9 giờ:18 phút Thứ hai, ngày 20 tháng 6 , 2016

Luật Báo chí (sửa đổi) tác động gì tới nhà báo?

Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý rộng mở hơn cho sự phát triển của báo chí nói chung, tạo nhiều thuận lợi hơn cho nhà báo nói riêng, có nhiều tiến bộ so với Luật Báo chí hiện hành.

 Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những nét mới và tiến bộ của đạo luật rất được những người làm báo và xã hội quan tâm này.

Nhà báo tác nghiệp thuận lợi hơn

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Cục trưởng, so với luật hiện hành, Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 có những điểm gì mới nổi bật?

Đồng chí Lưu Đình Phúc: Hiến pháp năm 2013 là đạo luật gốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, có tác động to lớn đối với sự phát triển của xã hội, của thể chế chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Luật Báo chí (sửa đổi) được xây dựng là để triển khai thực hiện Hiến pháp 2013, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, bảo đảm cho các chủ thể tham gia hoạt động báo chí quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí cũng như cơ chế nhà nước bảo đảm mọi tổ chức cá nhân được thực thi quyền đó. Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, đáng chú ý là quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí. So với Luật Báo chí năm 1999, đối tượng thành lập cơ quan báo chí cũng mở hơn, cho phép các cơ sở giáo dục, các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài cũng được phép ra tạp chí khoa học; cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết và chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí; luật hóa những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Những hành vi bị cấm được quy định trong Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 cụ thể hơn, bổ sung một số hành vi, điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn báo chí như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Quy định về cải chính đối với từng loại hình báo chí, bảo đảm quyền của các cá nhân, tổ chức khi bị báo chí thông tin sai. Về bảo vệ nguồn tin, Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 quy định chặt chẽ hơn so với Luật Báo chí hiện hành.

PV: Đồng chí có thể cho biết Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 có những quy định gì để tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp tốt hơn, khắc phục tình trạng né tránh cung cấp thông tin cho báo chí?

Đồng chí Lưu Đình Phúc: Theo Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016, báo chí được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật... Trong quá trình tác nghiệp, việc cơ quan, tổ chức né tránh cung cấp thông tin cho báo chí diễn ra phổ biến. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 38 về cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Luật đã quy định cụ thể trường hợp từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Việc né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí là hành vi bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

 Luật Báo chí (sửa đổi) tác động gì tới nhà báo?

Đồng chí Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí. 

Quy định mở hơn

PV: Luật báo chí (sửa đổi) năm 2016 có quy định mở hơn về đối tượng thành lập các cơ quan báo chí. Vậy, đồng chí có thể cho biết việc quản lý sẽ như thế nào, có phá vỡ quy hoạch báo chí?

Đồng chí Lưu Đình Phúc: Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 cho phép các cơ sở giáo dục và tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài cũng được phép ra tạp chí khoa học. Quy định này nhằm tận dụng các nguồn lực tham gia đầu tư vào nghiên cứu khoa học, khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học nước nhà. Việc mở rộng đối tượng thành lập cơ quan báo chí như nêu trên không mâu thuẫn với định hướng của quy hoạch phát triển, quản lý báo chí đến năm 2025. Bởi lẽ, trong luật đã quy định rất rõ về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí là phải phù hợp với quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PV: Vừa qua, một số phóng viên trong khi đi tác nghiệp đã bị hành hung, cản trở. Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 có điểm nào mới để bảo vệ phóng viên không, thưa đồng chí?

Đồng chí Lưu Đình Phúc: Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 quy định rõ là báo chí được pháp luật bảo hộ và trong điều cấm đã quy định cụ thể là cấm những hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Các cơ quan báo chí chủ động phổ biến Luật Báo chí (sửa đổi)

PV: Theo đồng chí, chúng ta cần những biện pháp gì để triển khai, sớm đưa Luật Báo chí (sửa đổi) đi vào cuộc sống?

Đồng chí Lưu Đình Phúc: Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ mà nhiều ngành cùng tham gia. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để giới thiệu sâu về luật này tới các báo cáo viên về pháp luật ở cấp cơ sở. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch triển khai tập huấn cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên toàn quốc. Cục Báo chí đã và sẽ mở các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về pháp luật báo chí nói chung, Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 nói riêng. Cùng với đó, bộ sẽ sớm trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn và các thông tư liên quan để khi luật có hiệu lực là có thể triển khai được ngay. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã triển khai tích cực các hoạt động để phổ biến về luật này, nhất là liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí chủ động quán triệt trong nội bộ cơ quan mình để anh em phóng viên, biên tập viên vững tâm trong tác nghiệp, tránh để xảy ra sai sót. Báo chí cũng phải là lực lượng chủ lực trong tuyên truyền sâu rộng về Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016.

 PV: Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 đã bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Vậy, những quy định về đạo đức nghề nghiệp hiện nay đã đáp ứng đầy đủ chưa, có cần bổ sung gì không, thưa đồng chí?

Đồng chí Lưu Đình Phúc: Tôi cho rằng quy định đạo đức nghề báo hiện nay rất khái quát, còn chung chung. Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 giao thẩm quyền của Hội Nhà báo Việt Nam ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Các quy định này nếu được xây dựng cụ thể, rõ ràng, trên cơ sở đồng thuận của các cấp hội nhà báo, giới báo chí cả nước thì sẽ có tác động lớn tới hoạt động báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, tránh hiện tượng sách nhiễu, lợi dụng nghề nghiệp vào mục đích xấu hoặc tư lợi.

Báo Quân đội nhân dân trước ngưỡng cửa đa phương tiện

PV: Đề nghị đồng chí cho biết một số nhận xét, đánh giá về báo chí quân đội nói chung và Báo Quân đội nhân dân nói riêng?

Đồng chí Lưu Đình Phúc: Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với lực lượng vũ trang qua các thời kỳ, báo chí quân đội đã kịp thời phản ánh trang sử hào hùng của dân tộc ta qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược; động viên toàn quân, toàn dân trong chiến đấu, lao động, sản xuất; phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; xây dựng Quân đội nhân dân "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại"; góp phần tích cực tuyên truyền phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Có thể nói, những đóng góp trong công tác tư tưởng, văn hóa, lý luận của báo chí quân đội nói chung, Báo Quân đội nhân dân nói riêng là rất to lớn. Đó là truyền thống quý báu cần tiếp tục được đội ngũ những người làm báo quân đội phát huy hơn nữa trong giai đoạn hiện nay.

PV: Trong quy hoạch báo chí của Chính phủ, Báo Quân đội nhân dân là một trong những tờ báo định hướng dư luận và xây dựng theo mô hình đa phương tiện. Theo đồng chí, để thực hiện chủ trương này, Báo Quân đội nhân dân cần được đầu tư, xây dựng như thế nào?

Đồng chí Lưu Đình Phúc: Báo Quân đội nhân dân phải mạnh về công tác tư tưởng, văn hóa, làm tốt chức năng tờ báo định hướng dư luận. Nhiệm vụ hiện nay của báo sẽ nặng nề hơn. Báo giấy vẫn là chủ lực vì được phát hành rộng rãi trong toàn quân, toàn quốc. Nhưng để phủ rộng thông tin thì rất cần đầu tư cho báo điện tử với ngôn ngữ không chỉ tiếng Việt. Mô hình tòa soạn hội tụ cần được triển khai phù hợp với thực tế đơn vị, mỗi phóng viên là một chiến sĩ có thể tác nghiệp ở cả 4 loại hình báo chí, đó là yêu cầu của "phóng viên chiến trường". Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Báo Quân đội nhân dân sẽ có sự đổi mới mạnh mẽ trong thời gian tới, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, lập thêm nhiều chiến công trong thời kỳ đổi mới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website