Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo - yếu tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo
Xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Trong đó, chất lượng đội ngũ giảng viên là nhân tố quyết định. Thời gian qua, Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao chất lượng toàn diện, khắc phục những bất hợp lý về số lượng và cơ cấu, tạo động lực để các giảng viên phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Thiếu tướng Hà Văn Hảo - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện PK-KQ đã có cuộc trao đổi với Báo PK-KQ về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phóng viên (PV): Xin đồng chí Chính ủy cho biết vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường quân đội nói chung, ở Học viện PK-KQ nói riêng hiện nay?
Thiếu tướng Hà Văn Hảo: Với đặc thù hoạt động quân sự, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các nhà trường quân đội nói chung, Học viện PK-KQ nói riêng, vừa là người truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm chiến đấu, bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh chính trị cho người học; vừa là người thầy, người đồng chí đối với học viên. Vì vậy, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có vị trí, vai trò hết sức quan trọng; là nhân tố cơ bản quyết định chất lượng, hiệu quả đào tạo; bồi dưỡng cán bộ, trực tiếp đào tạo ra các thế hệ cán bộ chính trị, quân sự góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Đối với Học viện PK-KQ, các thế hệ học viên từ mái trường này sau khi tốt nghiệp đã có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều đồng chí đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, hoặc cán bộ khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu. Vinh dự này trước hết thuộc về đội ngũ cán bộ, giảng viên qua các thời kỳ của Học viện.
Giờ học chuyên ngành Vũ khí hàng không tại Học viện PK-KQ.
PV: Kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo về xây dựng đội ngũ nhà giáo ở Học viện PK-KQ những năm qua như thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?
Thiếu tướng Hà Văn Hảo: Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT, những năm qua, Học viện PK-KQ đã làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ phấn đấu cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng, đạo đức và lối sống, đảm bảo cho đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn tin tưởng và nhất trí cao với đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị; xây dựng mỗi giảng viên trở thành một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo để đồng nghiệp và học viên noi theo. Thông qua hoạt động của các tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng; qua các diễn đàn, các cuộc giao lưu giữa Học viện với các học viện, nhà trường khác và các đơn vị cơ sở trong Quân đội... đã góp phần bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nhà giáo và kiến thức thực tiễn cho cán bộ, giảng viên; làm cho đội ngũ giảng viên luôn tâm huyết với nghề, tận tụy với công việc, có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, 100% đội ngũ nhà giáo của Học viện có trình độ đại học, hơn 60% sau đại học (trong đó có 3 Phó Giáo sư, 31 Tiến sĩ, 314 Thạc sĩ); hơn 100 cán bộ, giảng viên đang đi thực tế chức vụ tại các đơn vị và học tập ở các nhà trường trong và ngoài quân đội.
PV: Xin đồng chí Chính ủy cho biết Học viện PK-KQ đã có những chủ trương, giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới?
Thiếu tướng Hà Văn Hảo: Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện PK-KQ lần thứ IV đã xác định: Triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có phẩm chất, năng lực toàn diện; có trình độ học vấn tương xứng bậc giảng dạy; khả năng sư phạm, kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tâm huyết với nghề, có sức khỏe và độ tuổi phù hợp. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu đó là: Trên cơ sở kiện toàn lại tổ chức biên chế của Học viện, có kế hoạch kiện toàn đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, cơ cấu hợp lý. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Quy hoạch đội ngũ nhà giáo đảm bảo tính vững chắc, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, gắn việc điều động, bổ nhiệm, lựa chọn đi đào tạo và bồi dưỡng nguồn kế cận, kế tiếp; tập trung lựa chọn, bồi dưỡng, quy hoạch, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đổi mới quy trình đào tạo giáo viên theo yêu cầu chuẩn hóa một cách toàn diện mang tính hiện đại, tạo ra bước đột phá về chất lượng. Gắn chặt giữa đào tạo chính quy, gửi đi đào tạo, đồng thời phải tự đào tạo, bồi dưỡng, biết cách tự học, cách dạy tư duy, dạy năng lực xử lý thông tin, phát huy tính độc lập, chủ động, sáng tạo; tạo điều kiện để nhà giáo phát huy tính chủ động và hợp tác với người khác trong lao động và thực hành sư phạm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình đào tạo. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng phục vụ công tác giáo dục - đào tạo và ứng dụng trong thực tiễn. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học như hệ thống giảng đường, thao trường huấn luyện tổng hợp; nâng cấp các phòng học chuyên dùng, đầu tư các thiết bị hỗ trợ phục vụ giảng dạy. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần bảo đảm cho đội ngũ nhà giáo; được hưởng chế độ đãi ngộ thỏa đáng, về chính sách hậu phương quân đội để tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với Học viện.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy !
SÁNG TRƯƠNG (thực hiện)