- Con à, con xem sắp xếp cho mẹ về quê. Ngoài quê mùa này mưa bão sắp về. Bây giờ, nhà cửa không có người trông coi, nếu mưa bão vào sẽ như thế nào, mẹ sốt ruột lắm!
- Mẹ lo gì, nhà cửa đã gửi hàng xóm trông coi rồi, mà ở nhà có của cải gì đáng giá đâu - Tôi trấn an mẹ.
Nói vậy, nhưng tôi biết làm sao mẹ không lo lắng cho được. Ở quê, mẹ có căn nhà gỗ với mảnh vườn nhỏ, tuy tuềnh toàng nhưng là kết quả dành dụm cả đời của mẹ.
Ảnh minh họa: Internet
Mẹ tôi là một người nông dân, suốt đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở cái xứ nắng cháy và gió Lào miền Trung. Năm 22 tuổi, mẹ lấy chồng. Kết quả của cuộc hôn nhân đó là chị tôi và tôi lần lượt chào đời. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với mẹ, nhưng mối lương duyên ấy không được bền lâu. Bố mẹ tôi chia tay khi tôi đang còn chập chững. Mẹ tôi không đòi hỏi gì, chỉ có nguyện vọng được nuôi cả hai con còn thơ dại. Thời đó, nhà tôi được mệnh danh là “chị Dậu” ở trong làng, ba mẹ con sống trong một mái nhà tranh xập xệ. Một mình mẹ một nách hai con thơ, lại còn phải chạy vạy lo từng bữa ăn. Những lúc nông nhàn, mẹ tranh thủ vào rừng đốn củi mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo. Khi đó, tôi còn nhỏ thấy mẹ mang về gánh củi lớn thì thích lắm. Giờ nhớ lại cảnh mẹ phải một mình gánh trên vai gánh củi nặng 40-50 kg, đi bộ suốt quãng đường hơn 10 cây số, mới thấy cảm phục và thương mẹ vô cùng. Ngày đó, cũng có người đàn ông cùng cảnh ngộ trong làng đến ngỏ ý muốn cưới mẹ. Bà con hàng xóm cũng vun vào. Nhưng mẹ tôi kiên quyết từ chối. Tôi nhớ những mùa giáp hạt phải ăn cơm độn khoai sắn qua ngày, nhất là mỗi khi mưa bão, ba mẹ con phải chui vào cái hộp đựng lúa để trú ẩn vì căn nhà quá dột nát. Rồi từ số tiền tiết kiệm ít ỏi, mẹ vay mượn thêm làm căn nhà nhỏ để có chỗ che nắng, che mưa.
Ngày nhận được giấy báo đậu đại học, tôi vui lắm, mẹ cũng mừng. Nhưng từ hôm đó, suốt mấy ngày liền mẹ không ngủ được. Nhìn đôi mắt mẹ thâm quầng, sâu hoắm tôi hiểu được tâm tư của mẹ. Suốt thời gian đi học xa nhà, mỗi lần về thăm mẹ, nhìn mẹ tiều tuỵ gầy gò, mái tóc đen mượt ngày nào nay đã ngả màu “muối tiêu” mà lòng tôi đau nhói. Tôi tự nhủ, phải phấn đấu học hành nên người để không phụ công ơn dưỡng dục của mẹ. Ngày ra trường, tôi được tổ chức phân công vào công tác tại miền Nam. Rồi chị tôi cũng rời quê hương vào miền Nam mưu sinh, lập nghiệp. Thế là, mẹ lại phải khăn gói vào Nam phụ giúp các con việc chăm sóc con nhỏ. Từ đó, mẹ thường xuyên xa cách bà con hàng xóm và căn nhà nhỏ thân thương bao năm gắn bó.
Nhận điện thoại của mẹ, lòng tôi bỗng thấy nôn nao lạ thường. Tôi vội báo cáo xin phép cấp trên rồi ngồi lên xe máy phóng thẳng về nhà. Gần tới căn nhà nhỏ, cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của tôi là lời mẹ đang ru cháu: “À ơi! Chiều chiều ra đứng bờ sông, muốn về quê mẹ mà không có đò… À ơi! về thì nhớ bạn, ở đây nhớ nhà...”. Tôi bỗng nghẹn ngào, tôi chạy nhanh vào ôm chầm lấy mẹ mà khóc như đứa trẻ lên ba!
CÔNG VINH