9 giờ:56 phút Thứ sáu, ngày 28 tháng 1 , 2022

Sử dụng pháo hoa ngày Tết sao cho đúng

Dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán là thời điểm tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng và các địa phương đã tập trung đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Tất cả đang nỗ lực, quyết tâm vì một cái Tết yên bình.

 Phân biệt pháo hoa được sử dụng

 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là: Sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đồng thời quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định.

Sử dụng pháo hoa ngày Tết sao cho đúng
 Hoạt động sản xuất pháo hoa tại Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21. Ảnh: PHAN LONG 

Có thể thấy, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP đã quy định rõ khái niệm pháo nổ, pháo hoa và pháo hoa nổ và chỉ cho phép người dân sử dụng pháo hoa. Do vậy, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật. Hiện nay tại Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) là cơ sở duy nhất được giao sản xuất, cung ứng pháo hoa phục vụ nhu cầu của nhân dân.

 Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Chu Việt Sơn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các sản phẩm pháo hoa hợp pháp trong dịp lễ, Tết, từ năm 2020 đến nay, nhà máy đã tích cực nghiên cứu, sản xuất và cung cấp ra thị trường 11 loại pháo hoa tuân thủ theo đúng Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, với mức giá dao động 13.000-330.000 đồng/sản phẩm. Hiện nay, đơn vị đã tổ chức được 80 cửa hàng sản phẩm pháo hoa trên cả nước. Ghi nhận tại một số cửa hàng bán pháo hoa của Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 cho thấy, do các sản phẩm pháo hoa của đơn vị có sự đa dạng, cải tiến hơn nên nhu cầu của người dân đối với pháo hoa không tiếng nổ tăng cao. “Trong những năm tới, nhà máy sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất ngay từ đầu năm; cùng với đó tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng, sản lượng, đa dạng hóa chủng loại pháo hoa theo đúng Nghị định số 137/2020/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của khách hàng”, Đại tá Chu Việt Sơn cho biết.

 Siết chặt sản xuất, mua bán, đốt pháo trái phép

 Mặc dù văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể về quản lý, sử dụng pháo, song từ nhiều năm nay, đặc biệt là mỗi khi Tết đến, xuân về, tình trạng mua, bán, nhập lậu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa nổ, pháo nổ vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trật tự.

 Khảo sát trên mạng xã hội Facebook, Zalo, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi có rất nhiều tài khoản rao bán các loại pháo nổ công khai. Chỉ cần tìm từ khóa “pháo hoa 2022” trên mạng xã hội Facebook sẽ ra rất nhiều trang cá nhân và các hội, nhóm buôn bán pháo nổ với hàng nghìn thành viên. Tại nhóm “Pháo hoa 2022 Không cọc”, nhiều tài khoản rao bán các loại pháo trái phép với lời chào mời hấp dẫn, kèm theo hình ảnh, video hướng dẫn. Điển hình như tài khoản “Hùng Lạng Sơn” giới thiệu chuyên cung cấp, pháo hoa chơi Tết, hàng Thái bao rẻ giá rẻ nhất thị trường, không cần đặt cọc, để bảo mật thông tin chỉ chốt đơn trên Zalo...

Sử dụng pháo hoa ngày Tết sao cho đúng
Nhiều tài khoản Facebook rao bán các loại pháo trái phép với lời chào mời hấp dẫn. Ảnh: MINH ĐỨC 

Thực tế cho thấy, tai nạn do sử dụng các loại pháo có chứa thuốc nổ đều rất nguy hiểm. Không chỉ để lại hậu quả thương tật vĩnh viễn cho chính nạn nhân, trở thành thành gánh nặng cho gia đình, xã hội mà nặng nề hơn là ảnh hưởng đến tính mạng. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT), Tổng cục QLTT cứ mỗi dịp Tết đến lực lượng chức năng phải căng sức kiểm soát các hành vi vi phạm về việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh, đốt pháo; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, chấp hành của người dân về các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.

 Theo đó, Tổng cục QLTT đã ban hành kế hoạch, yêu cầu lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, pháo hoa nổ trên địa bàn quản lý; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, biên phòng, hải quan kiểm tra, xử lý kịp thời, triệt để các vụ việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ, đặc biệt chú trọng các địa bàn khu vực cửa khẩu, biên giới và các tuyến đường từ khu vực cửa khẩu, biên giới vào nội địa; tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, xử lý việc kinh doanh, buôn bán pháo nổ, pháo hoa nổ trên môi trường mạng xã hội. Đặc biệt, Tổng cục QLTT đẩy mạnh tuyên truyền; tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo. “Lực lượng QLTT đang tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm và làm rõ trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý để xuất hiện hoặc tái diễn hoạt động buôn bán, vận chuyển tàng trữ pháo nổ, pháo hoa nổ xảy ra”, Ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

 Liên quan tới tình trạng giá bán các sản phẩm pháo hoa của Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 bị một số đối tượng đẩy giá gấp 2 đến 3 lần giá niêm yết, ông Nguyễn Đức Lê cho biết, sản phẩm pháo hoa do đơn vị của Bộ Quốc phòng sản xuất đã đáp ứng nhất định nhu cầu của người dân, tuy nhiên tại một số thời điểm do nhu cầu người dân tăng cao đột biến nên xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ. Lợi dụng tình trạng này, một số đối tượng đã đẩy giá hàng hóa tăng cao, nhằm trục lợi bất chính. Lực lượng QLTT đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử rà soát và có những khuyến cáo, tăng cường nhận thức của người dân không được đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý. “Nhằm kịp thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cũng như uy tín của nhà sản xuất chân chính, lực lượng QLTT sẽ tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để thu lời bất chính”, ông Nguyễn Đức Lê khẳng định.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website