Nâng cao ý thức tự học ngoại ngữ
Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, nhất là đối với việc quản lý, khai thác, làm chủ VKTBKT mới, hiện đại và hội nhập đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự nỗ lực học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ. Vì vậy, bên cạnh việc tham gia các khóa học, lớp học ngoại ngữ tập trung do nhà trường, đơn vị tổ chức, để nâng cao trình độ ngoại ngữ, cán bộ, QNCN, CNVQP phải tự học để phục vụ cho quá trình học tập công tác tại đơn vị. Tự học ngoại ngữ có rất nhiều hình thức: Qua trao đổi ở tổ, nhóm, đôi bạn học tập, qua máy tính, điện thoại kết nối mạng internet, qua các phần mềm ứng dụng, qua sách, báo, tạp chí... có thể tự học tập ở mọi lúc, mọi nơi.
Giờ học ngoại ngữ của các học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ.Đối với việc tự học ngoại ngữ của các cán bộ, học viên tại nhà trường, Đại tá, TS Huỳnh Minh Chiến - Trưởng Phòng KHQS (Học viện PK-KQ) cho rằng, người học cần thay đổi theo hướng lấy việc học trên giảng đường kết hợp với tự học ngoại khóa (thay vì việc dạy) làm trọng tâm; thực hiện cá nhân hóa quá trình học, đa dạng hóa phương thức học với việc tăng cường học trực tuyến, học qua trải nghiệm các hoạt động liên quan đến ngoại ngữ do nhà trường tổ chức để nâng cao các kỹ năng nhằm đáp ứng với các tiêu chí về bậc học, cấp học và chuyên ngành của mình sau khi tốt nghiệp về các đơn vị, nhà máy. Tiến sĩ Huỳnh Minh Chiến, phân tích: Để thích ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người học thay bằng việc học ngoại ngữ trước đây chủ yếu trên lớp là chính, thì nay phải tranh thủ thời gian rảnh để tự học, tự khai thác tài liệu bằng nhiều hình thức khác nhau xung quanh môi trường học tập của mình, nhất là mạng internet. Nếu học viên, sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường, phụ thuộc hoàn toàn vào những cuốn giáo trình ngoại ngữ được biên soạn theo quy định mấy năm mới viết lại thì sẽ không biết thế giới thông tin, kiến thức phát triển đến đâu và hiểu biết mình đến cấp độ nào. Khi tốt nghiệp họ cũng không biết được khả năng ngoại ngữ của mình có đáp ứng được công việc không? Mức độ giao tiếp đến đâu? Do vậy, với một thế giới năng động, thì mỗi con người càng phải năng động hơn, phải chủ động học hỏi không ngừng, đón đầu xu hướng, thậm chí sáng tạo ra xu hướng thay vì chờ đợi kiến thức được “rót” vào mình một cách thụ động. Vì thế, người học giờ đây không thể ngồi chờ nhà trường hay giáo viên thay đổi, hay mong đợi ai đó đến cứu giúp mình về năng lực ngoại ngữ, mà phải chủ động học ngoại ngữ và phát triển các kỹ năng nghe nói, đọc viết ngoại ngữ của mình.
Còn theo Thượng tá, TS Dương Tuấn Anh - Giảng viên Học viện PK-KQ, mỗi sĩ quan, QNCN, CNVQP phải có động cơ, thái độ học tập, bồi dưỡng đúng đắn, nghiêm túc, thấy rõ sự cần thiết của ngoại ngữ để nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu. Khi được tham gia lớp bồi dưỡng, phải tập trung, nắm chắc nội dung; tự giác, tích cực, trao đổi, thảo luận, rèn luyện các kỹ năng; tự đánh giá đúng trình độ của mình để xác định nội dung và xây dựng kế hoạch tự học phù hợp với khối lượng kiến thức tương ứng theo khung năng lực ngoại ngữ, phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị. Lựa chọn phương án học tập phù hợp như theo cấp, theo nhóm, theo các khóa học bồi dưỡng, tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, tiếng Nga, tự học qua internet, học mọi lúc, mọi nơi, lấy tự học là chính… Quá trình học phải luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, xóa bỏ tâm lý sợ sai. Tiến sĩ Dương Tuấn Anh, nhấn mạnh: Để nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh, bên cạnh các nhiệm vụ chính, mỗi sĩ quan, QNCN, CNVQP cần tích cực tiếp cận các tài liệu tiếng nước ngoài, các tài liệu tiếng Anh, đặc biệt của các loại khí tài mới, cải tiến được trang bị, mở rộng nghiên cứu các tài liệu liên quan để hiểu biết sâu, rộng hơn. Các chỉ dẫn bằng tiếng Anh, tiếng Nga phải được dịch, hiểu rõ nhằm khai thác, sử dụng, thực hiện chính xác, tránh những sai sót, mất an toàn trong các động tác, thao tác trên khí tài, nâng cao hiệu quả chiến đấu các loại khí tài…
Việc tổ chức hoạt động tự học một cách hợp lý, khoa học sẽ góp phần nâng cao chất lượng học ngoại ngữ của cán bộ, QNCN, CNVQP trong Quân đội. Đại tá, PGS,TS Nguyễn Trọng Hải - Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự khẳng định: Chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy và học chỉ có thể được cải thiện khi mà người học có năng lực sáng tạo, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Tự học mang lại cho người học rất nhiều lợi ích, đó là: tinh thần chủ động trong học tập cũng như trong cuộc sống, khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề, khả năng thuyết trình trước đám đông, tư duy sáng tạo, tính tự giác cao, niềm hứng thú say mê, khả năng phán đoán tình huống, vốn kiến thức sâu rộng, khả năng hiểu biết chuyên sâu về một vấn đề, sự tự tin, đủ bản lĩnh và kiên định đối mặt với thử thách và đấu tranh với chính mình…
Việt Nam đang cùng các nước trong khu vực và thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều vận hội và thách thức mới. Một trong những vấn đề quan trọng được Đảng, nhà nước, Quân đội ta quan tâm và đầu tư mang tính chiến lược trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đó là ngoại ngữ. Thực tế đã và đang chứng minh rằng, ngoại ngữ đã, đang và sẽ quyết định hiệu quả của tiến trình phát triển thành một xã hội công nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và từng bước hiện đại hóa Quân đội nói riêng. Còn đối với các cán bộ, QNCN, CNVQP trong Quân chủng PK-KQ, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự nỗ lực học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, nếu như không muốn bị đào thải, nhất là khi đơn vị đã và đang khai thác, sử dụng VKTBKT mới.
Bài, ảnh: THÀNH TRUNG