Chưa thể bỏ ngay chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu
Ngày 30-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112 về việc phê duyệt đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý công dân thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an. Ngay sau khi ban hành, nhiều nội dung trong Nghị quyết 112 liên quan đến việc thay đổi hình thức quản lý bằng hộ khẩu giấy và các giấy tờ cá nhân đã được dư luận và người dân quan tâm.
Sổ hộ khẩu và chứng minh thư vẫn còn nguyên giá trị sử dụngSau khi Nghị quyết 112 được ban hành, nhiều người cho rằng, những loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu và một số giấy tờ cá nhân khác sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên, theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân là chưa chính xác. Sổ hộ khẩu, giấy tạm trú, tạm vắng và chứng minh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay.
Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết thêm: Ngày 30-10-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, tại Điều 2 quy định: “Giao Bộ Công an căn cứ nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Như vậy, việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi dự án được hoàn thành, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình triển khai thực hiện việc cắt bỏ thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân.
Về những thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư nhấn mạnh: Sau khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân đều có mã số định danh cá nhân, những giao dịch cần phải có sổ hộ khẩu công chứng, chứng minh thư nhân dân công chứng thì công dân chỉ phải trình thẻ căn cước công dân là được làm các thủ tục hành chính. Khi đó, sổ hộ khẩu sẽ không còn quá quan trọng như hiện nay nhưng quản lý hộ khẩu vẫn được quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên những gì liên quan đến hộ khẩu cũng không thay đổi.
Quản lý bằng mã số định danh cá nhân là bước tiến vượt bậc
Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư chia sẻ: Hiện tại chúng ta đang quản lý dân cư thủ công thông qua sổ hộ khẩu; mọi giao dịch, xác thực, chứng thực cho công dân thì các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, chính quyền đều yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, CMND để làm căn cứ thực hiện.
Việc quản lý dân cư bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân đối với từng công dân là bước tiến vượt bậc trong công tác quản lý dân cư chuyển từ quản lý thủ công sang quản lý bằng công nghệ cao. Việc cập nhật thường xuyên, nhanh chóng việc thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú của công dân giúp cho công tác quản lý dân cư được tốt hơn.
Các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền, doanh nghiệp tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các thủ tục hành chính công, các giao dịch mà không cần yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu hoặc các giấy tờ có liên quan đến nhân thân khác của công dân.
Số định danh công dân được cấp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mã số định danh này như một địa chỉ số hóa của công dân, có thể lưu trữ và cung cấp mọi thông tin của cư dân một cách chính xác, điều này tạo thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính, không còn rườm rà, mất thời gian như trước đây. Khi công dân có sự thay đổi về nơi thường trú, chúng ta có thể thực hiện thủ tục thay đổi nơi cư trú thông qua thông tin dựa trên mã số định danh này một cách nhanh hơn và chính xác hơn.
Việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thay đổi quản lý dân cư từ thủ công bằng sổ hộ khẩu, sang quản lý dân cư bằng công nghệ cao thông qua mã số định danh. Khi công dân được thu thập 15 trường thông tin theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Luật căn cước công dân thì công dân sẽ được xác lập một số định danh cá nhân sử dụng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Như vậy có thể khẳng định rằng, từ nay đến khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đưa vào vận hành, người dân vẫn tiếp tục làm tất cả các thủ tục đăng ký các thủ tục thường trú, tạm trú, tạm vắng, đăng ký CMTND bình thường không có gì thay đổi theo quy định hiện hành.
Theo qdnd.vn