Lính thợ ACC trên đường Trường Sơn huyền thoại
Từ Cảng Hàng không Chu Lai để đến được công trình đường Trường Sơn Đông - đoạn chạy qua thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi phải di chuyển bằng ô tô hơn 3 giờ đồng hồ trên những cung đường rừng núi quanh co uốn lượn. Đứng từ xa, chúng tôi có thể quan sát toàn bộ Gói thầu Đ11 mà những người lính thợ ACC-23 đang thực hiện. Con đường đất đỏ mới mở trông như chiếc khăn lụa nằm vắt vẻo giữa đại ngàn Trường Sơn. Hàng chục chiếc máy xúc, máy ủi, xe cơ giới thi nhau xúc ủi, lu lèn; không khí làm việc vang rộn một góc rừng.
Một góc gói thầu Đ11, đường Trường Sơn Đông do Công ty TNHH MTV ACC-23 thi công.Đại tá Lại Văn Sâm - Chủ nhiệm Chính trị Tổng công ty ACC, cho biết: “Dự án xây dựng đường Trường Sơn Đông do Bộ Tổng tham mưu làm chủ đầu tư có chiều dài gần 700km, đi qua gần 400 xã thuộc các vùng căn cứ cách mạng và vùng “trũng” của phía Đông dãy Trường Sơn. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi (nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m; kết cấu mặt đường cấp cao bê tông xi măng và bê tông nhựa). Trong chiến tranh, đây là con đường huyết mạch để vận chuyển người, vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các chiến trường. Tới đây, khi hoàn thành, đường Trường Sơn Đông sẽ kết nối với đường Hồ Chí Minh và các tuyến liên tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, góp phần đưa vùng sâu, vùng xa xích lại gần hơn với đồng bằng, thành thị”.
Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện các gói thầu đường tuần tra biên giới trên địa bàn Tây Nguyên, Tổng công ty ACC tiếp tục được Bộ Tổng tham mưu lựa chọn giao thi công đường Trường Sơn Đông. Và nhiệm vụ này đã được Tổng công ty giao cho Công ty TNHH MTV ACC-23 thực hiện. Thiếu tá Nguyễn Huy Bình - Giám đốc Công ty ACC23, cho biết: “Gói thầu nằm trên sườn Đông của dãy Trường Sơn, lại ở địa bàn vùng sâu, vùng xa nên việc tổ chức thi công rất khó khăn. Bắt tay vào thực hiện gói thầu, hàng chục cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật của Công ty đã phải trèo đèo, lội suối, ăn núi, ngủ rừng để đo đạc, khảo sát và vận chuyển trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu, vào thi công. Đến nay, đơn vị đã thi công được hơn 50% khối lượng công việc, theo kế hoạch đến cuối tháng 12-2018 phải hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, toàn đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công liên tục, quyết tâm đưa công trình về đích trước thời hạn”.
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”. Đúng là ở đại ngàn Trường Sơn, thời tiết đỏng đảnh như người con gái. Mưa, nắng thất thường. Để bảo đảm tiến độ, chỉ huy công trường phải nắm vững quy luật thời tiết để từ đó xây dựng kế hoạch thi công cho phù hợp. Đại úy, kỹ sư Nguyễn Xuân Cường - Phó chỉ huy trưởng công trường, cho biết: “Có những thời điểm, đơn vị tổ chức thi công từ mờ sáng, làm thông trưa, đến đầu giờ chiều thì rút quân để tránh mưa rừng. Còn những hôm trời khô ráo, không mưa, đơn vị thi công suốt ngày đêm. Bởi vì, trời mưa vừa dễ xảy ra hiện tượng, sạt lở, sụt lún, vừa trơn trượt nên có thể uy hiếp đến sự an toàn của người lao động và ảnh hưởng đến chất lượng công trình”.
Thi công ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh nên cuộc sống và sinh hoạt của cán bộ, công nhân cũng rất khó khăn. Đại úy, Kỹ sư Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi thiếu thốn đủ bề. Lán trại chủ yếu làm bằng sắt, thép và tôn nên lúc trời nắng thì nóng nực, lúc trời mưa thì ồn ào. Ti vi thì có nhưng không có điện dân sinh nên không thể xem được. Nước ăn uống, sinh hoạt thì phải tiết kiệm từng giọt. Lương thực, thực phẩm thì đắt đỏ. Lúc ốm đau, thuốc thang cũng phải đi xa hàng chục cây số mới khám và mua thuốc được. Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn là vậy nhưng chưa có ai bỏ dở công việc giữa chừng; tất cả đoàn kết, sát cánh với nhau quyết tâm hoàn thành tốt tiến độ đề ra”.
Tuy chưa hoàn thiện, song từ khi mới hình thành, con đường đã làm cho diện mạo vùng đất vốn xa xôi hẻo lánh này đổi thay rõ rệt. Chỉ tay về những mái nhà sàn nằm đan xen ven tuyến đường mà công ty đang thi công, Thiếu tá Nguyễn Huy Bình cho biết, đây là những hộ đồng bào thôn 2, xã Trà Vân bị ảnh hưởng nặng nề của trận lũ quét ngày 6-11-2017. Từ khi mở đường họ đã di chuyển về đây lập bản mới; số đồng bào di cư xuống hai bên đường tăng lên từng ngày. Dẫu mới chỉ là nền đất, đá cấp phối, nhưng hằng ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại. Tới đây, khi công trình được hoàn thành, các sản phẩm nông sản do đồng bào làm ra sẽ được ô tô vào tận nơi để thu mua. Cùng với đó nhân dân trong vùng cũng được tiếp cận với dịch vụ và sản phẩm từ miền xuôi cung cấp.
Không chỉ thực hiện các dự án nơi thành thị, đồng bằng, những người lính thợ ACC nói chung, ACC-23 nói riêng còn tích cực thực hiện các công trình phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội ở cả những vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Dù khó khăn, vất vả nhưng bằng tinh thần chủ động tiến công của người lính, những người lính thợ ACC đã để lại dấu ấn sâu sắc trên mỗi công trường, mỗi mảnh đất mà họ đã đi qua. Đó cũng là một cách để ACC cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân đội về nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng của các doanh nghiệp Quân đội trong thời kỳ mới.
Bài, ảnh: TRUNG THÀNH