21 giờ:53 phút Thứ bảy, ngày 5 tháng 5 , 2018

Cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội:

Bài 3: Đổi mới chính sách tiền lương quân đội

Chính sách tiền lương đối với cán bộ quân đội là một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Từ năm 1958, chính sách tiền lương đối với cán bộ quân đội nhiều lần được sửa đổi, nhưng hiện nay đang bị lạc hậu, cần phải được sửa đổi tiếp.

 Nhiều lần thay đổi chế độ lương sĩ quan

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn coi lao động trong quân đội là lao động đặc biệt, cống hiến đặc biệt. Vì vậy, tiền lương đối với cán bộ quân đội (CBQĐ) phải có sự ưu đãi đặc biệt. Năm 2004, trong Tờ trình Quốc hội khóa XI về Đề án cải cách tiền lương, Chính phủ đã khẳng định: “Tiền lương và phụ cấp của lực lượng vũ trang phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm, cống hiến của lực lượng vũ trang là “một ngành lao động đặc biệt”, vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ công chức như hiện nay".

Chế độ tiền lương đối với CBQĐ được bắt đầu thực hiện từ năm 1958 sau khi Nghị định số 299-TTg, ngày 13-6-1958 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành. Trước đó, do hoàn cảnh chiến tranh và điều kiện kinh tế, CBQĐ không có chế độ tiền lương riêng. Nghị định số 299-TTg quy định cụ thể mức lương cho CBQĐ theo chức vụ (không theo cấp bậc quân hàm) từ trung đội trưởng đến tổng tham mưu trưởng. Các chức vụ khác trong quân đội được quy đổi tương đương.

Ngày 18-9-1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 235/HĐBT về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang. Theo đó, tiền lương sĩ quan quân đội được trả theo cấp bậc quân hàm là chính, có trợ cấp chức vụ. Việc trả lương theo cấp bậc quân hàm là chính được thực hiện cho đến nay.

Chính sách tiền lương đối với sĩ quan quân đội tiếp tục có sự thay đổi lớn vào các năm 1993 và 2004, theo Nghị định số 25/CP ngày 23-5-1993 và Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ.

Hiện nay, sĩ quan quân đội vẫn đang nhận lương cơ bản theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Theo đó, tiền lương được nhận chủ yếu theo cấp bậc quân hàm. Cách tính lương theo cách nhân tiền lương cơ sở (lương tối thiểu) với hệ số lương. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,3 triệu đồng/tháng (mức lương cơ sở sẽ được tăng lên thành 1,39 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1-7-2018). Hệ số lương của cấp thiếu úy là 4,2; trung úy là 4,6; thượng úy là 5,0; đại úy là 5,4; thiếu tá là 6,0; trung tá là 6,6; thượng tá là 7,3; đại tá là 8,0; thiếu tướng là 8,6; trung tướng là 9,2; thượng tướng là 9,8 và đại tướng là 10,4. Đi kèm với tiền lương theo cấp bậc còn có phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên… nhưng các khoản phụ cấp này không đáng kể. Ví dụ, trung đội trưởng hiện đang hưởng phụ cấp chức vụ với hệ số 0,2 (tức là bằng 0,2 tiền lương cơ sở). Theo đó, mỗi tháng trung đội trưởng hưởng phụ cấp chức vụ là 260.000 đồng/tháng.

Bài 3: Đổi mới chính sách tiền lương quân đội
Ảnh minh họa/qdnd.vn.

Lương cán bộ quân đội đang tồn tại nhiều bất cập

Theo nghiên cứu của Đại tá Nguyễn Ngọc Kiên, nguyên Trưởng phòng Chế độ, chính sách (Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng), từ năm 2004 đến nay, tiền lương sĩ quan quân đội được điều chỉnh không tương ứng với mức tăng giá sinh hoạt và mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với mức tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp.

Khảo sát của chúng tôi tại Quân khu 1 cho thấy: Tiền lương sĩ quan cấp úy, giữ chức vụ trung đội trưởng, phó đại đội trưởng, chính trị viên phó đại đội sau khi trừ tiền ăn hằng tháng và các khoản đóng, như: Đảng phí, hội phí, quỹ nghĩa tình đồng đội, quỹ tình nghĩa… thì còn không đáng kể. Có một nghịch lý là sĩ quan ở đơn vị cơ sở rất sợ khi cấp trên quyết định tăng mức tiền ăn cho bộ đội. Bởi lẽ, sĩ quan cấp cơ sở luôn gắn liền với hoạt động của bộ đội phải ăn theo định lượng, nhưng không được hưởng bù chế độ chênh lệch định lượng, mà ăn theo mức nào thì phải nộp đủ tiền ăn theo mức đó. Vì thế, khi tiền ăn tăng thì tiền ăn phải nộp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tiền lương, không còn bảo đảm các khoản chi cho nhu cầu khác của bản thân và gia đình.

Thượng úy Ngô Văn Hào, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 1) cho biết: "Quê tôi tận Cao Bằng, vì thế mỗi lần tôi về thăm vợ con ở quê rất tốn kém, tiền lương lại thấp nên có khi đơn vị cho đi tranh thủ cũng không dám đi".

Trong thiết kế bảng lương sĩ quan quân đội cũng thể hiện một số mặt chưa phù hợp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo chiếm tỷ trọng không đáng kể so với mức lương cấp hàm (khoảng từ 4 đến dưới 15%). Mặc dù, trong quá trình tổ chức thực hiện đã có sự điều chỉnh thăng cấp quân hàm cho phù hợp với chức vụ được giao, nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng người giữ chức vụ thấp nhưng lương lại cao hơn người giữ chức vụ cao, nếu có bậc quân hàm cao hơn… Ngoài ra, các khoản thu nhập ngoài lương chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong quân đội, tập trung ở các cơ quan nghiên cứu, học viện, nhà trường…

Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, “việc lấy quân hàm làm căn cứ xác định lương và chế độ, chính sách cho sĩ quan, người hưởng lương là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cơ cấu đội ngũ sĩ quan mất cân đối và có nhiều bất cập giữa trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan".

Lương cán bộ quân đội sẽ được trả theo vị trí, chức vụ

Để góp phần khắc phục những bất cập trong chính sách tiền lương đối với sĩ quan quân đội và công an, khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Bộ Chính trị đã chỉ đạo (tại Thông báo số 111-TB/TW ngày 20-11-2012 và số 47-TB/TW ngày 21-10-2013: “Nghiên cứu tách lương khỏi quân hàm để việc phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an; đồng thời góp phần bảo đảm chế độ, chính sách, phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ trong lực lượng vũ trang”.

Năm 2014, khi trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, vấn đề trả lương sĩ quan theo chức vụ đã được đại đa số các đại biểu tán thành. Tuy nhiên hiện nay, việc trả lương theo chức vụ sĩ quan vẫn chưa thực hiện được.

Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và người có công. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ-Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương cho biết: Đề án cải cách tiền lương mà ban chỉ đạo tập trung xây dựng trình Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ bảy sẽ giải quyết các bất cập hiện nay đối với chính sách tiền lương, trong đó có tiền lương cán bộ quân đội. Trong đó sẽ chuyển hình thức trả lương theo cấp bậc quân hàm và phụ cấp chức vụ sang trả lương theo vị trí, chức vụ và phụ cấp quân hàm.

 “… Bảng lương của sĩ quan được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt; phụ cấp thâm niên được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ tại ngũ. Sĩ quan được hưởng phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự”. (Trích Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014).
Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website