Để giải đáp câu hỏi đó, đòi hỏi Sư đoàn phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về mọi mặt; trước hết, tập trung xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, bản lĩnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng; thứ hai, chuẩn bị về mặt lực lượng, xây dựng đào tạo, rèn luyện đội ngũ phi công có bản lĩnh, có nhận thức và am hiểu về kỹ, chiến thuật, về tác chiến trên không, đội ngũ nhân viên kỹ thuật phải có trình độ, khắc phục tốt các hỏng hóc trong mọi tình huống; thứ ba, là chuẩn bị các phương án tác chiến trong hiệp đồng quân binh chủng, đặc biệt là lực lượng Phòng không để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc quyết chiến với không quân Mỹ; thứ tư, xây dựng tinh thần đoàn kết, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; biết vượt qua mọi khó khăn, không sợ hiểm nguy đánh địch trong mọi tình huống.
Biên đội Su-30MK2 của Trung đoàn 927, Sư đoàn 371 cất cánh thực hiện nhiệm vụ.
Những tinh thần đó đã được phát huy và minh chứng bằng thực tế chiến đấu, được đánh dấu bằng chiến thắng trận đầu của Không quân, ngày 3-4-1965, biên đội Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương của Trung đoàn không quân tiêm kích đã bắn rơi 2 chiếc F-8 của địch trên vùng trời Hàm Rồng (Thanh Hóa). Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Không quân làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước, cổ vũ ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta. Ngày 3-4-1965 đi vào lịch sử và trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của Không quân nhân dân Việt Nam. Chiến thắng đó bắt nguồn từ ý chí, tinh thần đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, tinh thần vượt khó, vận dụng linh hoạt tư tưởng quân sự Việt Nam, đó là “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”… tạo nên một sức mạnh của ý chí, bản lĩnh, lòng quả cảm; làm cho địch bất ngờ về tinh thần, về phương pháp tác chiến và lòng dũng cảm của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam.
Trên cơ sở nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch; với tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương đối với lực lượng Không quân; lần lượt các Trung đoàn không quân tiêm kích 923, 927 thuộc Sư đoàn 371 được thành lập. Lực lượng được bổ sung, kinh nghiệm được tích lũy, tinh thần được tôi luyện, trình độ được nâng lên từng ngày, qua huấn luyện và qua từng trận đánh cùng với tinh thần đoàn kết hiệp đồng, mưu trí, dũng cảm là một bệ phóng giúp cho Sư đoàn 371 luôn chiến đấu dũng cảm, góp phần quan trọng vào đánh trả các cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972, Sư đoàn đã xuất kích 24 lần chuyến, tiêu diệt 7 máy bay Mỹ, trong đó có 2 siêu pháo đài bay B-52; 8 lần phá vỡ đội hình tiến công của không quân địch, tạo điều kiện cho lực lượng Phòng không tiêu diệt B-52.
Tinh thần đoàn kết hiệp đồng, mưu trí, dũng cảm, tiến công kiên quyết, đánh địch trong mọi tình huống là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt của Bộ đội Không quân, dù trong hoàn cảnh và điều kiền khó khăn như thế nào cũng kiên trì, quyết tâm bằng mọi biện pháp để làm chủ tình hình và giành chiến thắng; tinh thần ấy một lần nữa được khẳng định trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, để chi viện cho các cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã được lệnh tiếp nhận máy bay chiến lợi phẩm thu được của địch để chuyển loại và tham gia chiến đấu. Chỉ sau 6 ngày tổ chức huấn luyện chuyển loại khẩn trương, chiều ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết thắng của Sư đoàn đã sử dụng máy bay A-37 vừa thu được của địch cất cánh, ném bom vào Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay và nhiều loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật của địch, góp phần chi viện đắc lực cho các cánh quân chủ lực, đẩy nhanh sự hoảng loạn, tan rã và sụp đổ của chính quyền Ngụy - Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành của Sư đoàn 371; lớp lớp thế hệ phi công, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 371 với tinh thần “ham bay, say học”, không ngừng đúc rút kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu, làm nên những chiến thắng vẻ vang cho lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam; với thành tích bắn rơi 320 máy bay, gồm 19 kiểu loại, trong đó có 2 pháo đài bay B-52; góp phần xây dựng nên hình tượng người chiến sĩ Không quân với truyền thống “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”.
Phi công Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 hoàn thành nhiệm vụ sau ban bay huấn luyện.
Ngày nay, trước đòi hỏi của yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi đất nước chưa nguy, Sư đoàn 371 được xác định xây dựng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, Đảng ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ trong toàn Sư đoàn luôn nhận thức sâu sắc cần phải kế thừa và phát huy truyền thống anh dũng, mưu trí, sáng tạo, tiến công kiên quyết, đánh thắng địch trong mọi tình huống, trưởng thành vững mạnh; đồng thời, xác định tập trung thực hiện những nội dung sau:
Cùng với việc được đầu tư mua sắm nhiều loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại, Sư đoàn xác định tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vì, để khai thác, sử dụng, làm chủ và phát huy có hiệu quả tính năng, tác dụng của các loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại được biên chế, Sư đoàn phải xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn cao, năng lực lãnh đạo và tổ chức chỉ huy giỏi, tính kỷ luật, kỷ cương nghiêm túc và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, Sư đoàn đã tập trung xây dựng và phát huy nhân tố chính trị tinh thần trong cán bộ, chiến sĩ; giáo dục nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, có tư duy lý luận, thế giới quan, phương pháp luận khoa học; luôn quán triệt và chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, kỷ luật Quân đội, đặc biệt là đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam, từ đó làm nền tảng xây dựng nên cốt cách, tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, không sợ hiểm nguy, đủ bản lĩnh “đề kháng” trước mọi cám dỗ, chống phá của các thế lực thù địch, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong môi trường tác chiến khắc nghiệt về không gian, thời gian, vũ khí công nghệ cao như hiện nay.
Đồng thời, Sư đoàn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng; kết hợp tự đào tạo với cử đi đào tạo tại các nhà trường trong và ngoài Quân đội, đào tạo trong nước với gửi đi đào tạo ở nước ngoài để trang bị cho phi công có trình độ kiến thức toàn diện đủ khả năng khai thác sử dụng và làm chủ những vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại… Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhạy bén, sáng tạo, có trình độ chuyên môn tốt, chỉ huy tập trung, kiên quyết, liên tục, vững chắc, phân cấp rõ ràng; có tư duy phân tích tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết và khả năng chiến đấu của đơn vị; chuẩn bị thế trận, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng hợp lý; có khả năng phán đoán và dự báo tình hình để chỉ huy cơ động, điều chỉnh lực lượng kịp thời cho các hướng, các nhiệm vụ chủ yếu, thời điểm quyết định.
Bên cạnh đó, Sư đoàn tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện; triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; trong đó trọng tâm là xây dựng đội ngũ phi công, thợ máy và các lực lượng bảo đảm có chất lượng cao. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện; bám sát phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc - An toàn - Tiết kiệm”. Coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu với các hình thức chiến thuật và phương pháp hoạt động tác chiến không quân; tập trung huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy bay, ứng dụng chiến đấu, kỹ thuật lái, dẫn đường. Tiếp tục huấn luyện chuyển loại làm chủ trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Nâng cao chất lượng các đợt hội thao, hội thi, diễn tập, bắn, ném bom đạn thật…
Mặt khác, Sư đoàn tập trung bảo đảm tốt cơ sở, vật chất, máy bay, phương tiện, vũ khí, khí tài cho công tác huấn luyện; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần bộ đội; hậu phương gia đình của quân nhân; đặc biệt đối với phi công (tổ bay) và các thành phần bảo đảm kỹ thuật hàng không, kỹ thuật hậu cần, thông tin ra đa. Chú trọng rèn luyện sức khỏe bộ đội, nhất là đội ngũ phi công, đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết, không gian, thời gian, cường độ chiến đấu, cả trong huấn luyện thời bình và trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Ngoài ra, Sư đoàn xây dựng kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tham gia tác chiến; thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình, lực lượng và nhiệm vụ để điều chỉnh phương án chiến đấu phù hợp. Trong quá trình tác chiến khi có sự thay đổi về hiệp đồng phải kịp thời điều chỉnh phương án, kế hoạch hiệp đồng đã chuẩn bị.
Kế thừa và phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, trên cơ sở vận dụng sáng tạo, linh hoạt những nội dung, biện pháp trên; cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 371 ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá LÊ CHUNG NAM - Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371