10 giờ:8 phút Chủ nhật, ngày 25 tháng 9 , 2016

"Gạn đục khơi trong" trước các thông tin trên mạng xã hội

Với tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng, mạng xã hội đang thực sự trở thành “một thế lực” trong lĩnh vực truyền thông, ở cả phương diện tích cực và những điểm còn gây tranh cãi, đòi hỏi người dùng, trong đó có những người làm báo, phải có nhận thức và ứng xử chuẩn mực để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

  
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cảnh giác với "rác" thông tin trên mạng xã hội

Với tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng, không biết từ lúc nào, mạng xã hội đã trở thành nơi cung cấp thông tin nguồn một cách đắc lực cho nhiều nhà báo và cơ quan báo chí. Với một lượng người tham gia mạng xã hội đông đảo, trên diện rộng, thậm chí xuyên biên giới, các thông tin trên đó cũng được cập nhật nhanh chóng.

Nhiều tờ báo, đặc biệt là những tờ báo về giải trí, có các phóng viên chuyên theo dõi và khai thác các thông tin trên mạng xã hội để viết thành tin bài đăng báo. Thậm chí một số tờ báo, trang tin còn lập ra hẳn chuyên mục riêng để đăng tải những nội dung khai thác từ mạng xã hội và các diễn đàn.

Tuy nhiên, mạng xã hội là nơi thể hiện quan điểm mang tính cá nhân, nhiều thông tin thiếu chính xác, vô bổ, thậm chí còn mang ý đồ không minh bạch... do đã có không ít thông tin thiếu chính xác được đăng lên làm ảnh hưởng đến đời tư của người liên quan, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, suy giảm uy tín của cơ quan báo chí, và không ít tờ báo đã bị phạt nặng khi đăng những thông tin thiếu kiểm chứng từ nguồn này. Đó là với những thông tin bộc phát, nhưng khi thông tin do chính những người làm báo đưa lên mạng xã hội thì càng phải thận trọng, bởi facebook của họ có tầm ảnh hưởng rộng hơn... nên nếu là ảnh hưởng xấu thì cũng nghiêm trọng hơn.

Một ví dụ cách đây chưa lâu, liên quan đến vụ việc tai nạn máy bay CASA trong khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, một nhà báo đã đăng thông tin lên một diễn đàn với lời lẽ thiếu chuẩn mực, gây sự hoang mang, nghi ngờ một cách vô căn cứ xoay quanh vụ tai nạn. Trước dư luận không tốt, nhà báo này sau đó đã bị thu thẻ, và gánh chịu nhiều điều tiếng không hay.

Không thể phủ nhận, vài năm gần đây, mạng xã hội phát triển mạnh đã có những tác động tích cực đến báo chí truyền thông, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn đối với các cơ quan báo chí và người làm báo. Trong bối cảnh đó, báo chí và người làm báo cần có nhận thức và hành động phù hợp, khách quan để tránh viết và xuất bản những bài báo có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

“Gạn đục khơi trong”

Khác với các thế hệ làm báo trước đây, nghề báo hiện nay đang được đặt dưới điều kiện phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Trong đó, tiện ích nổi bật nhất là các mạng xã hội. Nhờ nó, nhà báo có điều kiện chia sẻ nhanh và rộng rãi hơn quan điểm, bài viết của mình đến với công chúng. Sức mạnh từ các bài viết cũng tăng lên gấp nhiều lần, lợi hay hại từ bài viết và ảnh hưởng của nó đến xã hội cũng vì thế mà tăng lên.

Hiện các thông tin trên mạng xã hội có thể nói là thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có. Nhưng thông tin vụn vặt, lá cải, thông tin mang tính cá nhân tràn lan, không biết đâu mà lần. Đứng trước hoàn cảnh đó, người làm báo cần có sự chọn lọc và thẩm định thông tin, biết chắt lọc những thông tin hữu ích, những thông tin đáng đăng tải để xây dựng thành tin bài; tránh rơi vào “cái bẫy” có chủ ý, tiếp tay cho những thông tin mang màu sắc cá nhân, thậm chí có ý đồ không tốt của người đăng.

Ví dụ gần đây nhất là vụ việc có người tung tin đồn trên mạng xã hội về việc lộ đề thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua. Rất nhiều người đã like và chia sẻ thông tin này, khiến thông tin nhanh chóng được lan rộng, gây sự hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Công an nhanh chóng vào cuộc và làm sáng tỏ đó chỉ là tin đồn thất thiệt, người tung tin đồn sẽ bị xỷ lý. Điều đáng nói là nhiều báo đã khai thác tin đồn về việc lộ đề thi khi mà cơ quan chức năng chưa kết luận vụ việc, càng khiến cho nhiều bạn đọc hoang mang.

Hay vụ một việc khác, một số em học sinh ở Huế đã tung clip chế giễu kỳ thi THPT quốc gia 2016 lên mạng xã hội Facebook, Youtube, và nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận. Nhiều báo cũng khai thác đề tài này. Tuy nhiên báo chí đã khai thác thông tin, thậm chí cả cơ quan công an cũng vào cuộc điều tra clip này là việc làm hơi quá. Bởi đây vốn chỉ là một trò đùa của các em học sinh, nếu có quá đà thì cũng chỉ nên gặp để nhắc nhở các em. Nếu báo chí không bày tỏ chính kiến một cách khách quan sẽ dễ cổ súy cho việc làm quá đà, như việc công an vào cuộc điều tra, thậm chí còn đòi xử lý người tung clip thì ai dám bày tỏ ý kiến nữa.

Như lẽ tự nhiên, tác phẩm của một nhà báo có tâm sẽ có ích cho người đọc, cho xã hội và ngược lại. Bởi thế, các nhà báo cần tỉnh táo và có trách nhiệm hơn trong những bài viết lẫn những chia sẻ quan điểm của mình trên mạng xã hội.

Sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội hiện nay đang làm xuất hiện một lực lượng mới, thường được gọi với cái tên “nhà báo công dân”. Chính các nhà báo cũng là những người tham gia vào cộng đồng mạng xã hội để vừa tiếp cận, chắt lọc thông tin, vừa cung cấp thông tin đến đông đảo công chúng. Bối cảnh đó đòi hỏi những người làm báo phải có ứng xử văn hóa trên mạng xã hội. Nếu làm được điều đó thì các trang mạng xã hội sẽ trở thành “cánh tay” nối dài cho báo chí nói chung, làm cho thông tin chính trị - xã hội được phổ biến sâu rộng hơn trong đời sống.

Theo nguoilambao.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website