9 giờ:31 phút Thứ ba, ngày 18 tháng 5 , 2021

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên ở đơn vị

Vừa qua, các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân đã hoàn thành Hội thi báo cáo viên (BCV) giỏi năm 2021. Thành công của Hội thi không chỉ giúp các cơ quan, đơn vị đánh giá đúng trình độ, kỹ năng, chất lượng đội ngũ BCV và công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở; lựa chọn được các đồng chí tiêu biểu để tiếp tục bồi dưỡng tham gia hội thi cấp trên. Mà còn là dịp để đội ngũ BCV được bồi dưỡng, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động BCV ở đơn vị.

Bài 1: Xác định đối tượng, xây dựng đề cương phù hợp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi và tự trả lời. Chứ không phải ngồi chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”. Tuyên truyền miệng không chỉ là khoa học mà còn là một nghệ thuật - nghệ thuật nói chuyện trước công chúng. Để tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất người BCV không chỉ nắm vững cơ sở khoa học của hoạt động tuyên truyền miệng mà còn phải biết sử dụng những kỹ năng, kỹ xảo, nghiệp vụ chuẩn bị bài nói trước người nghe. Do đó, trước khi chuẩn bị bài tuyên truyền miệng, BCV phải đặt câu hỏi “Nói cho ai nghe?”, phải nghiên cứu, nắm chắc đặc điểm đối tượng người nghe để xây dựng đề cương bài nói cho phù hợp.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên ở đơn vị
Các thí sinh tham gia Hội thi BCV giỏi Học viện PK-KQ soạn đề cương tuyên truyền
bằng phần mềm trình chiếu Power Point. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021
)

Phát biểu trao đổi, rút kinh nghiệm trực tiếp tại Hội thi của các đơn vị, Đại tá Hoàng Văn Lâu - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng đánh giá cao công tác tổ chức của các đơn vị cũng như tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc, cầu thị của các thí sinh, đồng thời phân tích chỉ rõ những điểm mạnh, mặt hạn chế ở các thí sinh. Theo Đại tá Hoàng Văn Lâu, đối với phần lựa chọn và xây dựng đề cương, nhìn chung các thí sinh đã có sự đầu tư nghiên cứu, sưu tầm tài liệu; nhiều đồng chí đã biết cách chọn chủ đề và những nội dung trọng tâm để xây dựng đề cương tuyên truyền. Tuy nhiên, nội dung tuyên truyền của một số thí sinh còn quá rộng, chưa sát với khả năng, trình độ của người tuyên truyền cũng như đối tượng được tuyên truyền; bố cục một số bài tuyên truyền chưa cân đối giữa phần thông tin và định hướng cho bộ đội. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng nhấn mạnh: “Cái khó nhất với BCV là lựa chọn nội dung tuyên truyền, nếu chọn đề tài rộng thì có thể dễ cho công tác biên soạn, nhưng lại khó khăn trong cách thể hiện, vì nội dung thì dài mà thời gian tuyên truyền lại ngắn. Do đó, thay vì chọn chủ đề thông tin về kết quả Đại hội Đảng các cấp, thí sinh có thể chọn một chủ đề nhỏ hơn như “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”, “3 khâu đột phá”, trọng tâm đột phá vào đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể hóa vào thực tiễn của đơn vị thì sẽ dễ tạo ấn tượng với người nghe hơn. Đối với cách xây dựng đề cương, bên cạnh phần chính là cung cấp thông tin thì phần định hướng phải đạt được từ 30-40% dung lượng. Bởi vì, nội dung tuyên truyền miệng không chỉ nhằm cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về những sự kiện quan trọng trong nước và trên thế giới mà quan trọng hơn là qua thông tin đó phải định hướng nhận thức, giáo dục tư tưởng, quán triệt quan điểm và hướng dẫn hành động cho bộ đội”.

Đề cương bài nói chính là kế hoạch thực hiện một buổi tuyên truyền miệng, bao gồm mục đích, yêu cầu, những nội dung cơ bản của bài nói... để người BCV căn cứ vào đó mà thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, trình bày những vấn đề định nói một cách đầy đủ, theo một trình tự hợp lý, nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, để chuẩn bị cho một buổi tuyên truyền miệng, BCV phải thực hiện một loạt các hoạt động bao gồm: Xác định mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, phương pháp, thời gian, bối cảnh... của buổi tuyên truyền, trả lời cho các câu hỏi: Nói để làm gì? Nói về vấn đề gì? Nói cho ai nghe? Lấy tài liệu nào, ở đâu để nói? Chuẩn bị bài nói như thế nào?... và sau đó thực hiện sưu tầm tài liệu và viết đề cương. Kết cấu của đề cương tuyên truyền miệng gồm ba phần: Phần mở đầu, phần chính và phần kết luận. Mỗi phần có chức năng riêng, yêu cầu riêng, phương pháp xây dựng và thể hiện riêng.

Đại tá Nguyễn Quang Hưng - Chính trị viên Hệ 1, người vừa giành giải nhất Hội thi BCV giỏi Học viện PK-KQ, cho biết: “Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy đơn vị và sự hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ cấp trên mà BCV xác định mục đích, chủ đề bài nói cho phù hợp. Trong đó, tập trung vào những sự kiện trọng đại của đất nước, những quan điểm, đường lối, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, vấn đề mới, có tính thời sự trong nước và quốc tế đang được dư luận xã hội, cán bộ, chiến sĩ quan tâm… để xác định chủ đề, bảo đảm phải đúng, trúng vấn đề người nghe quan tâm, có thông tin mới, mang tính cấp thiết và tính định hướng tư tưởng cao”.

Còn Trung tá Nguyễn Văn Phương - Chính ủy Trung đoàn 228, Sư đoàn 365, thì chia sẻ: “Cũng như viết một bài văn nghị luận, quá trình xây dựng đề cương tuyên truyền phải bố cục nội dung gồm 3 phần: Mở đầu, thân bài và kết luận. Trong đó, phần mở đầu phải tự nhiên, ngắn gọn, hấp dẫn, lôi cuốn người nghe; phần thân bài sắp xếp phải rõ ràng, kết cấu cân đối, chặt chẽ; nêu bật được những luận cứ xác đáng nhất, rõ ràng nhất theo tư duy logic; liên hệ phải sát với đơn vị, địa phương, địa bàn đóng quân. Phần kết luận phải gây được ấn tượng và có sức cổ vũ cho bộ đội. Ngoài ra, nội dung đề cương phải có tính chất “mở” để khi BCV nói cho các đối tượng khác nhau, có “gia giảm”, “nâng lên” hay “hạ xuống” cho phù hợp”.

Việc chuẩn bị đề cương tuyên truyền của BCV là quá trình xác định chủ đề, mục đích, yêu cầu bài nói, thu thập, tích luỹ tài liệu, hình thành đề cương, lựa chọn phương pháp, đồng thời là quá trình ghi nhớ để sẵn sàng cho bước tiếp theo là trình bày bài nói. Do đó, chuẩn bị tốt đề cương tuyên truyền là bảo đảm một nửa thành công của bài tuyên truyền.

>>> Bài cuối: Nâng cao kỹ năng thuyết trình trước công chúng

THÀNH TRUNG, ĐỨC LƯU
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website