Tạo cơ sở pháp lý bảo vệ vùng trời Tổ quốc
Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có nội dung xây dựng Luật Phòng không nhân dân (PKND). Mục tiêu của việc xây dựng luật này nhằm tạo lập cơ sở pháp lý trong xây dựng thế trận PKND rộng khắp, toàn dân, toàn diện, nhiều tầng, nhiều hướng; phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành và toàn dân trong bảo vệ vùng trời Tổ quốc.
Sự cần thiết phải xây dựng Luật Phòng không nhân dân
Dự thảo Luật PKND đã được Bộ Quốc phòng lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân; góp ý của các bộ, ngành, địa phương... Việc xây dựng luật nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc và công tác quân sự, quốc phòng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận PKND trên từng hướng, từng khu vực phòng thủ, nhằm phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không; chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ PKND thời gian qua; giải quyết những vấn đề mới, yêu cầu thực tiễn đặt ra; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; hoàn thiện cơ sở pháp lý để hoạt động PKND thực hiện hiệu lực, hiệu quả.
Mặt khác, việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, công tác bảo đảm an toàn phòng không đối với các trận địa phòng không đang đặt ra yêu cầu phải có quy định của pháp luật để điều chỉnh, như: Quy định về quản lý điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục đầu tư; thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; khoảng cách, cự ly, độ cao các công trình liền kề, tiếp giáp trận địa phòng không... Việc quản lý các hoạt động nêu trên sẽ liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và liên quan trực tiếp tới quy định của pháp luật hiện hành.
Lực lượng Phòng không Lục quân, Phòng không nhân dân thực hành diễn tập bắn đạn thật
tại Trường bắn Quốc gia khu vực 3. Ảnh: VĂN LONG
Khi có tình huống chiến tranh xảy ra, việc bảo vệ, bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh nhằm giữ vững và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định việc tổ chức xây dựng lực lượng PKND trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, các công trình năng lượng lớn của quốc gia; chưa quy định nội dung huy động cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia công tác PKND. Trong khi đó, việc tổ chức hoạt động PKND liên quan đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành hoặc mới chỉ quy định chung về nguyên tắc; do đó cần nghiên cứu, xây dựng luật chuyên ngành để tạo cơ sở pháp lý trong công tác PKND.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, xuất hiện các loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại. Các loại tên lửa, bom, đạn thông minh, có điều khiển, các phương tiện bay không người lái (UAV) được sử dụng rộng rãi, hiệu quả cao trong những cuộc chiến tranh, xung đột của các nước trên thế giới những năm gần đây đã làm thay đổi quy mô, phạm vi, không gian, thời gian, lực lượng và thủ đoạn tác chiến để tiến hành chiến tranh, tác động đến khả năng phát hiện, quản lý vùng trời, nhất là ở độ cao dưới 5.000m của lực lượng PKND. Ở nước ta, thời gian qua, phương tiện bay siêu nhẹ phát triển khá nhanh, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... tiềm ẩn nguy cơ đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cần phải có các giải pháp phù hợp trong quản lý, khai thác, sử dụng, quy định cụ thể trong luật.
Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện bay
Dự thảo Luật PKND được xây dựng trên cơ sở 5 chính sách lớn, đó là: Xây dựng lực lượng PKND; huy động, hoạt động lực lượng PKND; quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (flycam); quy định các biện pháp bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chính sách bảo đảm đối với công tác PKND.
Đặc biệt, quyền khai thác, sử dụng, quyền đầu tư kinh doanh đối với tàu bay không người lái, flycam đang được dư luận quan tâm. Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, tàu bay không người lái và flycam phát triển nhanh chóng và đa dạng. Các phương tiện bay này được ứng dụng rộng rãi và mang lại lợi ích trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, những thiết bị bay này cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không. Điều đáng nói, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ dễ bị các lực lượng phản động, chống đối, thế lực thù địch sử dụng làm công cụ thực hiện các hành vi khủng bố, phá hoại, ghi hình, chụp ảnh, thả chất nổ, chất cháy, chất độc để chống phá Đảng, Nhà nước.
Năm 2019, 2020, trên các tuyến biên giới phía Tây Nam, Tây Bắc, lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện các flycam vi phạm. Qua điều tra, xác minh đây là flycam do các đối tượng buôn lậu bay vào trinh sát lực lượng chống buôn lậu của ta để phục vụ cho việc vận chuyển hàng lậu qua các tuyến biên giới. Đặc biệt, trên các quận nội thành Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 900 lượt hoạt động flycam vi phạm bay không phép, trong đó, năm 2022 là 715 lượt; 4 tháng đầu năm 2023 có gần 200 lượt.
Cùng với đó, các quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, thủ tục cấp giấy phép cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm; các biện pháp quản lý và chế tài đối với hoạt động của tàu bay không người lái, flycam theo quy định hiện hành bộc lộ một số hạn chế. Công tác phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc quản lý nhà nước, đăng ký các thiết bị bay không người lái và flycam chưa chặt chẽ...
Khắc phục những bất cập trên, dự án Luật PKND đưa ra 3 giải pháp, trong đó có giải pháp về quản lý tàu bay không người lái và flycam ở độ cao dưới 5.000m theo hướng quy định cụ thể về quản lý đối với hoạt động nghiên cứu, sản xuất, mua bán, sử dụng; phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc quản lý các phương tiện này. Những quy định trong dự thảo luật tạo cơ sở pháp lý cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nguồn nhập, nguồn xuất, buôn bán, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái và flycam. Đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động của các phương tiện bay, bảo đảm an ninh, an toàn từ trên không.
Đại tá BÙI ĐỨC HIỀN - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân
Theo qdnd.vn