Sự nguy hại của tính bất liêm, bất chínhTrong lịch sử xã hội loài người, người cầm quyền hay tất cả những người trong bộ máy công quyền của một chế độ xã hội đang ở thời kỳ thịnh vượng, đang phát triển đều cần có và đều đòi hỏi các đức tính quan trọng là liêm, chính. Hàn Phi (280-233 trước Công nguyên), thời Trung Hoa cổ đại khi bàn về nguy cơ thói hám lợi của người đời cũng nói rằng: “Ham lợi nhỏ tức là hại đến lợi lớn”. Còn xét trên bình diện xã hội rộng lớn hơn, thì một đất nước, như Mạnh Tử (372-289 trước Công nguyên) cho rằng, nếu mà “ai cũng tham lợi, thì nước lâm nguy”. Đó đều là những bài học về sự liêm, chính mà người đời xưa nhắc nhở và chúng ta cần ghi nhớ.
Tháng 6-1949, nhằm giáo dục tinh thần và đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Cần, kiệm, liêm, chính” dưới bút danh Lê Quyết Thắng, trong đó Người giải thích rất rõ nội dung của các khái niệm này. Bài báo ra đời cách đây đã 75 năm, song những chỉ dẫn dễ hiểu mà hết sức sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các đức tính cần, kiệm, liêm, chính vẫn giữ nguyên giá trị giáo dục rất thiết thực đối với mỗi cán bộ, đảng viên ngày nay, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo các cấp đang giữ những trọng trách trong hệ thống chính trị ở nước ta.
|
Ảnh minh họa. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Liêm là trong sạch, không tham lam”; “Liêm là không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc”; “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Đó là đạo đức cách mạng”. Rất nhiều lần Người nhấn mạnh rằng, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, “người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra mặt đối lập với liêm là “bất liêm”. Theo đó, những người cậy quyền, cậy thế để đục khoét dân, ăn của đút lót, tham ô, buôn gian bán lận, cờ bạc, cho vay lãi cắt cổ... cùng với những người “tham tiền của, tham địa vị... đều là bất liêm”. “Do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”.
Đối với cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải giữ cho được chữ liêm. Bởi vì, theo Người, họ là những người đều có những quyền hành khác nhau, cấp cao thì nắm quyền to, cấp thấp thì có quyền nhỏ. Người nắm quyền hành trong tay mà không liêm thì rất dễ tìm cách đục khoét của dân, moi tiền trong ngân sách nhà nước. Dù quyền to hay quyền nhỏ, nhưng nếu người nắm quyền mà thiếu lương tâm, không giữ được chữ liêm thì dễ trở nên hủ bại, không tránh khỏi một khi có dịp là sẽ ăn đút lót, nhận hối lộ, hễ có dịp là sẽ “dĩ công vi tư”, biến thành sâu mọt của dân. Chính vì thế nên cán bộ, đảng viên phải lấy chữ liêm làm đầu, phải thực hành chữ liêm trước để làm gương cho dân noi theo. Người cán bộ có đức liêm thì sẽ tạo được niềm tin của dân, bởi vì chữ liêm luôn mang lại sự quang minh, chính đại.
Muốn thực hiện tốt chữ liêm, muốn tránh bất liêm thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, không ngừng rèn luyện, phải “chính tâm tu thân”. Đặc biệt, tất cả họ đều phải có liêm sỉ để hiểu được rằng bất liêm là một điều rất xấu hổ, mọi hành động trái với chữ liêm là có tội với nước, với dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. Để thực hiện được đức tính chính đòi hỏi con người phải chính trực, có dũng khí đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, dám đứng ra bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải. Chính phải thấm sâu vào mọi việc của con người, vào tất cả các mối quan hệ của con người. Cụ thể là mỗi người phải biết ứng xử đúng đắn trong 3 mối quan hệ: Đối với bản thân mình, đối với người và đối với việc.
Đối với mình thì không được tự cao, tự đại; đừng tự coi mình giỏi hơn mọi người vì trong xã hội còn rất nhiều người giỏi hơn mình. Để tránh tự cao tự đại, để “tiến bộ không giới hạn” thì bản thân mỗi người phải “luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình... đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”.
Đối với người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ “chớ nịnh hót người trên, chớ xem khinh người dưới”; phải có “thái độ chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết”. Đây là bài học về cách xử thế mà mọi cán bộ, “những công bộc của dân” phải luôn ghi nhớ và làm theo.
Đối với việc, cần “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Bất kỳ việc to, việc nhỏ... phải quyết làm cho thành công”. Một người tự ý thức rõ và thực hiện được cả 3 mặt này sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện được chính và tránh được tà.
Coi trọng liêm sỉ, giữ gìn lòng tự trọng là giải pháp căn cơ để phòng ngừa suy thoái
Quá trình hoạt động cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ cũng như trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa từ sau khi nước nhà thống nhất, tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng đã nhận thức được rất rõ tầm quan trọng của các đức tính liêm, chính; họ đã thực hiện tốt theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, triệt để giữ gìn đạo đức liêm, chính. Ngày nay, mọi người ngày càng cần thấm nhuần lời dạy của Bác: “Ai chẳng muốn no cơm ấm áo. Nhưng sinh hoạt vật chất, hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời về sau”.
Trên phương diện lịch sử, thời nào cũng vậy, văn hóa đạo đức liêm, chính cùng với văn hóa chính trị cao, tiến bộ và trong sáng thì luôn tạo nên sức mạnh, bảo đảm tính chính danh của một đảng chính trị đang lãnh đạo và cầm quyền. Đối với một chế độ chính trị mà tất cả đều thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì văn hóa đạo đức liêm, chính cùng với văn hóa chính trị cao, tiến bộ và trong sáng là một bảo đảm cho sự bền vững lâu dài của chế độ đó. Lịch sử xã hội loài người đã cho chúng ta thấy, văn hóa đạo đức liêm, chính cùng với văn hóa chính trị cao, tiến bộ và trong sáng, có thể góp phần củng cố sự bền vững của chế độ, thúc đẩy sự phát triển của một chế độ, một xã hội.
Tuy nhiên, lịch sử nhân loại cho thấy, khi văn hóa đạo đức liêm, chính suy đồi thì có thể kìm hãm, thậm chí dẫn đến suy sụp cả một chế độ xã hội, một vương triều... Bởi vậy, việc trang bị tri thức về văn hóa đạo đức cùng với văn hóa chính trị, giáo dục văn hóa đạo đức liêm, chính và văn hóa chính trị cho mọi cán bộ, công chức, viên chức, trước hết cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách để chúng ta có được một xã hội đề cao các giá trị đạo đức liêm, chính, dân chủ, pháp quyền, công bằng, nhân văn; góp phần xây dựng quốc gia hùng cường, văn minh, phát triển; nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Người cán bộ, người đảng viên có được đạo đức liêm, chính trong sáng, biết giữ thể diện, trọng danh dự, biết giữ liêm sỉ cho bản thân; có uy tín và giữ gìn được uy tín trước nhân dân là tiền đề cực kỳ quan trọng, góp phần thu phục nhân tâm, lôi cuốn quần chúng theo mình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhờ đó góp phần tạo nên được khối đoàn kết toàn dân vững chắc.
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phẩm chất liêm, chính với tính cách là những giá trị cốt lõi phải được đặt lên hàng đầu. Sở dĩ phải như vậy vì trong những năm gần đây, cả trong Đảng và trong xã hội, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, sự thiếu liêm, chính trong một bộ phận cán bộ, đảng viên rất đáng báo động. Đề cập vấn đề nhức nhối này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”; mặt khác, chúng ta cũng “chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội”. Từ nhận định trên đây, Đại hội XIII nhấn mạnh yêu cầu phải “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn là “phải có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng”; biết trọng danh dự; tuyệt đối không được “dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”, đồng thời họ cũng phải hiểu rằng “tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW “Về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới” với 5 chuẩn mực đạo đức cơ bản. Trong đó, điều 3 quy định chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” nêu rõ, cán bộ, đảng viên phải: Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu; trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm; nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực...
Có thể nói, coi trọng liêm sỉ, biết giữ thể diện và uy tín trước dân là trách nhiệm chính trị, bổn phận cao cả của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở các cấp, các ngành, các địa phương. Đây chính là một cách phòng ngừa hiệu quả đối với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay.
GS, TS NGUYỄN TRỌNG CHUẨN, Phó chủ tịch Hội Triết học Việt Nam
Theo qdnd.vn