15 giờ:57 phút Thứ hai, ngày 18 tháng 9 , 2023

Khắc phục ngay tình trạng “Trên nóng, dưới lạnh”

Bài 1: Thực trạng và nguyên nhân của tình trạng “Trên nóng, dưới lạnh”

Trong thời gian gần đây, “Trên nóng, dưới lạnh” là cụm từ thường được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng khi chỉ ra và khái quát rất đúng, rất trúng một “căn bệnh” khá phổ biến trong hệ thống chính trị nói chung. Đây là cụm từ chỉ rõ sự cố gắng nỗ lực của lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan cấp trên khi muốn đưa ra các biện pháp, cách thức nhằm giải quyết dứt điểm một vấn đề “nóng” nào đó đang xảy ra trong thực tiễn. Trong khi đó lãnh đạo, cơ quan cấp trung gian và cấp dưới quán triệt không đầy đủ, triển khai, thực hiện thiếu quyết liệt, hiệu quả thấp; thậm chí không những không truyền tải hết tinh thần của lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan cấp trên mà còn thờ ơ, sợ trách nhiệm. Rốt cuộc không giải quyết được vấn đề và cái “nóng” vẫn tồn tại.

Vấn đề “nóng” được bắt nguồn từ những bức xúc, những vấn đề khẩn thiết, quan trọng, nảy sinh trong hoạt động thực tiễn, tác động tiêu cực đến tâm lý tư tưởng của các thành viên và chất lượng hoạt động của tổ chức đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan cấp trên phải nghiên cứu tìm ra các chủ trương, biện pháp nhằm ngăn chặn, giải quyết kịp thời các vấn đề “nóng” nảy sinh. Đồng thời mong muốn thông qua các văn bản chỉ đạo, các hướng dẫn tiến hành để truyền tải những nỗ lực quyết tâm của cơ quan lãnh đạo cấp trên, yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan cấp dưới nhanh chóng vào cuộc, triển khai ngay các biện pháp cụ thể, quyết liệt… giải quyết dứt điểm vấn đề “nóng” nảy sinh. Tuy nhiên, ý chí và tinh thần của người lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan cấp trên vì một lý do nào đó đã không đến được cấp dưới, không được biến thành hành động cụ thể làm cho vấn “nóng” ngày càng “lạnh” đi. Độ “lạnh” cũng tăng dần theo phân cấp để rồi cấp dưới cùng “lạnh” như băng - dường như không có vấn đề gì xảy ra. Như vậy, đương nhiên mọi ý tưởng, chủ trương, biện pháp, cách thức lãnh đạo chỉ huy cấp trên muốn triển khai đều không thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Những vấn đề “nóng” vẫn hiển nhiên tồn tại.

Để khắc phục tình trạng “Trên nóng, dưới lạnh”, những năm qua, Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh và các cơ quan Quân chủng đã có nhiều chủ trương, biện pháp hiệu quả. Tuy nhiên, căn bệnh “Trên nóng, dưới lạnh” có lúc, có thời điểm vẫn chưa được “điều trị” dứt điểm. Hãy lấy công tác quản lý kỷ luật, xây dựng chính quy trong Quân chủng thời gian vừa qua làm ví dụ. Trước tình hình toàn quân đã để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng kể từ đầu năm, các cấp các ngành đã liên tục có những văn bản chỉ đạo với những nhóm giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng này như Chỉ thị số 11/CT-TM ngày 12-4-2023 của Bộ Tổng Tham mưu mà Quân chủng đã cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 2024/CT-TM ngày 24-4-2023 của Tư lệnh Quân chủng. Cục Chính trị có Hướng dẫn số 552/HD-CT ngày 12-5-2023 để thực hiện các chỉ thị trên. Các vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong toàn quân vẫn tiếp tục xảy ra (trong đó có cả các vụ việc của Quân Chủng PK-KQ). Đến ngày 14-7-2023, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục có Công văn số 2016/TM-QH về rút kinh nghiệm các vụ việc nghiêm trọng đầu Quý III năm 2023, Bộ Tham mưu Quân chủng có Công văn số 3406/TM-QH ngày 18-7-2023 hướng dẫn thực hiện với các hình thức tổ chức, biện pháp tiến hành hội nghị rút kinh nghiệm ở các cấp rất chi tiết. Lãnh đạo, chỉ huy ở cấp trực thuộc cũng đã triển khai các văn bản của trên đến các đơn vị thuộc quyền. Những tưởng như vậy là công tác chỉ đạo đã đủ cho một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quân như trong công văn chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu. Nhưng thực tế qua kiểm tra hầu hết các đơn vị chưa tổ chức triển khai theo đúng văn bản của trên, cũng chưa có dấu hiệu của việc cấp trên đi kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới. Thậm chí, có những đơn vị chưa biết đến những công văn này. Có thể nói đây là điển hình của “Trên nóng, dưới lạnh”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “Trên nóng, dưới lạnh”, song cơ bản tập trung vào 4 nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy cơ quan các cấp chưa tỉ mỉ, sâu sát, ban hành văn bản hướng dẫn xong cũng không kiểm tra xem cơ quan, đơn vị cấp dưới triển khai ra sao, có nghiêm túc không? Có vướng mắc khó khăn gì không để kịp thời có biện pháp giúp đỡ?

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị cấp trung gian triển khai cứng nhắc những văn bản chỉ đạo của trên, thiếu khoa học trong chỉ ra các chủ trương biện pháp cụ thể, thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện. Chưa cụ thể hóa chỉ đạo của trên vào đặc điểm của đơn vị mình. Chưa giao trách nhiệm cho cơ quan, cá nhân nào trực tiếp triển khai. Thiếu đôn đốc kiểm tra xem hiệu quả của các chủ trương biện pháp như thế nào, mức độ chuyển biến ra sao?

Thứ ba, do cấp thực hiện không nghiên cứu kỹ văn bản, không chỉ ra được vấn đề “nóng” đó ở cơ quan đơn vị mình có hay không? Nguyên nhân do đâu? phương pháp triển khai hợp lý chưa? hay khi gặp những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhưng không dám thắc mắc, xin ý kiến cấp trên, hoặc có thể coi nhẹ vấn đề “nóng”… dẫn đến không triển khai thực hiện hoặc thực hiện hình thức qua loa, thiếu sâu sát cụ thể, chi tiết.

Thứ tư, kinh nghiệm trong công tác quản lý của một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy còn hạn chế, nặng về hành chính, mệnh lệnh, thiếu tính thuyết phục trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Quá tự tin vào việc “nóng” đó sẽ không xảy ra ở đơn vị, cơ quan mình mà chưa lấy đó là bài học kinh nghiệm, đề ra biện pháp “đi trước, đón đầu” phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả nên để lặp lại ở chính cơ quan, đơn vị mình.  

Thứ năm, một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kỹ năng làm việc; chưa năng động, linh hoạt, trì trệ trong tư duy, hành động theo lối mòn, phương pháp còn máy móc (Đọc nguyên văn bản của trên…). Do đó, vấn đề cần giải quyết vẫn dậm chân tại chỗ, mọi cố gắng nỗ lực của lãnh đạo, chỉ huy cơ quan cấp trên tựa hồ như viên đá ném xuống ao bèo. Đó cũng chính là lý do các vụ việc nghiêm trọng không được rút kinh nghiệm kịp thời, có nhiều vụ việc xảy ra giống như các vụ đã từng xảy ra trước đó ở đơn vị bạn.

Có thể nói “Trên nóng, dưới lạnh”  là một thực trạng rất đáng báo động, có thể xuất hiện ở mọi lĩnh vực, mọi thiết chế, mọi tổ chức. Để bảo đảm “Trên dưới đều nóng” mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan các cấp cần nghiêm túc nhìn nhận các nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Để mỗi một quan điểm chỉ đạo của cấp ủy, một mệnh lệnh của người chỉ huy đều đến được từng cán bộ, chiến sĩ, để toàn đơn vị thực sự là một khối thống nhất về ý chí và hành động. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Nếu tiền hô, hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt thì mọi việc dù khó đến đâu chúng ta cũng giải quyết được”.

>>> Bài cuối: Cần những giải pháp căn cơ, hiệu quả

Đại tá NGÔ QUỐC CHUNG - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website