23 giờ:8 phút Thứ tư, ngày 2 tháng 11 , 2016

Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Cần có lộ trình phù hợp

Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó có việc đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu. Ngay lập tức, vấn đề này nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và đã có những ý kiến trái chiều trong dư luận...

 PGS, TS VŨ QUANG THỌ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam:

Chưa phù hợp để tăng tuổi nghỉ hưu

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì chỉ có một bộ phận nhỏ ở khu vực hành chính sự nghiệp, làm các công việc nhẹ nhàng là được hưởng lợi, còn lại những người lao động trực tiếp, nặng nhọc, độc hại như: Công nhân may, công nhân làm đường, công nhân cơ khí sẽ thiệt thòi. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, hiện nước ta có khoảng 200 nghìn cử nhân, thạc sĩ đã tốt nghiệp đại học và trên đại học, nhưng chưa có việc làm. Do vậy, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ thì vô hình trung những đối tượng nêu trên sẽ bị mất cơ hội có việc làm. Ngoài ra, có thông tin tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, tôi cho rằng lý do này không thuyết phục. Bởi nếu vỡ quỹ thì những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội phải chịu trách nhiệm, chứ không nên đổ dồn trách nhiệm cho người lao động.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, nhưng áp dụng trong giai đoạn hiện nay là chưa đúng thời điểm. Theo tôi, chúng ta cần có lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu, khoảng 10 năm nữa, khi nền kinh tế tăng trưởng cao, hệ thống an sinh xã hội tốt hơn sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Cần có lộ trình phù hợp
Nhiều công nhân làm trong ngành dệt may không muốn
tăng tuổi nghỉ hưu. 
Ảnh: TRỌNG HẢI. 

PGS, TS NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội:

Xây dựng theo lộ trình từng bước

Mối quan hệ giữa tuổi nghỉ hưu và tuổi thọ của người dân Việt Nam hiện nay được phản ánh ở hai khía cạnh: Một là số năm đóng quỹ bảo hiểm xã hội; hai là số năm hưởng khi không tham gia đóng quỹ bảo hiểm xã hội nữa. Như vậy, với tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam như hiện nay, thì có thể dẫn đến mất cân đối quỹ bảo hiểm rất lớn. Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, có thể thực hiện theo hai phương án: Về kỹ thuật, nên vận dụng một số điều như Điều 187, Bộ luật Lao động đã có các phương án khác nhau, đặc biệt, về khoa học cũng đã có những khuyến nghị phân biệt giữa tuổi về hưu và tuổi hưởng hưu, có nghĩa là chúng ta có thể tăng tuổi về hưu lên, không sợ ảnh hưởng tới nhóm đối tượng khác. Ví dụ, tuổi về hưu là tuổi 60, còn một số đối tượng khác có thể là 55 tuổi khi cảm thấy sức lao động không bảo đảm. Về phương án lâu dài, có thể mỗi năm chúng ta tăng thời gian lên 6 tháng, hoặc 2 đến 3 năm tăng một tuổi và lộ trình này có thể kéo dài 15 hoặc 20 năm. Cùng với đó là phải thu hẹp tuổi về hưu giữa nam và nữ, không loại trừ khả năng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giống nhau và sau đó đưa ra các phương án phụ, các điều kiện. Như vậy sẽ đáp ứng được khả năng của mọi người, các tầng lớp khác nhau. Nếu những người làm việc nặng nhọc, công việc có tính chất độc hại thì thời gian làm nghề rút ngắn, ta có thể chuyển họ đi làm việc nhẹ nhàng hơn, có nghĩa là tạo điều kiện thuyên chuyển công tác, giúp họ vẫn có môi trường làm việc tốt sau khi không thể đáp ứng được với tình trạng công việc trước đây. Điều quan trọng lúc này không chỉ là chuyện nên tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu, mà đây là việc cần thiết, nhưng phải thực hiện theo lộ trình từng bước để nhận được đồng thuận của người lao động.

Chị NGUYỄN THỊ THU HÀ - công nhân Công ty May Youngone, Nam Định:

Không nên áp dụng với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại

Là công nhân ngành dệt may, cũng như những công nhân đang làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, tôi thấy 55 tuổi nghỉ hưu như hiện nay đã là quá sức đối với chúng tôi. Bởi do đặc trưng công việc phải ngồi một chỗ và nhìn máy móc nhiều giờ liên tiếp trong ngày nên ngoài 40 tuổi mắt đã kém, chân tay run, khó có thể làm tốt công việc cần sự tỉ mỉ, khéo léo như nghề may. Còn chồng tôi làm nghề lái xe, đến 60 tuổi thì thị lực cũng đã giảm sút, chân tay không còn nhanh nhẹn, nếu kéo dài tuổi làm việc thì có thể xảy ra những hậu quả không mong muốn. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu kỹ trước khi quyết định tăng tuổi nghỉ hưu đối với những lao động như chúng tôi.

Theo qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website