5 giờ:50 phút Thứ năm, ngày 19 tháng 10 , 2017

Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 / 7-11-2017):

Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam

Sau cách mạng Dân chủ tư sản Tháng Hai năm 1917, ở Nga tồn tại tình trạng hai chính quyền song song, một bên là chính phủ lâm thời tư sản và một bên là Xô-Viết các đại biểu công nhân và binh sĩ. Trước tình hình đó, V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã xác định Cách mạng Nga chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam
Người cách mạng tràn vào Cung điện Mùa Đông.
Ảnh: Getty images

Đêm 6-11-1917, khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở Thủ đô Pê-tơ-rô-grat, ngày 7-11, các lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở Thủ đô, trừ Cung điện Mùa Đông và một vài nơi. Đến rạng sáng 8-11-1917, Cung điện Mùa Đông được giải phóng, các bộ trưởng trong chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Thủ đô đã kết thúc thắng lợi. Và ngày 7-11-1917 được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại.

Đây là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Xóa bỏ giai cấp bóc lột, tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội; giải phóng nhân dân lao động, đưa người lao động từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công dẫn tới sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa - nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người và làm cho CNXH từ lý luận trở thành hiện thực trong đời sống chính trị thế giới. Nó báo hiệu quá trình cải tạo thế giới theo CNXH và chủ nghĩa cộng sản đã bắt đầu. Cách mạng Tháng Mười cũng đã mở ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử loài người, từ thế giới tư bản chủ nghĩa sang thế giới xã hội chủ nghĩa, mở ra một thời đại mới-thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Đặc biệt, thành công của Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của những nước thuộc địa Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ la tinh, trong đó có Việt Nam.

Đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước cách mạng Việt Nam đều bị thất bại vì không có đường lối đúng đắn. Lúc đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau gần 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã tiếp thu được ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười. Tháng 7-1920, sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nắm bắt được cốt lõi trong tư tưởng của V.I.Lênin: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Luận cương đã giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam. Người khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu CNXH, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại.

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), Đảng ta đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng soi đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, với đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi to lớn. Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam cũng đã nhận được sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, đó là một nhân tố quốc tế không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiều mặt của Liên Xô, nhất là trong lĩnh vực củng cố quốc phòng-an ninh. Những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga về vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản; về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; về thiết lập và củng cố khối liên minh công nông; về phương pháp bạo lực cách mạng; về xây dựng Nhà nước chuyên chính vô sản... đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội diễn ra rất phức tạp. CNXH đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đại hội lần thứ 6 của Đảng (năm 1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Nguyên tắc đổi mới được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì CNXH. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đó vừa là tư tưởng, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn: Con đường độc lập dân tộc và CNXH.

NGỌC SƠN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website