10 giờ:16 phút Thứ ba, ngày 5 tháng 4 , 2016

Chuyện những người làm công tác khen thưởng

Kỳ 3: Vận dụng để đưa Luật vào thực tiễn

Cứ nghĩ, làm khen thưởng, thì cứ theo luật, theo ba rem mà triển khai. Nói chuyện với những người làm công tác thi đua, khen thưởng rồi, mới vỡ nhẽ, chuyện không phải như vậy.

 Cẩm nang của những người làm khen thưởng là “Luật Thi đua, Khen thưởng” của Nhà nước, là các thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Quy chế công tác Thi đua, Khen thưởng ở Quân chủng do chính cán bộ chuyên trách soạn thảo trên cơ sở vận dụng Luật chung vào đặc điểm tình hình của riêng Quân chủng. Thượng tá Hoàng Xuân Tiến cho biết, đã có luật thì phải theo luật. Nhưng để nắm được Luật, để không làm sai, làm thiếu thì cán bộ phụ trách công việc này phải thường xuyên đọc, nắm chắc và cập nhật những quy định mới. Có những nội dung khen thưởng đã được Luật quy định có thể thực hiện ổn định và lâu dài. Tuy nhiên, có những nội dung chưa phù hợp, phải thay đổi thì chính những người làm khen thưởng phải có sự vận dụng để đưa Luật vào thực tiễn.

Để làm tốt công việc, Trung tá Đoàn Đình Trường chia sẻ, phải thực sự có trách nhiệm, cẩn trọng, tỉ mỉ và kiên trì. Nếu thiếu một trong những phẩm chất ấy, rất có thể nhầm lẫn, sai sót sẽ xảy ra, thậm chí, quyền lợi của bộ đội không được đảm bảo theo đúng quy định. Khen sai, khen không đúng đối tượng, vô hình dung sẽ làm giảm tác dụng của phong trào thi đua.

Kỳ 3: Vận dụng để đưa Luật vào thực tiễn

Thượng tá Hoàng Xuân Tuyến - Trợ lý Thi đua, Khen thưởng Phòng Tuyên huấn đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị khen thưởng.

Đơn cử, ngay như việc xem xét và thực hiện đúng tiêu chí khen thưởng. Dù Luật đã quy định rõ nhưng nhiều khi đơn vị, cá nhân ở đơn vị chưa nắm chắc nên thực hiện sai. Ví như, theo quy định, cá nhân 2 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” thì được đề nghị tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng. Thực tế, có cá nhân, hai năm đạt “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” nhưng không liên tục, vẫn làm hồ sơ đề nghị khen thưởng. Lại có những quy định trong Luật, nếu người làm công tác thi đua, khen thưởng không có sự linh hoạt vận dụng thì cán bộ, chiến sĩ sẽ thiệt thòi. Chuyện danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân” chẳng hạn. 3 năm liên tục đạt “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, lại phải có sáng kiến, giải pháp, đề tài của các cấp theo quy định. Nhiều người, sáng kiến đã có, đã được áp dụng trong thực tế nhưng phải được hội đồng sáng kiến cấp có thẩm quyền công nhận. Nhưng hiện nay hội đồng này ở hầu hết các đơn vị chưa được thành lập, để đảm bảo quyền lợi cho bộ đội, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng phải đi tìm cho ra cấp có thẩm quyền ấy. Thượng tá Hoàng Xuân Tiến cho biết thêm, nắm chắc Luật Thi đua, Khen thưởng để đề nghị khen thưởng cho đúng người, đúng việc. Đồng thời, nắm chắc Luật cũng là để tham mưu cho Thủ trưởng có công văn phúc đáp thỏa đáng với những trường hợp chưa đủ tiêu chí khen thưởng.

Rồi đến Luật chính tả, người làm khen thưởng cũng phải nắm chắc và thực hiện đúng. Chữ quy định viết hoa mà viết thường, hoặc ngược lại, là hồ sơ bị trả về. Một con chữ viết hoa hay viết thường, chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ, với những người làm khen thưởng. Hay như chuyện muôn thuở với hồ sơ khen thưởng, là chuyện quê quán. Chỉ cần để nhầm lẫn một yếu tố như tên xã, tên huyện trên tấm bằng khen, giấy khen, trên huân, huy chương là dẫn đến những phản cảm, là cán bộ bị coi là làm ẩu và tắc trách.

Cho chúng tôi xem cuốn: “Từ điển đơn vị hành chính Việt Nam” dày ngót 100 trang, Trung tá Đoàn Đình Trường vui mừng khoe, hiện nay các anh đã có “cẩm nang” này. Cuốn từ điển lưu hành nội bộ này đã giúp những người làm công tác thi đua khen thưởng thực hiện công việc một cách thuận lợi. Xuất phát từ thực tế năm 2013, trong số hơn 6.000 hồ sơ xét khen thưởng niên hạn thì bị nhầm lẫn về quê quán đến gần 1.000 trường hợp, anh cùng các cán bộ trong Bộ phận Thi đua - Khen thưởng đã quyết tâm biên soạn ra cuốn Từ điển để phục vụ công việc.

Việc biên soạn cuốn sách cũng đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ, khoa học, sự cập nhật giống như công việc xem xét, đối chiếu hồ sơ vậy. Có những địa danh, thậm chí phải vào mạng tìm lại nguồn gốc đến vài lần. Sau 6 tháng vừa cập nhật thông tin trên mạng, vừa biên soạn, cuốn “Từ điển đơn vị hành chính” của 63 tỉnh, thành trên cả nước đã được hoàn thành. Căn cứ vào đó để đối chiếu, thẩm định hồ sơ, năm 2014, như có phép màu, không còn trường hợp nào nhầm lẫn về quê quán. Thượng tá Hoàng Xuân Tiến cho biết, tới đây, cuốn sách sẽ được nhân bản để trang bị cho các đơn vị nhằm thực hiện tốt hơn công tác thi đua, khen thưởng.

Những quy định ngặt nghèo chồng lên nhau, để làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, không có cách nào khác là phải nắm chắc từng luật, đồng thời cùng lúc kết hợp thực hiện tất cả các luật đó trong mỗi loại hình khen thưởng. Vì thế mà bên những tập hồ sơ, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng không phải không có tâm tư.

HỒNG LINH

>>> Kỳ cuối: Nỗi niềm bên những tập hồ sơ

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website