18 giờ:6 phút Thứ năm, ngày 26 tháng 7 , 2018

Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam”

Chiều 26-7, tại Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa đã diễn ra Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý, lãnh đạo các tỉnh/thành, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp hàng không, du lịch. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện hơn 500 doanh nghiệp và đại lý du lịch cùng hơn 50 cơ quan thông tấn, báo chí - truyền hình trong nước.

Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam”
Các đại biểu tham gia thảo luận Hội thảo.

Trong giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng đạt mức 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hoá. Trong 6 tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách đường hàng không đã đạt mức 24,6 triệu lượt khách, tăng 15,2%; vận tải hàng hóa đạt 176,4 nghìn tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Năm 2017, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, cùng với đó có 7,5 triệu lượt người Việt Nam du lịch ra nước ngoài và trên 70 triệu lượt người Việt du lịch trong nước. Đa số khách hàng đã lựa chọn hàng không là phương thức di chuyển.

Hiện nay tại Việt Nam có 4 hãng hàng không đang hoạt động: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco, trong đó Vietnam Airlines sở hữu Vasco và 70% vốn của Jetstar hoạt động tại 28 sân bay với 3 sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, mới khai trương Sân bay Cam Ranh và Sân bay Long Thành sắp xây dựng.

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế đã thảo luận về các nội dung: Tiềm năng phát triển ngành hàng không; Lời giải cho điểm nghẽn hạ tầng; Cơ hội mở cho các hàng hàng không mới. Đặc biệt, các ý kiến đã làm rõ những đóng góp của hàng không cho phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch trong thời gian tới, cơ hội cho các hãng hàng không mới…

Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam”
Bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trao đổi tại Hội thảo.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, ĐH Fulbright, cho biết: “Trong 20 năm qua, ngành hàng không đã tăng ngoạn mục (16 lần). Đặt trong bức tranh toàn cầu, Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao so với thế giới. Việt Nam có thị trường hàng không năng động. Dự báo đến năm 2034 tổng dân số của Việt Nam đạt 105 triệu người, GDP bình quân là 18-22 nghìn USD. Cũng theo dự báo, nếu trung bình các nước có thu nhập 18-24 nghìn USD thì khách hàng không sẽ đạt 58 triệu hành khách/năm”.

Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam”
Hội thảo còn có sự tham gia của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Ông Huỳnh Thế Du cho rằng: “Ngành hàng không tăng trưởng cao trong thời gian qua nhờ có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào ngành hàng không, giúp cho lĩnh vực này phát triển mạnh hơn. Do vậy, việc phát huy vai trò của tư nhân, ví dụ như kế hoạch của Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC là kịch bản tốt cho sự cạnh tranh phát triển ngành hàng không”.

Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam”
Quang cảnh Hội thảo.

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch nói: “Chúng ta đều biết từ trước đến nay, hàng không và du lịch đều cần đến nhau để phát triển, vận tải hàng không là một trong những lĩnh vực vận chuyển nhiều khách du lịch nhất. Tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam đang rất cần đến lực lượng phương tiện cả đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy; trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm tỉ lệ lớn nhất”. Ông Phương nhấn mạnh: “Du lịch và hàng không là 2 cánh máy bay, sự phát triển của ngành này mang đến sự phát triển của ngành kia”.

Đồng tình với những ý kiến được Ông Nguyễn Quý Phương nêu ra, bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhờ du lịch mà bộ mặt của Quảng Ninh thay đổi rất đáng kể. Kết thúc năm 2017, Quảng Ninh đã đón trên 9,5 triệu lượt khách. Năm nay, Quảng Ninh được lựa chọn là năm du lịch quốc gia. Vai trò của Tập đoàn FLC với Quảng Ninh là rất lớn với việc đầu tư sân golf đẹp nhất. Ngoài ra Quảng Ninh còn có Sun Group đầu tư sân bay tư nhân ở Vân Đồn”. Bà Vũ Thị Thu Thủy bày tỏ: “Chúng tôi mong hãng hàng không của FLC và sân bay của Sun Group sẽ giúp Quảng Ninh vừa có thể phát triển vận tải hàng không, vừa đóng góp tích cực vào du lịch”.

Trước vấn đề được đặt ra là hạ tầng chưa đáp ứng, ông Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng: “Cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng, đồng thời phải có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư phát triển hàng không”. 

Nói về sự tham gia của tư nhân vào cảng hàng không, ông Đỗ Đức Tú - Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: “Sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào cảng hàng không chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ. Theo Nghị định 92/2016, nhà đầu tư tư nhân được phép đầu tư 100% vốn, trong đó, Cảng hàng không Vân Đồn là một ví dụ. Như vậy, cơ chế đã rất thuận lợi”.

Được biết, mới đây Tập đoàn FLC đã đầu tư thành lập hãng hàng không mới - Bamboo Airways. Bên cạnh việc thuê máy bay, Tập đoàn FLC và Bamboo Airways cũng đã liên tiếp ký hai thỏa thuận mua 24 chiếc máy bay A321NEO từ Airbus và 20 máy bay Boeing B787-9 Dreamliner từ Boeing. Tổng giá trị hai hợp đồng lên đến 8,6 tỷ USD.

TRUNG THÀNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website