Học viện Phòng không - Không quân tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quân sự và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học”
Ngày 16-7, Học viện Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quân sự và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học ở Học viện PK-KQ hiện nay. Dự Hội thảo có các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện; đại biểu Phòng Khoa học quân sự, Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ; đại biểu các cơ quan, khoa, đơn vị, các đồng chí Trưởng ban, Chủ nhiệm bộ môn và các nhà khoa học trong Học viện PK-KQ.

Đại tá Lê Công Thành - Phó Giám đốc Học viện PK-KQ phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tại hội thảo, các tham luận đều thống nhất khẳng định, trí tuệ nhân tạo đang mở ra cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới trong công tác huấn luyện, đào tạo của Quân đội, đòi hỏi Học viện phải đổi mới toàn diện, từ chương trình, phương pháp, đến phương thức tổ chức đào tạo, gắn nghiên cứu khoa học với ứng dụng thực tiễn. Đồng thời đề xuất những giải pháp mang tính tổng quát, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả việc vận dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác giáo dục, đào tạo của các học viện, nhà trường trong Quân chủng PK-KQ nói chung và Học viện PK-KQ nói riêng, nhất là việc nghiên cứu đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy; xác định khối lượng kiến thức cơ bản; những kiến thức, kỹ năng cần thiết cần trang bị cho người học, nhằm từng bước làm chủ về công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, có khả năng thích ứng nhanh với môi trường tương tác mạng, tác chiến hiện đại, sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử mạnh…

Đại tá Nguyễn Phúc Hải - Giám đốc Học viện PK-KQ phát biểu tại Hội thảo.

Thủ trưởng Ban Giám đốc Học viện PK-KQ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội thảo.
Tổng luận hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được gần 70 bài viết của thủ trưởng Ban Giám đốc Học viện, các nhà khoa học và cán bộ, giảng viên của các cơ quan, khoa, đơn vị, trong đó có 10 bài tham luận trực tiếp tại Hội thảo. Nội dung tham luận đã tập trung phân tích, luận giải, đánh giá tiềm năng, cơ hội và những thách thức trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực quân sự; thảo luận các vấn đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể mang lại trong quá trình phân tích đánh giá tình hình, cảnh báo sớm các mối đe dọa, tối ưu hóa các quá trình chỉ huy, điều khiển, dẫn đường, cũng như những rủi ro tiềm ẩn về độ tin cậy, phi đạo đức, cảnh báo nhầm, tiến công nhầm, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng…
Thông qua Hội thảo nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên về tầm quan trọng của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo; nhận thức đúng đắn về tiềm năng, cơ hội và những thách thức trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực quân sự; tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học và nghiên cứu khoa học; xây dựng cho người học các kỹ năng về khai thác và sử dụng hiệu quả các hệ thống được hỗ trợ trí tuệ nhân tạo AI. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình, tài liệu phục vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng chính quy, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, nhất là khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống phòng thí nghiệm, sở chỉ huy tự động hóa, các phòng học chuyên dụng vào giảng dạy cho các đối tượng; kịp thời bổ sung vào chương trình hành động của cấp mình những bài học hay về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, góp phần xây dựng Học viện PK-KQ “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”.
Tin, ảnh: MINH QUÂN