôi có 37 năm tham gia BHXH, tháng 10-2019 tôi đủ điều kiện nghỉ hưu. Vậy khi tôi nghỉ hưu thì tỷ lệ % lương hưu của tôi là bao nhiêu? Tôi có được trợ cấp gì khi nghỉ hưu không?

Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 thì từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật BHXH năm 2014 được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; Sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

- Tại Điều 58 Luật BHXH quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu:

+ Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

+ Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Đồng chí nghỉ hưu vào tháng 10-2019 tỷ lệ % lương hưu của đồng chí là 75% tương ứng với 32 năm tham gia BHXH. Từ năm thứ 33 đến năm thứ 37 là 5 năm đồng chí được hưởng trợ cấp một lần trước khi nghỉ hưu là:

“5 năm x 0,5 = 2,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH”

Đồng chí Trung tá Phạm Nhật M, đơn vị X, hỏi. Theo Luật BHXH năm 2014 thì mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với quân nhân được tính như thế nào?

Trả lời:

Mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với quân nhân theo Điều 56 Luật BHXH năm 2014, cụ thể như sau:

1. Từ ngày 1-1-2016 đến trước ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 Luật BHXH năm 2014 được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

2. Từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật BHXH năm 2014 được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

(Lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2021, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng thì được điều chỉnh lương hưu theo Nghị định 153/2018/NĐ-CP ngày 7-11-2018 của Chính phủ).

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện do suy giảm khả năng lao động được tính như phần trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Đồng chí CNQP Hoàng Văn T, Nhà máy Z hỏi: Điều kiện hưởng chế độ BHXH một lần đối với CN và VCQP, LĐHĐ được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định Điều 60 Luật BHXH năm 2014; Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện thì chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với CNQP, VCQP và LĐHĐ được quy định như sau:

- Đối với CNQP, VCQP, LĐHĐ đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1,2 và 4 Điều 54 Luật BHXH năm 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

- Sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH.

- Ra nước ngoài định cư.

- Bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những những bệnh khác theo quy định tại Điều 4 Thông tư 56/2017/TT- BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế.

Đồng chí CNQP Nguyễn Thị H, đơn vị K, hỏi: Tôi đã 55 năm 1 tháng tuổi đời, nhưng có 19 năm 8 tháng đóng BHXH. Vậy tôi đã đủ điều kiện nghỉ hưu hay chưa? Nếu chưa đủ nhưng tôi muốn nghỉ hưu thì tôi phải làm như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ vào câu hỏi thì đồng chí đủ điều kiện về tuổi đời để nghỉ hưu, nhưng còn thiếu số năm tham gia BHXH (chưa đủ 20 năm).

Tại khoản 4 Điều 15 Thông tư số 59/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định: Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng thì người lao động được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu. Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng BHXH cho những tháng còn thiếu.

Đối chiếu với quy định trên, đồng chí còn thiếu 4 tháng mới đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Do vậy, nếu đồng chí có nguyện vọng nghỉ hưu thì sẽ được đóng BHXH một lần cho 4 tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất (22%) để đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc và được nhận lương hưu ngay tháng hoàn thành nghĩa vụ nộp BHXH.

BBT

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website