9 giờ:33 phút Thứ năm, ngày 9 tháng 6 , 2016

Cá tra: Vì sao bấp bênh?

Những năm gần đây, cá tra ngày càng khẳng định vị trí trong các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam, đem về cho đất nước từ 1,5 đến 2 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, sự bấp bênh, thiếu ổn định từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu của cá tra đã khiến người nuôi cá tra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) điêu đứng, thậm chí không ít người bị phá sản.

 Niềm vui ngắn chẳng tày gang

 Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính đến tháng 5-2016, toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch trên diện tích 989ha với sản lượng 314.140 tấn cá tra. So với cùng kỳ năm 2015, diện tích và sản lượng đều giảm, lần lượt là 22% và 13%. Hiện giá cá tra thương phẩm tăng do hầu hết các ao nuôi cá tra của bà con nông dân trong vùng không còn nhiều, trong khi nhu cầu cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng. Điều này dẫn tới giá cá tra đã tăng từ 19.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá cá tra thương phẩm tăng là do thị trường xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc sau hơn một năm sụt giảm. Từ đầu năm 2016 đến nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt hơn 435 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015. Tại Mỹ, mặc dù Luật Nông trại (Farm Bill) đã có hiệu lực, nhưng thị trường này vẫn chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm của Việt Nam. Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu cá tra nhiều nhất từ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro; giá cá có thể sụt giảm bất cứ lúc nào nếu phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu. Trong khối thị trường Đông Nam Á, Thái Lan là nhà nhập khẩu lớn nhất cá tra của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 12,47 triệu USD, chiếm 36,4% toàn khu vực.

 Cá tra: Vì sao bấp bênh?

 Đưa cá tra từ ghe vào chế biến tại Công ty Cổ phần Thủy sản Hà Nội-Cần Thơ. 

Với giá thành sản xuất khoảng 19.000 đồng/kg, hiện người nuôi cá tra đã có được niềm vui sau nhiều năm thua lỗ. Tuy nhiên, không phải người nuôi cá tra nào ở ĐBSCL cũng được hưởng niềm vui này do cá đã bán hết ở thời điểm giá thấp. Thậm chí, không ít người nuôi cá "không chịu được nhiệt” do giá cá sụt giảm thời gian trước đây đã phải “treo ao” (tạm ngừng không thả nuôi) hoặc phá sản. Trong thời gian tới, cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu được dự báo là có thể rơi vào tình trạng khan hiếm (do sản lượng nuôi giảm), từ đó đẩy giá tăng cao.

Vì sao cá tra “đánh mất mình”?

Cá tra được xem là có thế mạnh nhất của ngành thủy sản nếu không muốn nói rằng cá tra là “cá vua” của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường xuất khẩu nhóm cá da trơn. Bởi lẽ, không chỉ nhờ thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất ĐBSCL phù hợp với loài cá này về nguồn nước, khí hậu, con giống mà từ lâu, cá tra của Việt Nam rất mạnh từ khâu sản xuất con giống (chủ động hoàn toàn) đến nuôi cá thương phẩm và chế biến thức ăn nuôi cá. Lý giải tình trạng cá tra của Việt Nam bấp bênh, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng: Cá tra đã phát triển “quá nóng” trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây. Sản lượng cá tra của Việt Nam tăng nhanh 100-200 nghìn tấn/năm những năm cuối thế kỷ 20 lên đến 1,5 triệu tấn/năm 2010. Những năm gần đây, sản lượng cá tra của Việt Nam luôn duy trì ở mức 1,1-1,2 triệu tấn/năm.

Ở thời hoàng kim, cá tra của Việt Nam đã chinh phục 152 "thượng đế” (152 quốc gia, vùng lãnh thổ), hiện xuất khẩu tới 142 quốc gia. Thế nhưng, cá tra lại chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Mỹ (khoảng 20-30%) và EU, Nhật Bản; các thị trường còn lại rất ít. Thêm vào đó, thị trường nội địa với khoảng 90 triệu dân dường như vẫn “bỏ ngỏ” với loại cá này. Trong khi ở Mỹ, cá tra lại thường xuyên gặp phải “chướng ngại vật” do các rào cản về kỹ thuật, thuế chống bán phá giá (do thị trường này áp đặt), gần đây là Đạo luật Nông trại 2014 (Farm Bill) với những đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… khiến "thân phận" cá tra trở nên bấp bênh. Tuy nhiên, sóng gió vẫn chưa dừng lại do tỷ giá ngoại tệ luôn biến động, mất giá, kể cả USD. Chính nguyên nhân này khiến cá tra của Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn so với các sản phẩm thuộc nhóm cá da trơn của các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a.

Cũng bởi phát triển quá nóng, cung lớn hơn cầu nên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đã đua nhau hạ giá bán. Giá cá từ 5-6USD/kg xuống đến 1,5-2USD/kg (sản phẩm đông lạnh nguyên con). Việc liên tiếp hạ giá bán trong thời gian ngắn để giành giật được các đơn hàng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra không chỉ “tự bắn vào chân mình” mà còn gián tiếp đẩy người nuôi cá vào thế khó; thậm chí nhiều người nuôi cá tra đã phải “chia tay vĩnh viễn” với loài cá trên.

Để cá tra ngày càng phát triển

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam: Để cá tra của Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là đối với thị trường lớn như Mỹ thì các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực chuỗi ngành hàng cá tra thích ứng với những đòi hỏi, tiêu chuẩn của Đạo luật Nông trại. Xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá tra (từ khâu con giống đến xuất khẩu), nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển các sản phẩm từ phụ phẩm cá tra như dầu cá (mỡ cá), bột cá... Nhà nước cũng cần đầu tư, nghiên cứu để giúp nâng cao chất lượng giống cá tra (nâng cao tỷ lệ phi lê)… 

Trước những khó khăn về thị trường, nhất là đòi hỏi khắt khe từ thị trường Mỹ, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, người nuôi cá và doanh nghiệp phải tuân thủ “luật chơi”, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong nghề nuôi cá tra để đáp ứng yêu cầu cao của thị trường này. Các doanh nghiệp chế biến cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng công tác nghiên cứu, phát triển thị trường. Có như vậy, nghề nuôi và kinh doanh cá tra mới có thể phát triển bền vững.

  Để tái cấu trúc ngành hàng cá tra, theo các chuyên gia kinh tế, việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra cũng cần được quy định là những hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện. Trước tiên, Nhà nước phải tham gia vào việc điều chỉnh, kiểm soát vùng nuôi và sản lượng cá; kể cả việc giảm sản lượng xuống để phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước để các cơ quan này cấp giấy chứng nhận về vùng nuôi đã hội đủ các điều kiện sản xuất theo quy định. Bên cạnh đó, việc thay đổi chính mình, từ sản xuất đến chế biến, tiếp thị, quảng bá sản phẩm cũng là các yếu tố quan trọng giúp nghề nuôi và chế biến, kinh doanh cá tra phát triển bền vững trong tương lai.

 

 Dự án "Xây dựng trang trại nuôi cá tra trình diễn công nghệ tiên tiến bền vững tại Việt Nam" được tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch và giao cho Trường Đại học Cần Thơ, Công ty TNHH Thuận Hưng, Trung tâm Chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản Việt Nam-Đan Mạch (VIDATEC) thực hiện. Mục tiêu của dự án là trình diễn các công nghệ tiên tiến của Đan Mạch trong thực hiện nuôi trồng thủy sản thương phẩm chất lượng, bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với điều kiện địa lý, khí hậu cùng khả năng truy xuất nguồn gốc từ vùng nuôi đến chế biến. Đến nay, chất lượng của cá tra được nâng lên, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 
Theo QĐND
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website