16 giờ:13 phút Chủ nhật, ngày 22 tháng 10 , 2017

Viết tiếp ước mơ chinh phục bầu trời

Chúng tôi có mặt tại Trung đoàn 910 (Trường Sĩ quan Không quân) vào buổi sáng mùa Thu, khi màn đêm vẫn còn dầy đặc. Mới hơn 4 giờ sáng, nhưng mọi công tác chuẩn bị máy bay cho ban bay trong ngày đang được những người lính thợ kỹ thuật khẩn trương thực hiện.

Đúng 5 giờ, các thành phần được lệnh tập trung để nghe Trung đoàn trưởng quán triệt nhiệm vụ và hạ quyết tâm bay. Sau đó, chỉ huy bay của 2 lực lượng L-39 và trực thăng Mi-8 tiếp tục giao nhiệm vụ ban bay trong ngày. Do điều kiện thời tiết tốt nên đồng chí Trung đoàn trưởng quyết định bay huấn luyện ngay mà không cần phải bay trinh sát khí tượng.
Viết tiếp giấc mơ chinh phục bầu trời
Các học viên Trường Sĩ quan Không quân
ôn tập bài bay trước khi thực hành trên máy bay.

5 giờ 30 phút, sau khi đã được giao nhiệm vụ, các phi công tiến hành tiếp thu máy bay. Chiếc máy bay L-39 số hiệu 8726 do Thượng sĩ Trần Văn Thống - Học viên và Đại úy Bùi Trường Minh - Giảng viên được lệnh mở máy và cất cánh thực hiện bài bay vòng kín hẹp. Tiếp theo, các máy bay L-39 cũng được lệnh mở máy lên đường băng cất cánh đợt 1 của ban bay trong ngày. Tiếng máy bay nổ giòn giã, hòa cùng tiếng của chỉ huy bay phát ra từ máy đối không làm cho không khí ban bay nhộn nhịp hẳn lên. Phía bên kia nhà ga, chiếc trực thăng Mi-8 số hiệu 7831 cũng bắt đầu khởi động, sau đó nhẹ nhàng cất cánh bay ra phía biển.

Được biết, để trở thành phi công, bên cạnh tiêu chuẩn về trình độ học vấn, chính trị, thể lực, đòi hỏi người học viên còn phải có bản lĩnh vững vàng, linh hoạt, phản xạ nhanh và mỗi động tác phải thật khéo léo, chính xác. Thượng sĩ Trần Văn Thống, chia sẻ: “Sau khi trúng tuyển vào phi công và học những kiến thức cơ bản tại Trường Sĩ quan Không quân 2 năm, tôi thực hành bay 1 năm trên loại máy bay IaK-52 và bây giờ chuyển sang bay L-39 để tốt nghiệp. Lúc đầu tôi cũng cảm thấy hơi lo bởi vì thấy loại máy bay này có tốc độ bay nhanh hơn IaK-52, nhưng khi đã làm quen với buồng lái và được thầy động viên, truyền đạt hướng dẫn tỉ mỉ, tôi đã có thể tự tin để thực hiện các động tác theo hướng dẫn của thầy và của chỉ huy bay”.

Thượng tá Dương Xuân Thắng - Phó Trung đoàn trưởng Quân huấn, cho biết: “Để được bay trên không, trước đó mỗi học viên phải trải qua quá trình kiểm tra khai thác sử dụng các thiết bị trên máy bay, lý thuyết các bài bay, kỹ thuật dẫn đường, thông tin và tập luyện xử lý các tình huống bất trắc trên không. Đó là chưa kể hàng ngày, học viên phải tập luyện buồng lái ở mặt đất, trước khi bay tập cất, hạ cánh trên sa bàn. Bởi vì, đối với phi công, ngoài kỹ thuật lái, xử lý bất trắc thì kỹ thuật hạ cánh rất quan trọng, nhất là khi có gió cạnh. Nếu phi công không nắm chắc yếu lĩnh động tác, không xử lý tình huống tốt, tâm lý không vững vàng, chỉ cần một thao tác thô, cứng là máy bay có thể nhảy cóc hoặc chệch hướng khỏi đường băng…”.

Sau gần 30 phút bay, chiếc trực thăng Mi-8 từ từ hạ thấp độ cao và nhẹ nhàng hạ cánh vào vòng tròn kẻ sơn trên bãi đỗ. Bước ra từ buồng lái, Thượng sĩ Chu Minh Kiêu không giấu được niềm vui và xúc động khi được người thầy ôm chặt vào lòng. Đó chính là niềm vui khi chuyến bay thả đơn bài 6, 7 treo, xê dịch và bay vòng kín của anh đã thành công. Chuyến bay thành công của Kiêu cũng mang đến cho Đại úy Nguyễn Duy Hiển - Phó Phi đội trưởng Phi đội 3 niềm vui khó tả khi thời gian qua anh đã dày công kèm cặp, hướng dẫn và dìu dắt Kiêu.

Mặt trời đã đứng bóng, trên đường băng, những con “chim sắt” của Trung đoàn 910 vẫn đều đặn lên xuống nhịp nhàng. Chia tay các anh, trong lòng tôi rộn lên niềm cảm phục. Những chuyến bay đầu tiên trên loại máy bay mới luôn là thử thách khó khăn, tuy nhiên khi đã vượt qua được thì nó càng tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho các học viên tiếp tục vươn cao sải cánh, viết tiếp ước mơ chinh phục bầu trời.

Bài, ảnh: MAI VĂN ĐÔNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website