Gặp mẹ Kăn Xiếp giữa đại ngàn Trường Sơn
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, Đoàn công tác của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã không quản ngại khó khăn, vất vả hành quân về các bản, làng của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi, động viên bà con dân tộc thiểu số đang sinh sống ở biên giới Việt - Lào. Tại nơi “thâm sơn, cùng cốc” này, chúng tôi đã được gặp mẹ Kăn Xiếp - người con tiêu biểu của núi rừng Trường Sơn. Cuộc gặp tuy không dài, nhưng đã để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng sâu sắc, khó quên.
Thiếu tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, trao quà tặng mẹ Kăn Xiếp.Vượt qua chặng đường đèo dốc quanh co, hiểm trở với những dãy núi trập trùng, hùng vĩ của đại ngàn Trường Sơn; mãi đến quá trưa, Đoàn công tác mới đến được trung tâm huyện miền núi A Lưới. Mùa này, thời tiết nơi đây rất thất thường, đúng như câu thơ: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa…”. Chúng tôi từ sườn Đông đang nắng chang chang, chớm sang sườn Tây thì trời bất chợt đổ mưa trắng xóa núi rừng. Xe chúng tôi phải chầm chậm bò qua từng con dốc, len lỏi qua từng quãng đường hẹp hun hút mới đến được xã Hồng Thượng để thăm mẹ Kăn Xiếp. Đây là mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống duy nhất của huyện A Lưới. Khi chúng tôi cùng đoàn cán bộ địa phương vào thăm mẹ, mưa bắt đầu ngớt hạt, mây đẩy nền trời lên cao, một vài tia nắng yếu ớt đã trải vàng trên tán cây rừng. Không khí mát mẻ dễ chịu hơn hẳn. Trong căn nhà nhỏ, mẹ Xiếp với dáng người nhỏ gầy, lưng hơi còng, chống gậy đi ra. Mẹ ân cần nắm tay từng cán bộ, chiến sĩ, miệng móm mém cười: “Bộ đội Cụ Hồ về thăm mẹ à? Nhớ các con lắm! Khổ thân các con đã lặn lội đường sá xa xôi, khó khăn cách trở để đến thăm mẹ…!”.
Chị Mai Loan - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới, nhỏ nhẹ tiếp lời:
- Giới thiệu với Mẹ đây là Thiếu tướng Phạm Trường Sơn - Trưởng đoàn công tác của Quân chủng PK-KQ về thăm Mẹ cùng bà con dân bản đấy ạ!
Mẹ bỏ gậy, đứng thẳng lên dang tay ôm chầm lấy chúng tôi. Mắt Mẹ ngời sáng, nhìn kỹ từng khuôn mặt như nhìn những đứa con đi xa mới về. Đón nhận món quà nhỏ từ những người lính, giọng Mẹ run run, xúc động:
- Năm nay, Mẹ đã bước sang tuổi 92, được đón các con về thăm, Mẹ rất vui. Cả đời Mẹ đã gắn bó với núi rừng Trường Sơn, bám bản, bám làng. Con trai và con gái của Mẹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bây giờ, Mẹ chỉ mong các con luôn khỏe mạnh để góp công sức xây dựng, bảo vệ quê hương.
Thiếu tướng Phạm Trường Sơn ân cần đỡ Mẹ ngồi xuống. Sau cuộc trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, đồng chí Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ nhẹ nhàng động viên Mẹ:
- Chúng con về đây, trước là thăm Mẹ, sau là xin phép Mẹ được thắp nén hương thơm cho các anh, chị. Thấy Mẹ khỏe mạnh, chúng con mừng lắm!
Mẹ Kăn Xiếp khó khăn đứng dậy, chỉ về phía trước:
- Xa xa phía kia là Sân bay A So, nơi trước đây lính Mỹ trú quân; còn trước mặt là đồi A Bia, mọi người ở đây hay gọi là “Đồi thịt băm”. Mẹ còn nhớ trận đánh vô cùng ác liệt, hồi tháng 5-1969; nơi đây, bộ đội và du kích của ta đã đánh bại 13 tiểu đoàn địch và tiêu diệt 1.500 tên Mỹ…
Kể đến đây, ánh mắt Mẹ rưng rưng xúc động. Sự hy sinh anh dũng của những người con thân yêu của bản làng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của Mẹ. Những năm tháng đó, quân thù ngày đêm cướp bóc, giày xéo, gây bao tang thương cho bà con dân bản. Được Đảng, Bác Hồ chỉ lối, người dân xã Hồng Thượng đều nhất tề đứng lên đánh giặc. Mẹ cũng động viên 3 người con của mình tham gia du kích, lên căn cứ theo bộ đội kháng chiến. Đội du kích của xã đã kiên cường bám trụ từng gốc cây, bụi cỏ, bờ đất, nương rẫy để bảo vệ bản làng. Rất nhiều trận đánh đầy cam go, ác liệt đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
Song kẻ thù hung hăng, tàn bạo, được trang bị nhiều vũ khí hiện đại cũng đã gây cho dân bản bao nhiêu tổn thất. Trong một trận chiến đấu chống càn, trước thế giặc quá mạnh, đội du kích Hồng Thượng đã để lại 1 tổ chốt chặn và lui dần vào khu căn cứ. Hai con của Mẹ ở lại cùng tổ du kích đã chiếu đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hi sinh. Nén nỗi đau thương, Mẹ quyết tâm tiễn con trai út lên căn cứ tiếp tục cầm súng đánh giặc, trả thù cho bà con dân bản, trả thù cho anh Xêng và chị Xiếp. Còn Mẹ thì cùng chị em phụ nữ các dân tộc Pa Cô, Ka Tu, Tà Ôi… ngày đêm vót chông, tải đạn lên rừng tiếp tế cho bộ đội, du kích đánh giặc cho đến ngày toàn thắng, bản làng sạch bóng quân thù…
Gian nhà nhỏ như lặng đi theo câu chuyện Mẹ kể, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động. Cảm phục trước tấm lòng của Mẹ, người con của núi rừng một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Càng cảm phục hơn nơi mảnh đất này “Ra ngõ gặp anh hùng, lên núi gặp bản làng anh hùng”. Mẹ Kăn Xiếp quệt tay áo lau dòng nước mắt lăn dài trên gò má, cảm ơn đoàn công tác, những người lính nặng tình, nặng nghĩa của Cụ Hồ lúc nào cũng nhớ đến bà con thôn, bản.
Trời chiều buông xuống, chúng tôi chia tay Mẹ Xiếp, ai cũng lưu luyến không muốn rời, nhưng phía trước còn cả một hành trình, Đoàn công tác vẫn tiếp tục hành quân về các thôn, bản, nơi biên giới xa xôi để cùng sẻ chia, giúp đỡ bà con vượt qua những khó khăn, thiếu thốn và góp phần xây dựng địa phương vững mạnh.
Chuyến đi còn tiếp tục, nhưng với những gì đã được chứng kiến đã giúp chúng tôi càng hiểu thêm truyền thống đánh giặc giữ nước của bà con dân tộc miền núi, thấm nhuần hơn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; từ đó, thầm nhủ phải cố gắng hơn nữa trong học tập, công tác để không phụ công lao của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc. Càng đi, càng thấu hiểu hơn, ở nơi đâu, hình ảnh đẹp đẽ của “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ PK-KQ ưu tú” cũng luôn trong lòng Nhân dân.
Bài, ảnh: LỆ ANH