21 giờ:42 phút Chủ nhật, ngày 29 tháng 5 , 2016

Trường Sa Trong tôi

Kỳ 1: Chào Tổ quốc nơi đầu sóng

Trường Sa trong tôi là những đảo nổi, đảo chìm, những cột mốc chủ quyền kiên trung, những cánh sóng ra đa cần mẫn quay đều, là những người con mãi mãi nằm trong lòng biển hôm qua, tiếng hát của những em bé hôm nay, vuông rau xanh non trong mặn mòi gió muối, và cả những chuyến tàu mang hơi ấm đất liền…

 >>> Kỳ 2: Chuyện định kỳ giữa biển khơi
Cùng Đoàn công tác số 9 gồm các đại biểu Thành phố Hà Nội, một số tỉnh phía Bắc lần đầu đến với Trường Sa vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2016, trong tôi rộn lên biết bao cảm xúc. Càng tự hào khi cảm nhận rõ hơn hình ảnh Tổ quốc trong mênh mang trời biển. Trường Sa trong tôi là những đảo nổi, đảo chìm, những cột mốc chủ quyền kiên trung, những cánh sóng ra đa cần mẫn quay đều, là những người con mãi mãi nằm trong lòng biển hôm qua, tiếng hát của những em bé hôm nay, vuông rau xanh non trong mặn mòi gió muối, và cả những chuyến tàu mang hơi ấm đất liền…
Kỳ 1: Chào Tổ quốc nơi đầu sóng

Lễ thả hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Quần đảo Trường Sa.

Ấn tượng đậm nhất chuyến đi trong tôi là lễ chào cờ được thực hiện ngay sau khi tàu cập Đảo Trường Sa Lớn. Trong mênh mông biển trời, tiếng quốc ca hùng tráng làm mỗi người đều rưng rưng cảm động. Là người lính, đã không biết bao lần tham gia những buổi chào cờ; nhưng được chào cờ ngay bên cột mốc chủ quyền, niềm kiêu hãnh và cảm xúc thiêng liêng dâng trào khôn tả. Lá cờ Tổ quốc đỏ tươi phần phật tung bay trong gió thấp thoáng hình bóng những người con của biển, những chiến sĩ lúc ngã xuống trước họng súng, lưỡi lê quân thù tay vẫn ghì chặt cán cờ, những chiến sĩ lúc vật lộn cùng bão tố, trong ranh giới giữa sự sống và cái chết đã nhường lại miếng lương khô và chiếc áo phao cuối cùng cho đồng đội rồi thanh thản ngủ yên trong lòng biển. Lần đầu tiên, tôi cảm được sâu sắc đến thế: Hồn nước ở Trường Sa.

Lễ duyệt đội ngũ diễn ra trong cái nắng như rang của Trường Sa lúc vừa qua chính ngọ. Trước mắt tôi là sắc phục của bộ đội Hải quân hòa cùng sắc xanh của áo lính canh trời. Chợt thấy cay cay nơi sống mũi khi nhìn những cánh tay trần đen cháy, đen hơn rất nhiều tất cả những cánh tay tôi đã gặp ở mỗi công sự pháo, trận địa tên lửa hay những sân bay ở đất liền. Kết thúc lễ chào cờ, mắt còn nhòa lệ, tôi rẽ ngược dòng người tìm đến vị trí của Trạm Ra đa 11 và Đội bảo đảm Kỹ thuật sân bay Trường Sa. Thượng úy Đỗ Chí Cường – Phó Trạm trưởng Trạm Ra đa 11 nói với tôi: Để có được lễ chào cờ trang nghiêm như chị vừa thấy, ngoài nhiệm vụ canh trực, lính đảo đã thường xuyên huấn luyện điều lệnh đội ngũ. Dưới cái nắng tháng 5 như hôm nay thì tóc sém, da cháy là đặc thù của lính đảo.  

Mỗi người một quê, mỗi người ra đảo một thời điểm, mỗi người một nhiệm vụ nhưng lính đảo đều giống nhau ở màu da: Sạm mưa, sạm nắng, sạm gió, sạm sóng, mặn mòi. Thấy tôi rưng rưng nơi khóe mắt, Trung sĩ Hồ Văn Trừ - Trắc thủ Trạm Ra đa 11, người dân tộc Mơ Nông cười như để động viên tôi, nụ cười làm sáng cả mặt sóng: “Đen nhưng khỏe cô ạ”. Tôi nắm tay người lính vừa độ tuổi đôi mươi, chợt thấy người đồng đội ấy chững chạc hơn tuổi rất nhiều. Đúng là nụ cười và bản lĩnh của những con cháu của Lạc Long Quân tự bao đời theo cha xuống biển, viết tiếp bài ca giữ nước… 

Cán bộ, chiến sĩ trên Trường Sa Lớn hay mỗi hòn đảo, mỗi người thực hiện xong nhiệm vụ thì được về đất liền. Nhưng có một phần của Tổ quốc ở Trường Sa đã được mỗi người lính góp công vun đắp để đảo thêm vững vàng trước đại dương ngàn trùng sóng vỗ. Những cột mốc chủ quyền. Những mái ngói đỏ. Những lớp học nặng tình người. Những cánh sóng ra đa… Đặc biệt là những cây trái sinh ra ở Trường Sa. Những cây tra, phong ba, bàng vuông xanh ngút ngát ở Trường Sa Lớn. Trung tá Đặng Thanh Hải – Trạm trưởng Trạm Ra đa 11 phấn khởi kể: “Mỗi lớp chiến sĩ ra Trạm làm nhiệm vụ đều trồng cây để lại kỉ niệm, nhờ đó, đến nay chúng tôi mới có được cơ ngơi xanh mát này đấy”. Ở Trạm Ra đa 44 trên Đảo Phan Vinh, tuy mới được xây dựng trên bãi đá san hô nhưng hàng cây trước nhà cũng bắt đầu khoe những tán lá mỡ màng. Tổ quốc ở Trường Sa, chẳng phải là cái gì xa lạ, mà là những hàng cây xanh vươn lên từ bão tố, những nhành phong lan được trồng trong những vỏ lon bia dịu dàng tỏa hương trong phòng lính đảo; những giàn mùng tơi, bầu, bí, những luống cải rung rinh… Cây và rau xanh dường như kéo gần đảo với đất liền hơn.

   Tổ quốc ở Trường Sa. Ai đã từng một lần được nghe các em bé ở Trường Sa hát, sẽ mang theo sự thổn thức ấy đi suốt cuộc đời. Những bé gái mặc váy hoa, những bé trai mặc áo yếm Hải quân, nắm tay nhau say sưa hát dưới tán bàng vuông. Bài hát, lần đầu được nghe mà tôi thấy thân thuộc lắm: “Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/Em là con của biển…”. Bé Tô Phương Linh, con của anh Tô Hoài, chủ hộ gia đình kết nghĩa với Trạm Ra đa 11 còn hào hứng đọc cho tôi nghe bài thơ “Mặt trời xanh của tôi”. Gần gụi, tình cảm và hồn nhiên đến nhói lòng, ơi em bé Trường Sa.

Tổ quốc ở Trường Sa, mỗi ngọn cây, mỗi vuông đất thiêng liêng đều khiến tim ta xao động. Khắc sâu nhất trong tôi luôn là hình ảnh những người lính biển mạnh mẽ, vững vàng canh giữ biển trời. Trường Sa giờ đã thay da, đổi thịt. Nhưng ở khắp các đảo nổi, đảo chìm vẫn đang còn biết bao gian khó. Những gian khó chẳng theo mùa, không có định kỳ và thật khó để so sánh với đất liền...

HỒNG LINH

>>> Kỳ 2: Chuyện định kỳ giữa biển khơi

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website