Kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2018):
Những nhà báo đa năng
Báo Phòng không-Không quân (PK-KQ) là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng; tiếng nói của Bộ đội PK-KQ Việt Nam. Báo có 3/4 loại hình báo chí (báo in, báo hình, báo điện tử); trong đó, báo in xuất bản định kỳ mỗi tuần một số; báo điện tử cập nhật thông tin theo các phiên trong ngày; các tác phẩm truyền hình chủ yếu đăng tải trên mục “Truyền hình PK-KQ” của Báo PK-KQ điện tử và phát trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN).
Cán bộ, PV, BTV Báo PK-KQ theo dõi quá trình dàn trang, thiết kế ấn phẩm báo in.Mặc dù hội tụ nhiều loại hình báo chí trong một tòa soạn, song lực lượng của Báo PK-KQ chỉ có 15 cán bộ, phóng viên, biên tập viên (PV, BTV); trong đó, 2 đồng chí là chỉ huy, 1 họa sĩ, 2 thường trú miền Trung và miền Nam, 9 đồng chí còn lại vừa làm báo in, vừa làm báo điện tử, vừa làm truyền hình. Với lực lượng như vậy để xuất bản đều đặn mỗi tháng 4 số báo thường kỳ và cập nhật báo điện tử hằng ngày là một công việc đầy khó khăn; đó là chưa kể đến việc hằng năm còn có số báo Xuân, báo đặc biệt kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại của Nhà nước, Quân đội, Quân chủng. Ngoài ra, các PV, BTV của Báo PK-KQ còn tham gia thực hiện các tin, phóng sự truyền hình, phim truyền thống, video clip phục vụ các dịp kỷ niệm, hội nghị hoặc thực hiện các công việc khác của Quân chủng và các cơ quan, đơn vị... Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ nói trên, đòi hỏi cán bộ, PV, BTV của Báo PK-KQ vừa phải có kiến thức chuyên sâu về báo chí, vừa phải khai thác, sử dụng thành thạo các phương tiện, máy móc được trang bị; giỏi một việc, biết nhiều việc.
Đa năng là yêu cầu cần thiết đối với đội ngũ PV, BTV ở các báo quân khu, quân chủng. Đối với Báo PK-KQ, sự đa năng được thể hiện rõ nét hơn từ khi báo có thêm ấn phẩm điện tử với sự tích hợp của nhiều loại hình báo chí. Các PV, BTV phải đồng thời làm tốt chức năng cập nhật thông tin cho báo điện tử, tổ chức sản xuất tin, bài cho báo in và tham gia xây dựng các tác phẩm truyền hình. Do lực lượng mỏng, lại phải dàn trải trên nhiều hướng nên trước các sự kiện lớn của Nhà nước, Quân đội, các hoạt động hội thi, hội thao, huấn luyện, diễn tập của Quân chủng thường chỉ có từ 1 đến 2 PV, BTV của Báo PK-KQ tác nghiệp. Do vậy, để thực hiện nhiệm vụ thông tin trên cả 3 loại hình báo chí, các PV, BTV cùng lúc vừa phải quay được những thước phim tư liệu sinh động, vừa phải chụp được những bức ảnh mang tính thời sự, vừa phải nắm được diễn biến của sự kiện.
Sau khi hoàn thành tác nghiệp hiện trường, các PV, BTV tiếp tục thực hiện khâu hậu kỳ và công đoạn này cũng vất vả không kém giai đoạn tác nghiệp hiện trường. Cụ thể, sau khi tác nghiệp về, PV, BTV sẽ phải viết ngay tin, bài để đăng trên báo điện tử. Tiếp đó, để có một tin truyền hình, phóng viên phải ngồi xem lại tất cả hình ảnh ghi được để tiến hành biên tập, lựa chọn những hình ảnh tốt nhất để xây dựng thành tác phẩm truyền hình. Sau khi làm xong tin cho truyền hình, PV, BTV sẽ bắt tay vào việc biên tập tin, bài cho báo in. Căn cứ vào yêu cầu tuyên truyền trên các loại hình báo chí mà quá trình thực hiện hậu kỳ có thể thay đổi cho phù hợp.
Đối với các cơ quan báo chí như: Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh QPVN, Báo QĐND… trước mỗi sự kiện tương tự, mỗi loại hình báo chí họ thường cử từ 3-4 người theo dõi và đưa tin. Và việc phân chia công việc của các cơ quan này cũng rất chuyên nghiệp: Người quay phim chỉ việc lo phần hình ảnh, còn phần biên tập, viết lời bình đã có biên tập viên thực hiện; phần của báo in đã có phóng viên báo in đảm nhiệm, phần của báo điện tử đã có phóng viên báo điện tử lo, phần xử lý hậu kỳ đã có đội ngũ chuyên trách thực hiện. Còn đối với Báo PK-KQ, các cán bộ, PV, BTV gần như tham gia vào tất cả các khâu để sản xuất ra một ấn phẩm. Ví dụ, đối với báo in, các PV, BTV của Báo phải thực hiện viết bài, biên tập bài của cộng tác viên, sau đó tiến hành đọc soát lỗi, tham gia dàn trang, đọc bản bông, bản can, theo dõi in và tổ chức phát hành. Các đồng chí Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập trực báo in đồng thời cũng trực duyệt xuất bản báo điện tử hằng ngày và kiêm luôn cả việc thẩm định các tác phẩm truyền hình.
Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao đòi hỏi mỗi cán bộ, PV, BTV của Báo PK-KQ một mặt theo học thêm nghiệp vụ tại các trường báo chí vào thời gian ngoài giờ hành chính; mặt khác, mỗi người tranh thủ học tập qua thực tiễn ở mọi lúc, mọi nơi. Khi có điều kiện, Ban biên tập cũng có những buổi tập huấn ngắn tại cơ quan để bổ sung các kiến thức còn khuyết, thiếu cho các PV, BTV. Qua đó, giúp cho các thành viên trong Ban biên tập giỏi một việc, biết nhiều việc, có thể thay thế nhau trong công việc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Nghề Báo là nghề khó nhọc và nguy hiểm. Dẫu còn đó những khó khăn, thiếu thốn, song các cán bộ, PV, BTV của Báo PK-KQ luôn tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách để mang đến bạn đọc những thông tin cập nhật về hoạt động của Bộ đội PK-KQ, giúp cho mọi người hiểu thêm cuộc sống và nhiệm vụ của những người lính canh giữ bầu trời Tổ quốc.
Bài, ảnh: TRUNG THÀNH