Điểm tựa của người y sĩ nơi tâm dịch
“Bố đi công tác nhớ giữ gìn sức khỏe. Con nhớ bố lắm. Mỗi lần gọi điện con thấy bố toàn đeo khẩu trang. Chắc ở đó bố bận lắm phải không ạ? Mong dịch mau qua bố sớm về với con nhé!”. Đó là những dòng tin nhắn của con gái gửi tới bố là Đại úy QNCN Đỗ Văn Hải - Y sĩ thuộc Khoa Mắt-răng hàm mặt (Viện Y học PK-KQ). Trong những ngày công tác tại Trạm Y tế lưu động ở Quận 10 (TP Hồ Chí Minh) chiếc điện thoại trở thành cầu nối để anh liên hệ với gia đình, gửi những tình cảm thương mến đến vợ, con.
Gia đình Đại úy QNCN Đỗ Văn Hải.Vợ anh là Thượng úy QNCN Phan Thanh Tú - Dược sĩ thuộc Khoa Dược, Viện Y học PK-KQ. Cùng công tác trong ngành Y lại làm việc trong Viện nên chị rất hiểu điều kiện công tác của chồng, những ca trực đêm, những chuyến công tác xa không còn lạ với chị. Trước đó, anh tham gia vào Tổ phòng, chống dịch COVID-19 tại Viện. Biết tin anh nhận lệnh vào Nam công tác, chị có chút lo lắng khi chồng đi vào tâm dịch với bao khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy. Thế nhưng, chị hiểu một điều rằng trách nhiệm của người trong ngành Y là trị bệnh cứu người. Đồng bào trong vùng dịch đang mong mỏi các y, bác sĩ cứu giúp. Chính vì thế phút lo lắng thoáng qua, chị động viên anh công tác tốt, giữ gìn sức khỏe và bảo đảm an toàn. Về phần mình, chị Tú gắng chu toàn mọi việc để anh yên tâm công tác.
Đã hơn 10 năm về chung một nhà, anh chị cùng nhau vượt qua bao khó khăn. Anh kể lại những ngày hai người còn ở Trung đoàn 927 (Sư đoàn 371). Khi ấy, anh là y sĩ của Bệnh xá Trung đoàn. Chị học ngành dược ở bên ngoài khi mới tuyển dụng vào làm nhân viên nấu ăn phục vụ trong Bệnh xá. Tuy làm không đúng chuyên môn nhưng chị vẫn luôn nhiệt tình trong công tác. Hai người lính trẻ ở cùng đơn vị, mọi tâm tư nỗi niềm có điều kiện san sẻ cho nhau. Tình đồng chí, tình bạn bè cứ thế gắn kết họ lại.
Đến mùa vải chín, anh thấy tình cảm đã thân thiết liền mời chị về thăm nhà ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Cô gái trẻ ra vườn nhiệt tình giúp gia đình thu hoạch vải. Bàn tay cô gái nhanh tay bẻ những chùm vải trĩu cành. Sự tháo vát ấy đã lọt vào đôi mắt ngắm của mẹ anh. Thế rồi thêm mấy mùa vải nữa, anh chị mới chính thức nên duyên vợ chồng. Chị chuyển chế độ QNCN rồi chuyển sang ngành Y. Vợ chồng đã có những ngày tháng gắn bó trên quê hương Lạng Giang.
Năm 2010, chị được điều động về Viện Y học PK-KQ. Sau đó một thời gian, anh cũng nhận công tác tại Viện. Anh Hải chia sẻ: “Mỗi người một nhiệm vụ lại ở khác khoa nên hằng ngày ít khi gặp nhau. Đã vậy, vì yêu cầu nhiệm vụ nên vợ chồng phải đăng ký trực lệch ca nhau để có điều kiện chăm sóc con cái”. Những bộn bề công việc, bao lo toan cuộc sống cứ thế kéo vợ chồng trẻ theo những vòng quay hối hả. Sau bao khó khăn khi phải tự lập tạo dựng cuộc sống ở Thủ đô, anh chị đã có được căn nhà nhỏ với hai con Đỗ Ngọc Khánh và Đỗ Gia Bảo đáng yêu. Bố mẹ đều là bộ đội nên hai con cũng sớm tự lập, biết chăm sóc bản thân khi bố mẹ vắng nhà.
Những ngày ở Trạm Y tế lưu động, sau ca trực trở về khu nhà nghỉ, anh Hải lại dành chút thời gian ít ỏi để thăm hỏi vợ con. Những câu chuyện thường nhật giúp nhân lên niềm vui cho các thành viên trong gia đình. Chính điều đó đã tạo động lực để anh vượt qua khó khăn, gắng hoàn thành nhiệm vụ. Gia đình trở thành điểm tựa giúp Đại úy QNCN Đỗ Văn Hải thêm vững tâm cùng đồng đội chiến thắng đại dịch.
VŨ DUY