9 giờ:45 phút Thứ sáu, ngày 17 tháng 2 , 2023

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống của Sư đoàn 371

Những năm qua, các công trình, di tích lịch sử của Sư đoàn 371 không ngừng được gìn giữ, củng cố, tôn tạo, trở thành địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, nhân dân địa phương và bạn bè quốc tế.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống của Sư đoàn 371
Đại tá Lê Văn Uy - Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 371
chỉ đạo cán bộ, nhân viên sắp xếp, trưng bày các tư liệu, hiện vật tại Nhà truyền thống.

Các công trình: Tượng đài Không quân, nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ Không quân và Nhà truyền thống… đã tạo thành một quần thể mang tính biểu tượng của Sư đoàn 371. Từ chân núi nhìn lên, chúng tôi đã thấy tượng đài Không quân sừng sững, uy nghiêm hiện ra giữa non xanh. Đây là công trình đầy nghệ thuật và mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc với ngôi sao năm cánh trên đỉnh tượng trưng cho Tổ quốc, đường bay cao vút, dũng mãnh của những chiếc máy bay cất cánh làm chủ bầu trời, những đám mây in dấu vó ngựa Thánh Gióng oai hùng. Đặc biệt là hình ảnh người phi công đại diện cho các thế hệ cha anh đã chiến thắng kẻ thù xâm lược, trên vai là em bé đại diện cho thế hệ tương lai như một lời nhắc nhở về sự tiếp bước, vươn lên quyết tâm bảo vệ bầu trời quê hương.

Cùng với đó, tượng đài còn khắc sâu 16 chữ vàng “Trung thành vô hạn, tiến công tiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”. Hai bên cánh gà dưới chân tượng đài là hai bức phù điêu phản ánh sinh động quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Không quân. Trong khu quần thể còn được xây dựng nhà bia tưởng niệm để ghi nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ Không quân; ngay lối lên còn có một hố bom sâu như chứng tích chiến tranh sống động. Có lẽ vì thế mà từ lâu, nơi đây đã trở thành địa điểm tham quan, tổ chức các hoạt động báo công, giáo dục truyền thống… của không chỉ cán bộ, chiến sĩ đơn vị mà còn cả nhân dân địa phương, bạn bè quốc tế.

Đến thăm Nhà truyền thống Sư đoàn 371, chúng tôi ấn tượng bởi đây như một bảo tàng thu nhỏ với nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý về lịch sử Đoàn Không quân Thăng Long. Chính giữa không gian trưng bày là hình ảnh tượng Bác dang tay chào hiền hậu, kế đến là tư liệu, hình ảnh về quá trình hình thành, phát triển của Sư đoàn; lãnh đạo, chỉ huy các thời kỳ; các phần thưởng cao quý được trao tặng; một số trận đánh tiêu biểu… Bằng chất giọng nhẹ nhàng, sâu lắng, Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Hoa - Nhân viên Phòng Chính trị Sư đoàn 371 giới thiệu cho chúng tôi một số hiện vật như các bộ phận máy bay MiG-17 đã sử dụng để chiến đấu; một số vật dụng cá nhân thu được của phi công Mỹ khi bị Không quân ta bắn rơi, hay sa bàn thể hiện trận chiến khốc liệt của Bộ đội Không quân của ta với B-52 của Mỹ trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972. Chị Hoa cho biết, Nhà truyền thống Sư đoàn vừa được sơn sửa và cải tạo lại hệ thống điện, cũng như sắp xếp lại các gian trưng bày; sưu tầm thêm nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật để không gian trưng bày phong phú, sinh động hơn.

Để không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, cán bộ, nhân viên Nhà truyền thống đã tích cực học tập, bồi dưỡng về công tác trưng bày, tuyên truyền để lưu giữ các tư liệu, hiện vật trong điều kiện bảo quản tốt; đặc biệt là khả năng thuyết minh lưu loát, truyền cảm cho khách đến tham quan. “Trước mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội, Quân chủng hay đơn vị, chúng tôi đều linh hoạt sắp xếp, sưu tầm thêm các tư liệu, hiện vật để phù hợp với sự kiện đó. Khi các đoàn khách quốc tế đến thăm, chúng tôi cũng phải nghiên cứu, xây dựng đề cương thuyết minh phù hợp với mỗi quốc gia, vừa cho thấy lịch sử anh hùng của đơn vị, vừa thể hiện tình hữu nghị, thân thiện của quân và dân Việt Nam” - Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Văn Uy - Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn cho biết: “Những năm qua, khu quần thể tượng đài Không quân đã vinh dự đón hàng nghìn đoàn khách với hàng vạn lượt người, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, với nguồn kinh phí trên cấp và công sức của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Sư đoàn đã tu bổ, tôn tạo lại toàn bộ quần thể cùng nhà truyền thống và di tích lịch sử Hầm Sở chỉ huy K14. Từ đó, xây dựng thành những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống, nâng cao tình đoàn kết, trách nhiệm cho bộ đội, cùng chung sức đồng lòng xây dựng Sư đoàn VMTD, “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Bài, ảnh: THÁI SƠN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website