9 giờ:42 phút Thứ tư, ngày 19 tháng 3 , 2025

Bác Hồ tiên đoán và chỉ đạo đánh máy bay B-52 từ rất sớm

Hiện nay, các tài liệu lịch sử và hồi ký của các tướng lĩnh Quân chủng PK-KQ về Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, đều nhấn mạnh công lao của Bác Hồ, người đã tiên đoán, chỉ đạo quân và dân ta chuẩn bị đánh thắng máy bay B-52 từ rất sớm. Hồi ký của Thượng tướng Phùng Thế Tài - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam in trong Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 12-1987, kể: “Năm 1962, tôi được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ đội Phòng không (lúc đó chưa có Quân chủng PK-KQ), Bác Hồ hỏi tôi: “Chú là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, vậy chú biết gì về máy bay B-52 chưa?”. Thấy tôi lúng túng, Bác cười độ lượng: “... Chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới có pháo cao xạ!... Nhưng ngay từ bây giờ, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”... Bác còn nói: “Sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam...”.

Bác Hồ tiên đoán và chỉ đạo đánh máy bay B-52 từ rất sớm
Bác Hồ xem xác chiếc máy bay trinh sát không người lái BQM-34A bị tên lửa ta bắn rơi tại chỗ ở độ cao ngang với tầm bay cao của máy bay B-52.
Ảnh tư liệu

Quả nhiên đúng như tiên đoán của Bác Hồ, ngày 18-6-1965, Mỹ đã cho 30 máy bay B-52 cất cánh từ đảo Guam đến thực hiện cuộc ném bom rải thảm đầu tiên xuống khu Bến Cát, Tây Bắc Sài Gòn và từ đó B-52 Mỹ thường xuyên đến gây tội ác với đồng bào ta ở Miền Nam Việt Nam.

Lúc này, ta vừa thành lập Trung đoàn Tên lửa SAM-2 đầu tiên, đang khẩn trương chuẩn bị ra quân chiến đấu vào cuối tháng 7-1965. Được tin, ngày 19-7-1965, Bác Hồ đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ PK-KQ trước giờ ra trận. Đứng giữa trận địa sẵn sàng chiến đấu, Bác nói chuyện thân mật với bộ đội, trong đó có câu nói lịch sử mang tính chỉ đạo, thể hiện ý chí, quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền... Dù chúng có B-57, B-52 hay “Bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh... Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh.. Đã đánh là nhất định thắng!”...

Từ ngày tên lửa ta ra quân đánh thắng trận đầu (24-7-1965) đến tháng 3-1966, chúng ta đã liên tiếp bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay trinh sát không người lái của Mỹ ở độ cao từ 16 đến 18km. Sau khi nghe báo cáo, ngày 24-3-1966, Bác Hồ lại đến thăm, động viên Quân chủng PK-KQ. Bác xem rất kỹ xác chiếc máy bay không người lái BQM-34A bị tên lửa ta bắn rơi từ độ cao 18km, rồi nói với Bộ Tư lệnh Quân chủng: “Mỹ đã đưa máy bay B-52 vào chiến trường Việt Nam, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta ở Miền Nam. Ngay từ bây giờ, các chủ phải chuẩn bị đối phó vì sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh phá Miền Bắc... Tên lửa của ta có thể bắn tới tầm cao của máy bay B-52, nhưng đánh thế nào để thắng, cần nghiên cứu và phải luyện tập công phu. Nhiệm vụ này, Bác giao cho các chú. Chúng ta phải quyết tâm bắn rơi máy bay B-52, phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”.

Đúng như nhận định của Bác Hồ, ngày 12-4-1966, Mỹ đã cho máy bay B-52 ra Miền Bắc, ném bom rải thảm xuống đèo Mụ Giạ ở phía Tây tỉnh Quảng Bình, rồi liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta ở khu Vĩnh Linh. Được nghe báo cáo, Bác chỉ thị cho đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng PK-KQ: “Bất kể trong tình huống nào, ta cũng phải đánh thắng máy bay B-52”... Bác còn nói: “Các chú muốn bắt cọp, phải vào hang”...

Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, từ mùa hè năm 1966, Quân chủng PK-KQ cử Trung đoàn Tên lửa 238 hành quân trên chặng đường chiến lược dài hơn 600km đầy gian khổ, ác liệt, hi sinh để vào Vĩnh Linh, nơi máy bay B-52 Mỹ thường hoạt động để tổ chức và nghiên cứu cách đánh máy bay B-52. Bộ Tư lệnh Quân chủng thành lập “Tổ nghiên cứu cách đánh máy bay B-52” gồm các cán bộ tham mưu, kỹ thuật... có kinh nghiệm do đồng chí Hoàng Văn Khánh - Phó Tư lệnh Binh chủng Tên lửa dẫn đầu vào Vĩnh Linh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, rút kinh nghiệm chiến đấu, lập một "hồ sơ" về B-52, viết tài liệu về "Cách đánh máy bay B.52". Binh chủng Ra đa cũng thành lập đoàn công tác nghiên cứu "Cách phát hiện máy bay B-52 trong nhiễu". Bộ Tham mưu Quân chủng thành lập Đội nhiễu, làm nhiệm vụ trinh sát điện tử, phân tích các loại nhiễu, nhất là nhiễu của máy bay B-52 để tập hợp các tài liệu về nhiễu, phục vụ chiến đấu...

Trên thực tế, thế mạnh của Không quân Mỹ, nhất là B-52 được bảo vệ bằng hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh. Nhiễu điện tử nhằm làm rối loạn toàn bộ hệ thống, khiến các đài ra đa của ta đều bị "vô hiệu hóa", máy bay Mỹ trở thành "vô hình" trên màn hiện sóng các chiến sĩ ra đa, tên lửa ta. Nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 là đi sâu nghiên cứu cuộc chiến tranh điện tử. Ta phải thắng được nhiễu, một thế mạnh của máy bay B-52, mới bắn rơi được chúng. Các đoàn công tác của Quân chủng đều tập trung vào chiến trường, có tổ đặt ngay trên đỉnh Trường Sơn, số đông nằm trực tiếp ngay các tiểu đoàn tên lửa, các trạm ra đa... để nghiên cứu về nhiễu và cách chống nhiễu điện tử của không quân Mỹ.

Ngày 17-9-1967, sau hơn 1 năm vừa hành quân vừa chiến đấu, nghiên cứu cách đánh, nhất là cách khắc phục các loại nhiễu, Trung đoàn tên lửa 238 đã bắn rơi 2 chiếc máy bay B.52 đầu tiên trên trận địa Vĩnh Linh. Được tin, Bác Hồ trực tiếp ký quyết định thưởng Huân chương Quân công hạng nhì cho Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 và Bác gửi thư khen đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ khu Vĩnh Linh. Trong thư, có đoạn Bác viết: "Vĩnh Linh thật xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa"...

Từ kinh nghiệm trận thắng đầu tiên ấy, Trung đoàn 238 liên tiếp lập công. Tính đến tháng 1-1968, Trung đoàn đã bắn rơi 6 máy bay B-52 trên vùng trời Vĩnh Linh. Bản tổng kết đánh B-52 ở Vĩnh Linh được viết tay tại trận địa, dày 23 trang được coi là "hồ sơ" thứ nhất về B-52, có cả hình vẽ các dạng nhiễu, đội hình bay của B-52... trở thành tài liệu quý cho các tiểu đoàn tên lửa trong toàn Quân chủng PK-KQ nghiên cứu, học tập.

Bác Hồ tiên đoán và chỉ đạo đánh máy bay B-52 từ rất sớm
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đoàn Không quân Sao Vàng nhân dịp Tết Đinh Mùi (9-2-1967). 
Ảnh tư liệu

Một ngày đầu xuân 1968, Bác Hồ gọi đồng chí Phùng Thế Tài, lúc đó là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đến báo cáo tình hình đánh máy bay B-52 ở phía Nam Quân khu 4. Hôm đó, Bác nói với đồng chí Phùng Thế Tài: "Sớm hay muộn, đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Chú phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị..." Bác còn nói: "Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã ném bom hủy diệt Thủ đô Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì thế, nhiệm vụ của các chú rất nặng nề!".

Chỉ thị của Bác Hồ được phổ biến ngay đến Quân chủng PK-KQ triển khai, tổ chức thực hiện. Tháng 2-1968, Quân chủng PK-KQ đã hoàn thành phương án chuẩn bị "đánh trả cuộc tập kích đường không bằng máy bay B-52 của Mỹ để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng". Một số trung đoàn tên lửa và cán bộ nghiên cứu được tăng cường vào chiến trường Quân khu 4 tiếp tục nghiên cứu cách đánh B-52. Những tài liệu đầu tiên ngày càng được bổ sung hoàn chỉnh về "Quy trình bắt B-52 trong nhiễu của Binh chủng Ra đa"; "Cách chống nhiễu thông tin của Bộ đội Thông tin"... Đặc biệt, tập sách dày 30 trang đánh máy mang tên "Cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa" đóng bìa màu đỏ, được gọi là cuốn "Cẩm nang bìa đỏ", có giá trị rất lớn trong phổ biến cách đánh B-52.

Kể từ giữa năm 1966, ta đưa tên lửa vào Vĩnh Linh để "vào hang bắt cọp" theo chỉ thị của Bác Hồ, đến khi bản "Phương án đánh B-52 tập kích vào Hà Nội và Hải Phòng" ra đời là cả quá trình vượt qua bao khó khăn gian khổ, hi sinh của cán bộ, chiến sĩ từ đơn vị cơ sở đến cơ quan, từ người lính ở chiến trường đến Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ.

Tháng 9-1972, Quân chủng PK-KQ ấn hành tập tài liệu mật "Cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa". Tháng 10-1972, Quân chủng PK-KQ tổ chức hội nghị chuyên đề về cách đánh B-52 và mở lớp tập huấn cho cán bộ chỉ huy, các kíp chiến đấu các đơn vị tên lửa trong toàn Quân chủng về cách đánh B-52. Tháng 11-1972, Quân chủng PK-KQ tổ chức đoàn cán bộ vào Nghệ An do đồng chí Vũ Xuân Vinh - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng dẫn đầu, giúp các đơn vị tên lửa áp dụng thực tế cách đánh B-52. Và đêm 22-11-1972, hai tiểu đoàn tên lửa 43 và 44 của Trung đoàn 263, bằng 4 quả đạn đã bắn rơi 2 máy bay B-52, trong đó có một chiếc Mỹ phải thú nhận, công bố cả ảnh xác chiếc máy bay B-52 trên báo, rơi tại Nathom Khanom trên đất Thái Lan. Kinh nghiệm bắn rơi tại chỗ B-52 đêm 22-11-1972 của Trung đoàn Tên lửa 263 ở Nghệ An, được bổ sung kịp thời vào tài liệu cách đánh B-52, có tác dụng rất thiết thực cho những trận đánh thắng B-52 trong 12 ngày đêm chiến đấu lịch sử, cuối tháng 12-1972 ở Hà Nội.

Từ công tác chuẩn bị rất công phu theo chỉ thị của Bác Hồ đến khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ta đã hoàn toàn chủ động, có đầy đủ kinh nghiệm thực tế bước vào trận đánh. Trong 12 ngày đêm chiến đấu từ 18 đến 29-12-1972, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52, có 16 chiếc bị bắn rơi tại chỗ, làm nên Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không". Mỹ đã phải trả giá quá đắt, mất gần 18% số máy bay B-52 huy động vào Chiến dịch 12 ngày đêm năm ấy. Đây là tỷ lệ tổn thất khiến Mỹ không chịu đựng nổi, buộc phải "thua trên bầu trời Hà Nội"; phải chịu ký "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" tại Hội nghị Paris, đúng như tiên đoán của Bác Hồ.

Bài, ảnh: XUÂN MAI
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website