17 giờ:35 phút Thứ năm, ngày 8 tháng 12 , 2022

Vang mãi bài ca “Xếp bút nghiên ra trận”

Sáng 8-12, tại Hà Nội, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) tổ chức chương trình giao lưu “Ký ức 50 năm Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chào mừng 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972/12-2022).

Tham dự chương trình giao lưu có Đại tá Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ; PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng ĐHBKHN; GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng ĐHBKHN; các nhân chứng lịch sử là các anh hùng LLVTND, cựu chiến binh: Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng PK-KQ; Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - Nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng PK-KQ; đồng chí Nguyễn Đức Chiêu - Nguyên Trắc thủ Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363; ông Bùi Quốc Thái - Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh ĐHBKHN… cùng đông đảo giảng viên, sinh viên ĐHBKHN và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 26, Sư đoàn 361, Học viện PK-KQ.
Vang mãi bài ca “Xếp bút nghiên ra trận”
Tiết mục văn nghệ chào mừng.

Mở màn chương trình giao lưu là các tiết mục ca múa nhạc do đội văn nghệ xung kích của Học viện PK-KQ, Đại học ĐHBKHN biểu diễn. Các tiết mục múa hát tập thể được dàn dựng công phu với âm hưởng hào hùng, sôi nổi ca ngợi hình ảnh người lính PK-KQ anh hùng và các thế hệ sinh viên của nhà trường đã đưa thời gian trở lại một thời hoa lửa.

Vang mãi bài ca “Xếp bút nghiên ra trận”
PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng ĐHBKHN đọc diễn văn khai mạc chương trình giao lưu.
Vang mãi bài ca “Xếp bút nghiên ra trận”
Đại tá Nguyễn Hữu Toàn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ phát biểu tại chương trình giao lưu.

Trong diễn văn khai mạc chương trình giao lưu, PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, gần 3000 cán bộ và sinh viên ĐHBKHN nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, trong đó có hàng trăm cán bộ và sinh viên tham gia chiến đấu ở các đơn vị của Quân chủng PK-KQ. Các anh đã mang theo tinh thần và trí tuệ Bách khoa nhanh chóng học tập nắm vững và làm chủ khí tài quân sự, sáng tạo khai thác và phát huy tối đa hiệu quả của khí tài chiến đấu góp phần vào chiến thắng của quân và dân Hà Nội mà nòng cốt là Quân chủng PK-KQ trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972. Phát huy truyền thống đó, các thế hệ sinh viên ĐHBKHN ngày nay cần trân trọng thành quả của các thế hệ cha anh; có niềm đam mê học tập và nghiên cứu, nuôi dưỡng khát vọng cống hiến, cùng quyết tâm để phát triển ĐHBKHN, thực hiện xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao phó, ngành giáo dục đòi hỏi.

Vang mãi bài ca “Xếp bút nghiên ra trận”
Các đại biểu giao lưu, nói chuyện truyền thống với các nhân chứng lịch sử, anh hùng LLVTND,
cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972.

Trong chương trình giao lưu, các giảng viên, sinh viên ĐHBKHN và cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng PK-KQ đã được giao lưu, nói chuyện truyền thống với các nhân chứng lịch sử, anh hùng LLVTND, các cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972. Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát đã có những chia sẻ về bối cảnh lịch sử, sự quyết tâm chiến đấu của lực lượng Không quân Việt Nam anh hùng trước một đối thủ sừng sỏ, không lực mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ là không quân Mỹ. Đặc biệt, khi ông kể về những chiến công của những “người lính sinh viên” xuất thân từ ĐHBKHN trong Đại đội 3, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371. Đó là những phi công cự phách như Vũ Đình Rạng, Nguyễn Tiến Sâm và đặc biệt là liệt sĩ phi công anh hùng LLVT nhân dân Vũ Xuân Thiều - người đã hy sinh khi bắn rơi máy bay B-52 trên bầu trời Sơn La ngày 28-12-1972. Họ là những minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta.

Vang mãi bài ca “Xếp bút nghiên ra trận”
Đại tá Nguyễn Hữu Toàn trao quà tặng “sinh viên vượt khó” của Quân chủng PK-KQ cho đại diện Hội sinh viên ĐHBKHN.

Không khí chương trình giao lưu càng sôi nổi khi thầy và trò ĐHBKHN được nghe Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt kể về hành trình “vào hang bắt cọp” của Bộ đội Tên lửa, những bài học kinh nghiệm là cơ sở quý giá để quân và dân Miền Bắc đập tan Chiến dịch Linerbacker II của Mỹ. Ông cũng chia sẻ về chiến công đặc biệt xuất sắc của Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261 do ông chỉ huy đã bắn hạ hai máy bay B-52, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ. Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, chiến công đó đã thể hiện tầm cao trí tuệ, bản lĩnh của con người Việt Nam, đánh bại hàng loạt các công nghệ tác chiến điện tử tối tân, hiện đại của không quân Mỹ.

Đối với đồng chí Nguyễn Đức Chiêu, khi đang là sinh viên ĐHBKHN khóa 13, tháng 8-1970, ông cùng 2 bạn học là Nguyễn Văn Tuyền, Trương Đăng Khoa nhập ngũ và được huấn luyện, điều động về chiến đấu tại Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363. Trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12-1972, kíp trắc thủ “cựu sinh viên ĐHBKHN” của ông đã cùng Tiểu đoàn 72 cơ động từ Hải Phòng về tham gia chiến dịch và đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B-52 giữa lòng Thủ đô vào đêm 27-12-1972. Đặc biệt hơn là chiếc máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà khi chưa kịp gây tội ác và vẫn còn nguyên 30 tấn bom, đạn. Chiến công xuất sắc đó đã làm nức lòng quân và dân Hà Nội và cả những sinh viên của ĐHBKHN, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội PK-KQ.

Nghe những lời chia sẻ của các anh hùng LLVTND, các cựu chiến binh, bạn Nguyễn Minh Hằng Nga - Sinh viên năm thứ nhất Khoa Ngôn ngữ, ĐHBKHN xúc động cho biết: “Tôi đã từng nghe và đọc nhiều về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng qua những câu chuyện của các bác, các ông, chúng tôi mới hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh để giành lại độc lập cho đất nước. Chúng tôi càng xúc động và tự hào khi chiến công đó có cả sự đóng góp của các thế hệ sinh viên ĐHBKHN, điều đó làm chúng tôi thực sự phải suy ngẫm và cố gắng phấn đấu hơn nữa để đóng góp công sức giúp đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh”.

Phát biểu tại chương trình giao lưu, Đại tá Nguyễn Hữu Toàn khẳng định: Quân chủng PK-KQ là một trong những lực lượng được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Do vậy, để làm chủ vũ khí trang bị mới hiện đại, bên cạnh việc tập trung bồi dưỡng, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ… Quân chủng cũng tăng cường hợp tác đào tạo với các trường đại học, đặc biệt là ĐHBKHN. Trong thời gian qua, đã có hàng trăm cán bộ của Quân chủng được cử sang ĐHBKHN để học tập nâng cao trình độ và hằng năm cũng có rất nhiều sinh viên của ĐHBKHN nhập ngũ, được tuyển dụng vào các cơ quan, đơn vị của Quân chủng công tác. Tin tưởng rằng đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Bài, ảnh: THÁI SƠN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website