21 giờ:33 phút Thứ tư, ngày 18 tháng 5 , 2016

Thực hiện xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội:

Những kết quả thiết thực

Thực tế được ghi nhận từ 8 bếp ăn xã hội hóa thuộc Học viện PK-KQ, Trường Sĩ quan Không quân và Viện Y học PK-KQ là: Mô hình trên không chỉ ổn định và nâng cao công tác nuôi dưỡng bộ đội, mà còn tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho ngân sách.

 Những con số biết nói

Qua cuộc trao đổi với Đại tá Trương Đức Vọng - Trưởng Phòng Quân nhu (Cục Hậu cần), được biết, ở Học viện PK-KQ, 4 bếp ăn đã được xã hội hóa (XHH), bao gồm: Bếp ăn Tiểu đoàn 7, thực hiện từ tháng 5/2012, bếp ăn Tiểu đoàn 6 thực hiện từ tháng 1/2013, bếp ăn Tiểu đoàn 5 và Nhà ăn khối Hệ thực hiện từ tháng 6/2015. Trường Sĩ quan Không quân có 3 bếp, được thực hiện từ tháng 3/2015; bếp ăn Viện Y học PK-KQ được thực hiện từ tháng 6/2014. Như vậy, tính đến cuối năm 2015 bếp ăn được xã hội hóa lâu nhất là gần 4 năm, bếp gần nhất mới chưa tròn một năm.

Nhưng những con số thống kê từ Phòng Quân nhu, Cục Hậu cần Quân chủng đã thực sự là những con số biết nói. Chỉ riêng với 4 bếp ăn ở Học viện PK-KQ, trong khoảng thời gian ngắn như vậy song việc chi trả cho nhà thầu và lương tổ quản lí xã hội hóa đã tiết kiệm được gần 700 triệu đồng so với ngân sách chi trả lương cho cán bộ, nhân viên nuôi quân khi chưa được XHH.

Những kết quả thiết thực

Giờ chia suất ăn ở Bếp Nhà ăn khối hệ, Học viện Phòng không-Không quân.

Nhà bếp khang trang, đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng bộ đội

Những điều tai nghe về bếp ăn XHH, chúng tôi đã có dịp được mục sở thị tại Học viện PK-KQ. Ở khu vực bếp ăn, các nhà thầu đã làm mới hệ thống hàng rào bảo vệ, mái tôn, quét vôi ve lại toàn bộ nhà ăn, nhà bếp; hệ thống cửa đi, cửa sổ được sơn sửa. Bếp ăn cũng được trang bị mới máy phát điện, tủ bảo quản thực phẩm, quạt công nghiệp, bếp gas, chảo rán và dụng cụ chế biến… Trên bàn ăn, hệ thống bát đĩa, ống đũa, lọ gia vị được sắp xếp quy củ. Những chiếc sọt đựng rác phía dưới mỗi bàn ăn hay những bộ đồng phục của nhân viên phục vụ cũng góp phần làm cho nhà bếp chính quy hơn. Các nhân viên nhà bếp khi chia thức ăn đều được trang bị khẩu trang và găng tay.

Tại bếp ăn Tiểu đoàn 7, sau giờ học, cùng tốp học viên đầu tiên ùa vào nhà ăn, vừa hít hà đĩa đồ ăn dậy mùi thịt kho, Thượng sĩ Nguyễn Thành Nam -  Học viên lớp Máy bay động cơ Khóa K56 phấn khởi nói: “Các cụ xưa có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” quả không sai. Một không gian sạch sẽ, thoáng đãng vào mùa hè, ấm áp vào mùa Đông, với hệ thống bàn ăn ngay ngắn, bát đĩa sạch đẹp; chế độ ăn được đảm bảo định lượng, món ăn được thay đổi thường xuyên, đó là điều kiện tốt đối với học viên chúng tôi”.

Ngay cả với đối tượng phi công, dù quân số ít, chỉ dao động từ 25 đến 30 suất ăn, nhà thầu vẫn tổ chức riêng một bếp phục vụ. Với những thời gian có sự biến động về quân số, hay đơn vị cơ động dã ngoại, chế độ ăn của bộ đội vẫn được bảo đảm. Ví như trong suốt quá trình Học viện đảm nhận nhiệm vụ A70, bếp ăn Tiểu đoàn 6 đã đảm bảo cho cả 2 khối của Học viện, cộng thêm khối của Lữ 26 và Sư đoàn 363.

Trách nhiệm của người trong cuộc

Theo Thượng tá Đinh Văn Tuân - Phó Chủ nhiệm Hậu cần Học viện PK-KQ, để các bếp ăn XHH đảm bảo được chất lượng bữa ăn, trước hết, đơn vị phải lựa chọn được nhà thầu có năng lực, phải tận dụng được nguồn lực của nhà thầu trong việc đầu tư tu sửa, củng cố cơ sở vật chất, trang bị dụng cụ cấp dưỡng. Nhân viên phục vụ cũng phải được kiểm tra về lí lịch và sức khỏe.

Tuy nhiên, nói là xã hội hóa nhưng vai trò, trách nhiệm của những cán bộ chuyên trách trong đơn vị cũng không phải là nhỏ. Theo quy định, tổ quản lí bếp ăn XHH gồm một đồng chí phó chỉ huy trưởng đơn vị, một trợ lí Hậu cần, một quản lí bếp ăn. Tất cả đều phải nghiên cứu nắm chắc quy chế quản lí bếp ăn; nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn hệ thống sổ sách theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tính toán việc nhập xuất lương thực thực phẩm, chi ăn tại bếp cũng như quá trình nấu, chia ăn. 

Thượng úy Phạm Thanh Tùng - Trợ lí Quân nhu, Ban Quân nhu, Phòng Hậu cần cho biết, trước đây, những công việc đó được phân cho nhiều người thì từ khi bếp ăn được XHH, trách nhiệm được quy về bộ 3 nên một người phải đảm nhiệm công việc của nhiều người là chuyện đương nhiên. Các ủy viên của Tổ quản lí bếp ăn XHH, hàng ngày luôn phải đồng hành với quá trình thực hiện của Nhà thầu bếp mình; công việc quay vòng với việc cân, đong, đo, đếm, kiểm tra chất lượng thực phẩm, quá trình sơ chế, chế biến đến chia ăn...

Các quy định về trách nhiệm của Nhà thầu và cán bộ quản lí đã rõ ràng, Thượng tá Đinh Văn Tuân cũng khẳng định, nếu việc XHH bếp ăn được thực hiện chặt chẽ hơn nữa, các bếp ăn được đầu tư trang bị mới, xác định rõ niên hạn sử dụng, xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên khi có hỏng hóc về trang bị… thì càng có cơ sở để nhân rộng mô hình XHH bếp ăn.

Bài, ảnh: HỒNG LINH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website