Lá chắn tên lửa mới của nước Nga
Những năm 1970, Liên Xô đã xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 Amur với vai trò bảo vệ Thủ đô Moscow khỏi các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo hay thiết bị bay siêu thanh. Giờ đây, khả năng phòng thủ tên lửa của Thủ đô nước Nga tiếp tục được tăng cường với hệ thống tên lửa đánh chặn A-235 Nudol mới.
Dù không có nhiều thông tin được công khai, nhưng chỉ tính từ đầu năm 2018 tới nay, Nga đã tiến hành thành công 2 vụ thử tên lửa đánh chặn mới trong hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ Moscow. Giới chuyên gia đánh giá, động thái trên rõ ràng không chỉ nhằm mục đích đơn thuần là đánh giá kỹ thuật về khả năng phòng thủ tên lửa của hệ thống A-135 Amur hiện có, mà còn là thử nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật của hệ thống A-235 Nudol. Hệ thống A-235 được kỳ vọng sẽ là “người thay thế” xứng đáng cho cho A-135. Nhận định này cũng được giới chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây ủng hộ.A-135 Amur - Một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa lâu đời nhất thế giới
Hiện tại, thủ đô Moscow và các khu công nghiệp quan trọng miền Trung nước Nga đang được bảo vệ bởi hệ thống A-135 Amur với các đạn tên lửa đánh chặn đặt trong giếng phóng.
Việc triển khai A-135 được thực hiện theo thỏa thuận giữa Liên Xô và Mỹ ký năm 1972 về giới hạn triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa giữa hai bên. Thỏa thuận này cho phép Nga triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa cố định tại Moscow, còn Mỹ được triển khai hệ thống tại căn cứ Grand Forks ở bang Bắc Dakota. Tuy nhiên, do các vấn đề về kỹ thuật, Mỹ đã tạm dừng việc triển khai hệ thống nói trên vào năm 1976.
Là sản phẩm của Viện thiết kế Vympel, việc triển khai các thành phần của A-135 diễn ra trong giai đoạn 1980-1983. Mục tiêu chính của A-135 là chống lại khả năng bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Pershing II của Mỹ từ châu Âu. Sau các thử nghiệm và hoàn thiện, A-135 chính thức trực chiến từ năm 1995.
|
|
Đạn đánh chặn của hệ thống A-135 Amur. Ảnh: warfare.ru |
|
|
Đài ra-đa Don-2N. Ảnh: warfare.ru |
Khi được tiếp nhận vào trang bị, A-135 có thể coi là vũ khí phòng thủ tên lửa độc nhất trên thế giới với khả năng phát hiện các mục tiêu đạn đạo khoảng cách 1.200-1.500km, trần cao 600-1.000km; theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu và khả năng phân biệt và nhận dạng mục tiêu đạn đạo giả lập.
“Để bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở miền Trung nước Nga, trong đó có Moscow, A-135 được trang bị các dòng đạn tên lửa đánh chặn tầm xa 53T6 và tầm trung 51T6. Tổng cộng đã có khoảng 100 đạn tên lửa đánh chặn thuộc A-135 được triển khai trong các căn cứ bao quanh Moscow và NATO đặt biệt danh cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga là "Gazelle”, chuyên gia quân sự Nga Victor Litovkin cho biết.
Bên cạnh các sở chỉ huy tiền phương đặt rải rác xung quanh Moscow, điểm đặc biệt dễ nhận thấy của hệ thống A-135 là đài ra-đa theo dõi và dẫn bắn Don-2N. Nó giống như một tòa kim tự tháp cao tới 35m với khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu đạn đạo có kích cỡ phản xạ 5m ở khoảng cách 2.000m. “Trái tim” của A-135 chính là 4 siêu máy tính Elbrus-2 với khả năng xử lý hơn 1 tỷ phép tính/s, giúp hệ thống hoạt động nhuần nhuyễn và hiệu quả.
Từ năm 1999 tới nay, Nga đã nhiều lần thử nghiệm hệ thống A-135 tại bãi thử Sary-Shagan, Kazakhstan để hoàn thiện và nâng cấp. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, A-135 đã bộc lộ những điểm yếu về công nghệ, cồng kềnh, kém cơ động và cần được thay thế. Ngoài ra, vấn đề các tổ hợp chế tạo vũ khí, trong đó có nhiều thành phần của hệ thống A-135, bị phân tán sau khi Liên Xô tan vỡ, cũng là vấn đề buộc Nga phát triển hệ thống lá chắn tên lửa mới.
Sự khác biệt của A-235 Nudol
Dù quá trình phát triển hệ thống A-235 Nudol đã khởi động từ đầu những năm 2000, nhưng những thông tin đầu tiên về hệ thống đánh chặn tên lửa mới của Nga xuất hiện trong năm 2014.
Sự xuất hiện của A-235 đã gây sửng sốt với chuyên gia Mỹ và phương Tây. Hệ thống đánh chặn tên lửa mới của Nga đã được nâng lên một tầm cao mới với việc thay vì đặt cố định như A-135, các thành phần của Nudol được đặt trên xe dã chiến cơ động cao; khả năng đối phó với các đợt tấn công cấp tập bằng tên lửa đạn đạo, kể cả khi chúng được trang bị công nghệ né tránh hiện đại; tự chủ công nghệ của Nga trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa…
“Chúng tôi đã thành công trong vụ thử nghiệm đánh chặn mục tiêu đạn đạo giả lập V-1000 ở khoảng cách 60km, độ cao 25km từ năm 1961. Người Mỹ mới chỉ thành công một vụ bắn thử như vậy 30 năm sau đó. A-235 còn làm được hơn thế nữa”, chuyên gia Victor Litovkin đánh giá.
Hiện tại, nhiều thành phần của hệ thống Nudol đang được thử nghiệm trong cơ cấu A-135. Điểm có thể thấy rõ ràng nhất là thế hệ đạn đánh chặn 53Т6М với những cải tiến đáng kể về trang bị điện tử giúp tăng tỷ lệ đánh chặn thành công. Trước khi được trang bị cho A-235, ngay trong cuối năm 2018, dòng đạn đánh chặn mới sẽ được trang bị trước tiên cho lá chắn tên lửa bảo vệ Moscow.
Về chức năng cơ bản, Nudol có nhiều điểm tương đồng với hệ thống phòng thủ tên lửa GMD hay NMD của Mỹ, nhưng cái hơn là khả năng cơ động và khả năng hợp nhất. Mục tiêu của Nga với Nudol không chỉ là một hệ thống phòng thủ tên lửa đơn lẻ, mà là một thành phần trong hệ thống phòng không hợp nhất.
Kết hợp với tổ hợp phòng không tầm ngắn Tunguska, Tor-M2, Pantsir-S1; tầm trung-xa Buk-M2, S-300, S-400 và S-500 (trong tương lai gần), Nudol sẽ tạo ra hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa đa tầng. Năng lực tác chiến của hệ thống này còn được mở rộng với sự kết hợp với hệ thống phòng không hợp nhất của các quốc gia SNG, Nga đang dày công vận động ở Belarus, Kazakhstan…
Rõ ràng, Nudol không chỉ là hệ thống phòng thủ tên lửa mới, mà còn thể hiện tư duy tác chiến phòng không-phòng thủ tên lửa mới của nước Nga.
Theo qdnd.vn