10 giờ:9 phút Thứ năm, ngày 3 tháng 8 , 2017

Những người con bất tử:

Kỳ cuối: Lời thề tiếp nối

Tôi trở lại phường Minh Tân, TP Yên Bái và xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội; nơi các đồng đội đã hi sinh bản thân để bảo vệ tính mạng cho nhân dân. Giờ cỏ đã lên xanh ngút ngát vạt đồi, mảnh vườn ấy, nhưng khi nhắc lại, người dân nơi này vẫn lằn in trong tâm khảm về sự hi sinh anh dũng của các anh...

 Bài học về lẽ sống

Theo lời giới thiệu của ông Hoàng Quốc Cường - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Yên Bái, tôi tìm gặp cô giáo Đặng Thị Thu Hường, giáo viên môn Giáo dục công dân của Trường PTTH Nguyễn Tất Thành (Thành phố Yên Bái), người vừa đạt giải Nhất Hội thi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái.

Kỳ cuối:  Lời thề tiếp nối
Học viên phi công Khóa 42 (Trường SQKQ) ra sân bay
thực hiện môn thực hành kỹ thuật lái.

Trong phần thi nói về đức hi sinh của Bác, phần liên hệ thực tiễn sự hi sinh của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội hiện nay, cô Hường đã dành thời lượng khá lớn để nói về sự hi sinh anh dũng của hai Anh hùng LLVTND, liệt sĩ phi công Nguyễn Văn Vinh và Đặng Hồng Vinh 8 năm về trước trên mảnh đất này. Với cô giáo Hường, tấm gương về sự hi sinh ấy đã hơn vạn lời nói. Bởi với cô, giữa cuộc sống thanh bình này, không ít kẻ vì lợi ích cá nhân mà chà đạp lên nhau, đôi khi còn tước đoạt cả mạng sống của nhau. Thế nên, chọn hi sinh tính mạng bản thân vì sự bình an của người khác không chỉ tô thắm thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” mà đó còn là bài học về lẽ sống. Sự hi sinh cao cả ấy cũng đã thức tỉnh nhiều người để họ ngẫm ngợi lại hành vi ứng xử của mình với gia đình, xã hội, để sống tử tế hơn. Đây cũng là những minh chứng sống động khi cô Hường giảng dạy cho các thế hệ học sinh của mình về đức hi sinh.

“Nếu hôm đó máy bay lao xuống chợ, hay lao xuống các nhà dân thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Tuy nhiên, những người lính ấy đã chọn cách hi sinh bản thân mình để nhân dân được bình an vô sự... chúng tôi luôn cảm phục, thương xót và biết ơn..” - Ông Bùi Vĩnh An - 91 tuổi, ở Thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội) nhớ lại. Với ông và người dân nơi này, sự hi sinh của các anh đã không chỉ thức tỉnh nhiều người về lẽ sống mà thêm vững tin về bộ đội. Bởi lúc nào, họ cũng đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên tất cả, kể cả mạng sống của mình. Ông trầm ngâm: “Sự hi sinh cao cả ấy đã tô đẹp thêm hình ảnh người lính đã chấp nhận hi sinh để cho cả dân tộc luôn tiến về phía trước...”.

Lời thề tiếp nối

Tôi đến Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ) chỉ ít ngày sau vụ tai nạn bay cấp 1 khiến Thượng sĩ, học viên bay Phạm Đức Trung hi sinh. Sau mất mát to lớn ấy, Trung đoàn 910 đã nhanh chóng xốc lại đội hình để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Nhìn những cánh én bạc vun vút lao lên khoảng trời bao la, lòng tôi không khỏi xúc động, vững tin vào ý chí, nghị lực kiên cường của những người lính nơi này.

Thượng úy, phi công Dương Hoàng Quỳnh - Trợ giảng thực hành bay Trung đoàn 910, Trường SQKQ, cho biết: “Được cầm cần lái nâng cánh bay không chỉ là niềm đam mê, đó còn là trách nhiệm. Cứ nghĩ đến đồng đội mình ngã xuống trong tư thế vẫn nắm chặt tay lái, xử lý đến giây phút cuối cùng và chấp nhận hi sinh để tránh thiệt hại cho nhân dân càng làm trong tâm khảm những người ở lại như chúng tôi một lý tưởng sống, ấy là phải biết sống vì mọi người. Vậy nên, chúng tôi vẫn bảo nhau, đã là người lính thì phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống, trước tiên là với đồng đội đã ngã xuống. Họ ngã xuống không gì khác là vì Tổ quốc, vì nhân dân, thế nên chúng tôi luôn thấm nhuần điều đó để làm tròn nhiệm vụ của mình và thực hiện tiếp những khát vọng mà họ chưa thể thực hiện được”.

Tinh thần của người lính là vậy, những lúc gian nguy, dù biết phải hi sinh vẫn luôn nghĩ nhân dân là trên hết. Nói về những hi sinh của lớp người đi trước, Thượng sĩ Ngô Văn Hảo - Học viên phi công quân sự Khóa 42, Trường SQKQ, cho hay: “Tấm gương dũng cảm hi sinh của Anh hùng LLVTND Dương Văn Thanh, mới đây nhất là Thượng sĩ Phạm Đức Trung và nhiều tấm gương khác càng khiến chúng tôi phải sống có trách nhiệm hơn. Với tôi, mỗi chuyến bay không chỉ mang ý chí, quyết tâm chung của đồng đội dưới mặt đất, mà nó còn chở nặng lời thề của người lính, khát vọng của những người đã ngã xuống”. Đó cũng là chia sẻ của Thượng sĩ Trần Viết Trí - Học viên phi công quân sự Khóa 42. Trí bảo, sau những vụ mất an toàn bay nghiêm trọng xảy ra trong những năm qua, người thân của Trí cũng tỏ ra lo lắng, hỏi han và định hướng cho Trí theo một con đường khác đỡ gian nan, nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, với Trần Viết Trí nếu mất đi niềm đam mê, phản bội lại lời thề của người lính trước lá cờ được nhuộm bằng máu của đồng đội thì đâu còn là con người nữa. Vậy nên, Trí và đồng đội vẫn bảo nhau gắng ham bay, say học để làm chủ VKTBKT; phải phấn đấu là phi công giỏi để máu xương của đồng đội đi trước đã đổ xuống không vô nghĩa.

Hà Nội tháng 7 trời liên tiếp đổ mưa. Thắp nén hương cho đồng đội, tôi lặng ngồi bên thềm Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Quân chủng PK-KQ. Thật đau xót khi từ năm 1976 đến nay đã có 106 phi công tiếp tục ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Trong nỗi đau ấy, tim tôi bừng lên niềm kiêu hãnh, bởi sự hi sinh cao cả của những liệt sĩ được khắc tên trên những tấm bia này không làm đồng đội của tôi gục ngã. Những người ở lại luôn khắc ghi, khi đã chọn là người chiến sĩ, lời thề đầu tiên cất lên là hi sinh tất cả vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân... dẫu có hi sinh, họ vẫn mãi bất tử.

NGÔ TIẾN MẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website