21 giờ:50 phút Thứ tư, ngày 11 tháng 10 , 2023

Lắng đọng cùng “Thức tỉnh”

Là một trong những tiết mục đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Quân chủng PK-KQ lần thứ VII, năm 2023, vở kịch ngắn “Thức tỉnh” của Đội Nghệ thuật quần chúng Sư đoàn 375 đã thuyết phục được Ban Giám khảo và chiếm trọn tình cảm của khán giả.

Lắng đọng cùng “Thức tỉnh”
Một phân cảnh trong vở kịch ngắn “Thức tỉnh” của Đội Nghệ thuật quần chúng Sư đoàn 375
tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Quân chủng lần thứ VII, năm 2023.

Trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Quân chủng PK-KQ lần thứ VII, thể loại kịch ngắn được xem là nét độc đáo, đặc sắc tạo nên tính đa dạng, phong phú về hình thức và thể loại; đồng thời, các vở kịch đều chứa đựng những thông điệp, phản ánh thực tiễn quá trình công tác, học tập, rèn luyện, các vấn đề nóng hổi trong toàn quân nói chung và trong Quân chủng PK-KQ nói riêng. Chẳng hạn như công tác tư tưởng, những dao động trước tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đến cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ sĩ quan trẻ.

Với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý bảo vệ vững chắc vùng trời Miền Trung của Tổ quốc, Sư đoàn 375 có nhiều đơn vị, đài, trạm nhỏ, lẻ, đóng quân phân tán, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt còn khó khăn, thiếu thốn… Trăn trở trước thực trạng đó, Đại tá Hoàng Phi Trường - Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 375 đã xây dựng vở kịch ngắn “Thức tỉnh” với mong muốn chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn, vất vả của Bộ đội PK-KQ, trong đó có cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 375 đã và đang trải qua”.

Vở kịch được lấy tình huống từ bến sông Cẩm Thanh. Nơi mà người cha mỗi lần đến đó là lòng cứ trào dâng bao cảm xúc, bồi hồi, nhớ lại những năm tháng oanh liệt… Ngày xưa, ông đã cùng đồng đội chiến đấu gìn giữ từng tấc đất trong khu rừng dừa ở bến sông. Bây giờ các khu du lịch cứ thế mọc lên, làm cho khu rừng dừa không còn giữ cái đẹp hoang sơ của nó. Cũng tại bến sông này, con của ông là Hùng - một sĩ quan trẻ mới tốt nghiệp ra trường được 2 năm. Hai cha con đã có cuộc tranh luận “nảy lửa” với nhau; tạo nên tâm điểm của vở kịch, khi người con muốn dựa vào mối quan hệ của cha với chỉ huy đơn vị để xin cho mình được về thành phố, được gần người yêu, cùng cô ấy làm kinh tế; thoát khỏi cảnh rừng thiêng, nước độc, khó khăn, gian khổ. Nhưng anh nhận được sự phản ứng quyết liệt của người cha. Ông nói: “… Để làm điều sai lẽ công bằng thì cha không bao giờ làm. Ai cũng có gia đình, có người thân… Nếu tất cả đều nghiêng ngả, so bì thì Quân đội này, đất nước này sẽ đi đến đâu?”, “…Thế gian đầy rẫy vi trùng, nhưng không phải ai cũng chết vì bệnh. “Sống mà lương tâm không thanh thản thì có khác gì đang nuôi bệnh trong người”…

Thấy cha không bằng lòng, đến bước đường cùng, Hùng đưa ra yêu cầu “xin ra quân” để gây áp lực với cha. Giữa lúc khán giả bị cuốn vào cao trào của cuộc đối thoại cha - con. Nút thắt tưởng chừng không còn cách gỡ thì một bà cụ cao tuổi, không còn minh mẫn, cứ tỉnh tỉnh, mơ mơ, xuất hiện. Bà là mẹ Việt Nam anh hùng. Chiều nào bà cũng cầm chiếc đèn dầu ra bến sông Cẩm Thanh để ngóng chờ con trai đi chiến trường trở về. Bà không tin con mình đã hi sinh! Chính sự hi sinh mất mát đau thương của thế hệ cha anh đi trước và hình ảnh bà mẹ vò võ ngóng chờ tin con đã làm cho chàng sĩ quan trẻ thức tỉnh. Anh tự nhủ: “Tôi không được phép quay lưng lại, trách nhiệm trước đất nước hôm nay đặt lên chính đôi vai của thế hệ chúng tôi”. Rồi anh nói với bà cụ như thể một người con: “Thưa mẹ, ngọn đèn dầu mẹ cầm giữa chiều hoàng hôn đã thắp sáng để lòng con thức tỉnh”…

Vở kịch kết thúc trong những tràng pháo tay không ngớt, cùng tâm trạng bùi ngùi, xúc động và lắng đọng nơi trái tim của hầu hết khán giả có mặt trong Hội trường. Trung úy Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng xe Thu phát, Đại đội 1, Tiểu đoàn 179, Trung đoàn 282, Sư đoàn 375 cho biết: “Khi được đóng vai người con trong vở kịch, tôi rất vui và hào hứng, bởi nó rất phù hợp với một sĩ quan trẻ mới ra trường như tôi. Mặc dù, diễn biến tâm trạng của nhân vật phức tạp, từ giọng nói, trạng thái nét mặt cần có sự biểu cảm và thay đổi liên tục; nhưng nhờ sự tập luyện chăm chỉ và được các đồng nghiệp trong đội văn nghệ góp ý từng cử chỉ, giọng nói, nét mặt nên tôi đã rất nhập tâm khi hóa thân vào nhân vật”. 

Còn nhân vật đóng vai người cha trong vở kịch là Thiếu tá QNCN Bùi Hữu Chiến - Kỹ thuật viên Trạm nguồn điện, Trạm Ra đa 29, Trung đoàn 290, Sư đoàn 375 chia sẻ: “Để có một vai diễn tốt thì phải đặt chính bản thân mình vào vai diễn đấy, khai thác nội tâm, tâm lí của những người làm cha, làm mẹ khi giáo dục, răn dạy con; đồng thời, trong quá trình diễn, từng câu thoại đều phải thể hiện tốt ngữ điệu, sắc thái; không chỉ có cảm xúc mà phải nuôi được cảm xúc đó cùng bạn diễn thì vở kịch mới chạm tới tâm tư, tình cảm, nỗi niềm và trái tim của khán giả”.

Với cách diễn xuất tự nhiên, mộc mạc, chân chất của các diễn viên không chuyên, vở kịch ngắn “Thức tỉnh” của Sư đoàn 375 đã góp phần làm sâu sắc, đa dạng thêm “món ăn tinh thần” trong Liên hoan; thể hiện tính tư tưởng, tính giáo dục cao; giúp cho cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định vững vàng, không bị dao động trước mọi khó khăn thử thách, an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: LẠI THẾ THỦY
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website