16 giờ:36 phút Thứ năm, ngày 27 tháng 7 , 2017

NHỮNG NGƯỜI CON BẤT TỬ

Kỳ 2: Vượt lên nỗi đau

Khi người lính ngã xuống, bên cạnh nỗi đau để lại không gì có thể bù đắp được, những người thân còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, đến với gia đình chị Nguyễn Thị Hải, vợ của liệt sĩ, Anh hùng LLVTND, Thượng tá Nguyễn Văn Vinh; chị Nguyễn Thị Thanh Loan, vợ của liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Thượng úy Đặng Hồng Vinh và chị Vũ Thị Bích Ngọc, vợ của liệt sĩ Trung tá CN Đặng Thành Chung cùng nhiều gia đình liệt sĩ khác nữa, tôi lại thấy được sức sống mãnh liệt của những người ở lại. Với họ, sống không chỉ là cuộc mưu sinh mà điều quan trọng hơn là sống để thực hiện tiếp tâm nguyện của người đã ngã xuống.

Kỳ 2: Vượt lên nỗi đau
 Gia đình chị Nguyễn Thị Hải, vợ của liệt sĩ, AHLLVTND, Thượng tá Nguyễn văn Vinh.

Không thể gục ngã

Tôi tìm đến căn nhà số 208, đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội gặp chị Nguyễn Thị Hải - Nhân viên Phòng Đối ngoại Quân chủng, vợ của liệt sĩ, Anh hùng LLVTND, Thượng tá, phi công Nguyễn Văn Vinh vào buổi chiều muộn trung tuần tháng 7. Dẫu đã chuẩn bị trước về tâm lý, song tôi vẫn không khỏi xúc động khi trò chuyện với chị và các con của chị trong không gian ngập tràn những ký ức, kỷ vật về người anh, người đồng đội của mình.

Chị bảo, có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau vĩnh viễn mất đi người thân yêu của mình hả em? Câu hỏi của chị làm tôi rơi vào khoảng lặng và trái tim như thắt lại. Rồi chị tiếp tục câu chuyện mặc cho nước mắt lăn dài: “Ngày nhận tin anh hi sinh, chị tưởng mình không thể nào gượng dậy để bước tiếp nữa. Nhưng khi bình tâm lại, nhìn 2 đứa con còn non nớt, dại khờ đang kiếm tìm sự chở che, cùng sự yêu thương, đùm bọc của đồng đội và nhân dân... chị nhận thấy phải đi tiếp vì các con và cũng là vì những mong muốn dang dở của anh. Thế là chị vừa làm cha, vừa làm mẹ của các con. Dẫu bao năm tháng qua, nỗi nhớ anh làm chị nhiều đêm  bật khóc một mình”.

Giống như chị Hải, chị Nguyễn Thị Bích Loan - Nhân viên Văn phòng Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, vợ của liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Thượng úy Đặng Hồng Vinh vẫn nhớ như in khoảnh khắc ngày nhận tin anh hi sinh. Lúc ấy, với chị cả bầu trời như sụp đổ. Chị chỉ biết ôm 2 đứa con gái vào lòng khóc trong tuyệt vọng. Các con của chị còn ngây thơ quá. Bé Đặng Nguyễn Huy Anh mới được 4 tuổi và Đặng Nguyễn Phương Anh mới được mấy tháng tuổi. Dù chưa cảm nhận nỗi đau mất cha, nhưng khi thấy mẹ khóc, chúng cũng òa lên nức nở. Những tiếng khóc xé lòng cùng ánh mắt kiếm tìm điểm tựa của các con và sự sẻ chia của đồng đội cũng đủ để thức tỉnh chị phải đứng dậy, phải sống, bởi lẽ, các con là nguồn sống, là những gì quý giá nhất anh còn để lại cho chị trên đời này. Và từ đó đến nay, trên đôi vai của chị vừa gánh vai trò của người đàn ông trụ cột, vừa là người mẹ của các con chị.

 Sức sống mãnh liệt

Trung úy CN Nguyễn Thị Vân Anh - Nhân viên Ban Tài chính, Cục Hậu cần Quân chủng, con gái của liệt sĩ, Anh hùng LLVTND, Thượng tá, phi công Nguyễn Văn Vinh chưa bao giờ ngơi những kí ức về bố. Khi đặt câu hỏi, vì sao Vân Anh lại chọn con đường quân ngũ thì Vân Anh lại nhường câu trả lời cho người em của mình là Nguyễn Đình Hưng. Mới 16 tuổi nhưng Hưng khá chững chạc. Em bảo, ước mơ của em là được trở thành phi công như bố. Bởi em mong, ở một nơi rất xa nào đó, bố em nhìn thấy sự nối tiếp và lẽ sống của bố chưa khi nào dừng lại. Nói xong, 3 mẹ con chị Hải ôm nhau khóc và mắt tôi cũng nhòa đi.

“Mỗi gia đình chiến sĩ là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng niềm đau và nỗi mất mát là đồng nhất”. Chị Vũ Thị Bích Ngọc - Nhân viên thống kê Phòng Xe-Máy (Cục Kỹ thuật), vợ của liệt sĩ Trung tá CN Đặng Thành Chung, cho tôi biết trước khi nói về các con. Chị chia sẻ, anh Chung hi sinh để lại chị cùng 2 con gái và bao dự định mới bắt đầu. Vật chất thì không nói, nhưng mẹ con chị mất đi chỗ dựa tinh thần lớn nhất nên lúc nào chị cũng thấy chênh vênh. Nhưng rồi tĩnh tâm lại, chị tự thấy mình cần mạnh mẽ lên, bởi không ai khác, chị phải là người biến những mơ ước của anh thành hiện thực. Đó là nuôi dạy các con khôn lớn, nên người.

Tôi ngồi bên Đặng Tú Nhi, con gái thứ 2 của anh chị vừa tham gia khóa học kỳ quân đội tại Quân khu 3 về. Khi nói về bố, Tú Nhi nhìn sâu vào bức ảnh của bố treo trang trọng trong phòng khách mà rằng, trong lòng cháu và chị gái Đặng Ngọc Tú, bố vẫn hiện hữu trong ngôi nhà, trên từng trang sách và mỗi bước chúng cháu đi.

Tôi nhìn sang Đặng Ngọc Tú. Lau nước mắt, Tú nói từng lời: “Bố cháu đã cho chúng cháu lẽ sống, dẫu cuộc sống ấy đầy ắp khó khăn trong nước mắt của mẹ mà dù bao năm qua đi nó vẫn chưa ngừng chảy. Ấy là, đã làm người lính phải biết sống, hi sinh”.

>>>Kỳ cuối: Lời thề tiếp nối

             Bài, ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH

 

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website