Những người thầy “2 trong 1”
Trung tâm Huấn luyện thực hành, Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ) có nhiệm vụ bảo đảm phương tiện, kỹ thuật và hướng dẫn cho học viên vận hành, sửa chữa các trang thiết bị hàng không... Vì thế, cán bộ, QNCN ở đây không những là người thợ kỹ thuật giỏi mà còn là những trợ giáo tích cực, giúp cho học viên gắn kết giữa lý thuyết và thực hành.
Thực hành sửa chữa động cơ máy bay L-39
tại Trung tâm huấn luyện thực hành (Trường Sĩ quan Không quân).Chúng tôi đến Trung tâm Huấn luyện thực hành khi cán bộ, nhân viên ở đây đang làm công tác chuẩn bị huấn luyện tuần. Dẫn chúng tôi xuống tham quan các phân đội kỹ thuật, Thượng tá Hoàng Trọng Trung - Phó chỉ huy trưởng Trung tâm, giới thiệu: “Đơn vị chúng tôi vừa bảo đảm kỹ thuật hàng không vừa hướng dẫn thực hành cho nhiều đối tượng học viên, vì thế mỗi kỹ thuật viên ở đây vừa là thợ sửa chữa khí tài vừa là thầy làm nhiệm vụ hướng dẫn cho học viên”.
Trung tâm có 5 loại máy bay phục vụ cho các học viên học tập, bao gồm: Trực thăng Mi-8, máy bay cánh quạt Yak-52, các máy bay phản lực L-39, MiG-21, Su-22. Tại đây, một số trợ giáo đang hướng dẫn cho các học viên Lào, Cam-pu-chia về nguyên lý vận hành động cơ trực thăng Mi-8, số khác lại đang khắc phục sự cố động cơ của chiếc máy bay L-39. Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt lấm lem dầu mỡ, Thượng tá CN Nguyễn Sỹ Bắc - Kỹ thuật viên Vô tuyến điện tử, chia sẻ: “Với chúng tôi, mỗi một lần khí tài bị hỏng hóc, sự cố là một lần học tập, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành. Bên cạnh học tập nâng cao trình độ chuyên môn thì việc rèn luyện kỹ năng sư phạm và ngoại ngữ với chúng tôi là hết sức cần thiết…”.
Trung tá CN Đặng Ngọc Hoài - Phân đội trưởng Phân đội Kỹ thuật Hàng không 2, cho biết: Yêu cầu đối với những kỹ thuật viên, hướng dẫn viên ở Trung tâm rất cao. Họ phải được đào tạo từ trình độ cao đẳng trở lên và đã qua thực tế ở các đơn vị không quân và được bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm…Vì thế, để có những hướng dẫn viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hằng năm Trung tâm tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng các chuyên ngành: máy bay động cơ, thiết bị hàng không, vô tuyến điện tử, vũ khí hàng không… Sau đó, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, nâng cao khả năng truyền thụ, hướng dẫn cho học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm đề nghị trên điều động những kỹ thuật viên có tay nghề cao, có bề dày kinh nghiệm ở các đơn vị chiến đấu về bổ sung cho các phân đội. Phân công, bố trí nhân viên phù hợp với từng chuyên ngành, từng đối tượng. Mặt khác, Trung tâm chủ động đề nghị Nhà trường gửi cán bộ, nhân viên về các đơn vị không quân chiến đấu để đào tạo thêm các chuyên ngành trên máy bay Su-22, Su-27, Su-30. Với các phân đội thì cụ thể hóa trong các nội dung tự học của từng quân nhân; tập trung chuyên sâu trên các chuyên ngành, ngoại ngữ, khả năng thuyết trình… trong từng tuần, từng tháng.
Nhờ chủ động trong việc tự đào tạo, nên những năm qua, Trung tâm luôn có trên 85% “hướng dẫn viên” có trình độ tay nghề cao đủ khả năng sửa chữa các thiết bị chuyên ngành hàng không, đồng thời có khả năng thực hiện các khoa mục, các bài mà giáo viên yêu cầu để hướng dẫn thực hành cho học viên. Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm đã sửa chữa 100% các loại thiết bị trước khi đưa vào huấn luyện; tăng hạn 10 động cơ máy bay các loại; tiếp nhận, sửa chữa, phục hồi, lắp ráp 1 máy bay Su-22 đưa vào huấn luyện mặt đất; tham gia Hội thi cán bộ kỹ thuật giỏi cấp Trường đạt giải nhì toàn đoàn, 2 giải nhất và 1 giải ba cá nhân. Đồng thời, các “hướng dẫn viên” tham gia hướng dẫn huấn luyện thực hành trên 3.800 tiết cho 20 lớp với trên 200 học viên là phi công, kỹ thuật viên cao đẳng, trung, sơ cấp của Việt Nam và nước bạn Lào, Cam-pu-chia, bảo đảm đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu của Nhà trường.
Thường xuyên chủ động nâng cao trình độ của chính mình là khẩu hiệu hành động của cán bộ, QNCN Trung tâm Huấn luyện thực hành. Họ vừa là người thợ, vừa là người thầy chắp cánh cho các học viên Trường SQKQ, xứng đáng với tên gọi trìu mến “Những người thầy 2 trong 1”.
Bài, ảnh: HỮU LỆ