9 giờ:21 phút Thứ bảy, ngày 29 tháng 7 , 2017

THẺ BẢO HIỂM Y TẾ

Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014; Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01/9/2015 và Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC ngày 20-6-2016

 1. Hỏi: Thẻ BHYT cấp cho quân nhân có điểm gì khác biệt so với thẻ BHYT cấp cho người khác tham gia BHYT không?

Trả lời: Quyết định số 1500/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định thẻ BHYT cấp cho quân nhân như sau:

1. Điểm giống nhau:

- Phôi thẻ có cùng chất liệu giấy, kích thước, độ bóng, độ bền, đều có dòng số “serial” màu đỏ, 10 ký tự, chạy dọc theo đường viền mép phải của thẻ BHYT.

- Mặt trước đều có in các thông tin: mã thẻ; họ/đệm/tên; ngày/tháng/năm sinh; giới tính; địa chỉ; nơi đăng ký ban đầu; thời hạn sử dụng; ngày cấp.

- Mặt sau là những điều cần chú ý.

2.  Điểm khác nhau:

- Không có biểu tượng BHXH Việt Nam ở góc trên, bên trái, mặt trước thẻ.

- Nền thẻ (cả mặt trước và sau) in mờ hình sao 5 cánh mầu hồng, tỏa các tia đến hết giới hạn của thẻ.

- Có dòng chữ BẢO HIỂM XÃ HỘI BỘ QUỐC PHÒNG (không kẻ chân) và ngay dưới là THẺ BẢO HIỂM Y TẾ QUÂN NHÂN

- Mã thẻ gồm 15 ký tự (vừa chữ, vừa số), được chia thành 4 ô: mã đối tượng: QN; mã quyền lợi: số 5; mã quản lý: số 97 và mã số định danh của mỗi quân nhân.

2. Hỏi: Việc cấp thẻ BHYT của quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân được quy định như thế nào?

Trả lời: Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP quy định việc cấp thẻ BHYT như sau:

1. Thẻ BHYT của quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân do BQP quản lý do BHXH BQP cấp.

2. Thẻ BHYT người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân thuộc bộ khác, ngành, tỉnh, thành phố quản lý do BHXH tỉnh, thành phố cấp.

3. Hỏi: Hồ sơ cấp thẻ BHYT đối với quân nhân được quy định như thế nào?

Trả lời: Hồ sơ cấp thẻ BHYT đối với quân nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP như sau:

1. Tờ khai của đơn vị quản lý hoặc cá nhân đối với trường hợp tham gia BHYT lần đầu.

2. Danh sách kèm theo dữ liệu điện tử người tham gia BHYT do đơn vị quản lý quân nhân lập.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định), BHXH BQP phải chuyển thẻ BHYT cho đơn vị quản lý quân nhân.

4. Hỏi: Trình tự cấp thẻ BHYT đối với quân nhân được quy định như thế nào?

Trả lời: Khoản 3 Điều 4 TTLT số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC quy định trình tự, thủ tục cấp thẻ BHYT đối với quân nhân như sau:

1. Quý IV hằng năm, cá nhân lần đầu tham gia BHYT lập Tờ khai hoặc Tờ khai thay đổi thông tin tham gia BHXH, BHYT, gửi đơn vị quản lý trực tiếp.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được Tờ khai hợp lệ), đơn vị quản lý trực tiếp kiểm tra tính hợp pháp, chính xác để tổng hợp, lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT, gửi đơn vị cấp trên đến cấp Sư đoàn (tương đương).

3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định), đơn vị cấp Sư đoàn (tương đương) tổng hợp, gửi BHXH BQP.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định), BHXH BQP phải cấp thẻ BHYT và chuyển về đơn vị.

5. Hỏi: Cấp thẻ BHYT đối với quân nhân khi không thực hiện theo trình tự được quy định như thế nào?

Trả lời: Khoản 4 Điều 4 TTLT số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC quy định cấp thẻ BHYT của quân nhân trong một số trường hợp như sau:

1. Trường hợp từ đơn vị chưa thực hiện BHYT đến đơn vị đang thực hiện BHYT: Ngay sau khi tiếp nhận, hướng dẫn kê khai, lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT, gửi đơn vị cấp trên trực tiếp đến Sư đoàn (tương đương) tổng hợp để gửi BHXH BQP. Thẻ BHYT có thời hạn sử dụng từ ngày quyết định điều động, thuyên chuyển có hiệu lực.

2. Trường hợp tham gia BHYT thuộc nhóm khác chuyển sang quân nhân: Ngay sau khi tiếp nhận, hướng dẫn kê khai, lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT, gửi đơn vị cấp trên trực tiếp đến Sư đoàn (tương đương) tổng hợp để gửi BHXH BQP (kèm theo thẻ BHYT đã được cấp). Thẻ BHYT có thời hạn sử dụng từ ngày quyết định tuyển dụng, điều động có hiệu lực.

6. Hỏi: Thời hạn sử dụng thẻ BHYT của quân nhân là bao nhiêu tháng?  

Trả lời: Khoản 5 Điều 4 TTLT số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC quy định: thời hạn sử dụng thẻ BHYT của quân nhân do Giám đốc BHXH BQP quy định nhưng tối đa không quá 24 tháng, tính từ ngày cấp thẻ BHYT.

7. Hỏi: Ai có trách nhiệm quản lý thẻ BHYT của quân nhân?

Trả lời: Khoản 6 Điều 4 TTLT số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC quy định: quân y đơn vị có trách nhiệm quản lý thẻ BHYT của quân nhân.

8. Hỏi: Quân nhân làm mất có được cấp lại thẻ BHYT không? Thủ tục như thế nào?

Trả lời: Điều 5 TTLT số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC quy định cấp lại thẻ BHYT trong trường hợp mất thẻ và được thực hiện như sau:

1. Có hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ BHYT (đơn đề nghị của cá nhân; văn bản và danh sách đề nghị do đơn vị quản lý lập).

2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), BHXH BQP phải cấp lại thẻ BHYT. Trong thời gian chờ cấp lại vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

3. Người được cấp lại thẻ BHYT phải nộp phí theo quy định của Bộ trưởng BTC. Trường hợp do lỗi của BHXH BQP hoặc đơn vị lập danh sách thì không phải nộp phí.

9. Hỏi: Đổi thẻ BHYT của quân nhân được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 5 TTLT số 85/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC quy định:

1. Đổi thẻ BHYT trong trường hợp:

- Rách, nát, hỏng hoặc thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu hoặc thông tin ghi trong thẻ không đúng.

- Thay đổi từ HSQ, BS chuyển sang SQ, QNCN.

- Quân nhân được điều động đến làm việc ở vùng có điều kiện KT -XH khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc xã đảo, huyện đảo và ngược lại.

2. Có hồ sơ đề nghị đổi thẻ BHYT (đơn đề nghị của cá nhân; văn bản và danh sách đề nghị do đơn vị quản lý lập).

3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), BHXH BQP phải đổi thẻ BHYT. Trong thời gian chờ đổi thẻ vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

4. Người được đổi thẻ do thẻ bị rách, nát, hỏng phải nộp phí theo quy định của Bộ trưởng BTC.

10. Hỏi: Trong trường hợp nào thì quân nhân bị thu hồi thẻ BHYT?

Trả lời: Khoản 1 và 2 Điều 9 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP quy định:

1. Thu hồi thẻ BHYT của quân nhân trong các trường hợp: Thôi phục vụ trong Quân đội hoặc chuyển sang chế độ phục vụ khác không phải là quân nhân; thẻ BHYT cấp trùng số, trùng đối tượng; thẻ BHYT cấp không đúng đối tượng là quân nhân.

2. Đơn vị quản lý quân nhân có trách nhiệm thu hồi thẻ BHYT, gửi BHXH BQP để giảm trừ tiền đóng BHYT từ NSNN.

11. Hỏi: Trong trường hợp nào thì quân nhân bị tạm giữ thẻ BHYT?

Trả lời: Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP quy định:

1. Quân nhân bị tạm giữ trong trường hợp người khác sử dụng đi KCB.

2. Người được giao quản lý thẻ hoặc người có thẻ BHYT cho người khác mượn thẻ phải chịu hình thức kỷ luật của Quân đội và phải bồi hoàn toàn bộ chi phí KCB (nếu có).

BAN BIÊN TẬP
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website