“Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”
Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (tháng 12- 1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”.
Bác Hồ nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và ban chủ nhiệm
Hợp tác xã Nông nghiệp Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
về công tác quy hoạch ruộng đất - Ảnh tư liệu Đây là quan điểm thể hiện tính nghiêm túc tự phê bình và phê bình trước những sai lầm, khuyết điểm. Người chỉ rõ hậu quả của việc yếu kém trong thực hành tự phê bình và phê bình sẽ làm giảm sút lòng tin của nhân dân, làm rạn nứt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, tình trạng phê bình một số cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà có biểu hiện kiêu ngạo, tự cao, tự đại, nói không đi đôi với làm; không muốn người khác phê bình mình; không tự phê bình mình hoặc tự phê bình không trung thực… làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ cách mạng. Trên cơ sở đó, Người chỉ ra yêu cầu phải chỉnh huấn, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng nghiêm túc phê bình và nghe quần chúng phê bình để kiên quyết khắc phục khuyết điểm, sai lầm.
Thực hiện lời Bác Hồ dạy, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và toàn dân; kết hợp chặt chẽ việc nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ với kiện toàn tổ chức, mở rộng dân chủ, động viên mọi người, mọi tầng lớp xã hội, nhận rõ đúng sai, tự giác phê bình, nghiêm túc sửa chữa khuyết điểm, xây dựng tinh thần đoàn kết toàn dân, chung sức chung lòng làm theo Đảng, theo Bác, thực hiện nhiệm vụ xây dựng miền Bắc XHCN, hậu phương vững chắc cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
60 năm qua, lời Bác dạy không những còn nguyên giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đi đôi với đổi mới về chính trị, tăng cường xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Đảng bộ Quân đội thấm nhuần lời Bác Hồ dạy, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đi đầu trong đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
BBT