8 giờ:17 phút Thứ ba, ngày 13 tháng 4 , 2021

Bài 2: Giữ gìn mối quan hệ “cán-binh”

Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân chủng, nhất là ở đơn vị cơ sở luôn quan tâm đến việc củng cố mối quan hệ đoàn kết “cán-binh”, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Bài 2: Giữ gìn mối quan hệ “cán-binh”
Cán bộ Tiểu đoàn 11, Phòng Tham mưu Sư đoàn 361 hướng dẫn CSM nội dung bắn súng tiểu liên AK bài 1.

Tại Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Đường 18, năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”. Học tập và làm theo lời dạy của Bác, đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân chủng nói chung, cán bộ ở đơn vị cơ sở nói riêng luôn tôn trọng, tiếp thu ý kiến của chiến sĩ, là tấm gương sáng cho chiến sĩ học tập, noi theo; từ đó, chiến sĩ tôn trọng sự chỉ huy và chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của cán bộ.

Thời gian gần đây, Binh nhất Nguyễn Minh Đức - Chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn Vệ binh (Phòng Hành chính - Hậu cần, Bộ Tham mưu Quân chủng) có biểu hiện ít nói, khi đi gác về thường hay ngồi một mình, không giao tiếp, trò chuyện với mọi người và không tham gia các hoạt động chung của đơn vị dù trước đó Đức vốn rất nhanh nhẹn, sôi nổi, hoạt bát. Qua tìm hiểu chỉ huy đơn vị nắm bắt được do thua lỗ trong quá trình làm ăn nên bố mẹ Đức nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí đã làm thủ tục ly hôn. Thấu hiểu được tình cảnh gia đình chiến sĩ, Đại úy Nguyễn Văn Đức - Chính trị viên Đại đội 1 đã chủ động gặp Đức để an ủi, động viên; đồng thời, trực tiếp liên hệ về gia đình để nắm và phối hợp giải quyết. Sự sẻ chia, đồng cảm của cán bộ, chỉ huy các cấp và đồng đội đã giúp Đức lấy lại được tinh thần, vui vẻ hơn, tích cực tham gia vào hoạt động chung của đơn vị. Thời gian qua, Đức còn được Tiểu đoàn biểu dương vì đã có thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ và tham gia các hoạt động của đơn vị.

Đại úy Lê Ngọc Hà - Chính trị viên Tiểu đoàn Vệ binh, Phòng Hành chính - Hậu cần, Bộ Tham mưu, chia sẻ: “Để chiến sĩ tin tưởng, sẻ chia thì đội ngũ cán bộ các cấp phải thực sự chuẩn mực từ lời nói đến việc làm, là tấm gương sáng, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bộ đội. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ các cấp thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng sẻ chia) với bộ đội; đồng thời, phát huy tốt trách nhiệm, vai trò hoạt động “Tổ 3 người”, “Tổ tư vấn tâm lý, sức khỏe, pháp luật”, “Tổ chiến sĩ bảo vệ” trong mọi hoạt động để kịp thời phát hiện, báo cáo lãnh đạo, chỉ huy những biểu hiện tư tưởng nảy sinh”.

Tìm hiểu về xây dựng mối quan hệ đoàn kết cán-binh tại Sư đoàn 361, chúng tôi được Trung tá Phạm Minh Tuấn - Chính ủy Trung đoàn 236, giới thiệu về mô hình “Một đảng viên giúp một chiến sĩ” đang được triển khai thực hiện có hiệu quả ở đơn vị. Thực hiện mô hình này, Đảng ủy Trung đoàn chỉ đạo tổ chức đảng các đơn vị rà soát, phân công đảng viên (có thể là cán bộ, sĩ quan hay quân nhân chuyên nghiệp) kèm cặp, giúp đỡ các chiến sĩ trong đơn vị. Bên cạnh các chiến sĩ có đạo đức, trình độ, năng lực tốt, có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, các đơn vị cũng đặc biệt coi trọng kèm cặp, giúp đỡ các chiến sĩ có chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cá tính riêng biệt… Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi mỗi đảng viên được giao nhiệm vụ kèm cặp, giúp đỡ chiến sĩ phải thực sự gương mẫu, trách nhiệm, thường xuyên bám sát các hoạt động của bộ đội để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ và báo cáo cấp ủy, chi bộ theo định kỳ để có biện pháp giáo dục, quản lý, động viên kịp thời.

Qua tìm hiểu thực tế tại các đơn vị trong Quân chủng chúng tôi nhận thấy, với phương châm “Nghe bộ đội nói, nói bộ đội nghe”, đội ngũ cán bộ các cấp đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám sát mọi hoạt động và gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bộ đội, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Khi tiếp nhận chiến sĩ về công tác, các đơn vị đã thực hiện hiệu quả việc nắm chắc lai lịch chính trị, hoàn cảnh gia đình, nhất là những quân nhân có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp giáo dục, quản lý. Để tăng cường sự đoàn kết, gắn bó, các đơn vị đã quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì thực sự là tấm gương sáng, tạo niềm tin cho cấp dưới; phát huy vai trò trách nhiệm là người anh, người bạn của chiến sĩ trong mọi hoạt động. Mặt khác, để giúp chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: “Sinh nhật đồng đội”, “Đêm nghĩa tình đồng đội”… để động viên, hỗ trợ gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, công tác quản lý, giáo dục tư tưởng bộ đội của các đơn vị nói riêng, Quân chủng nói chung ngày càng đi vào nền nếp, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường, đảo ngũ, bỏ ngũ, vắng mặt trái phép đều giảm.

>>> Bài cuối: Phát huy vai trò của các tổ chức trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết

THÀNH TRUNG, ĐỨC LƯU
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website