Kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6:
Khi bố ở Trường Sa
Nghe mẹ nói, bao giờ con đi học lớp 1, bố sẽ ở đảo về, từ đó, bé Tăng Danh Đạt, con của Trung tá CN Tăng Danh Nam - Nhân viên Cơ yếu Trạm Ra đa 44 đóng quân trên Đảo Phan Vinh lúc nào cũng mong mình được lên lớp 1. Chị Nguyễn Thị Khánh, mẹ của bé chia sẻ, cái mong ước trẻ con ấy khiến chị càng thương con hơn và ráng làm cha thay chồng, bù đắp cho con…
Giữa những người bạn của Lớp Mẫu giáo Nhỡ 3, Trường Mầm non Mùa Xuân (Cục Hậu cần), bé Tăng Danh Đạt hồn nhiên nô đùa trong giờ giải lao. Hôm nay là ngày tổng kết năm học, Nhà trường kết hợp tổ chức cho các con vui tết mùng 1 tháng 6 luôn nên bé nào cũng vui hơn thường lệ. Với riêng Danh Đạt, đi học có cô, có bạn thì vậy nhưng về nhà không khỏi không có lúc trầm tư.
Cháu Tăng Danh Đạt (Thứ 2, từ trái qua) con của Trung tá CN Tăng Danh Nam - Nhân viên Cơ yếu Trạm Ra đa 44 trên Đảo Phan Vinh, vui chơi cùng các bạn trong lớp học.
Chị Khánh kể, cách đây tròn một năm, anh Nam nhận nhiệm vụ ra công tác ở Trường Sa. Với chị và cậu con trai lớn đang chuẩn bị lên lớp 8, cháu Tăng Danh Mạnh thì mọi thứ đều rõ ràng, mỗi người đều xác định để tự vượt qua. Nhưng với riêng bé Đạt, mỗi khi con hỏi, “sao bố đi công tác lâu thế, bao giờ bố về”, chị chỉ biết ôm con vào lòng thủ thỉ: “Con ngoan, bao giờ con đi học lớp 1, bố sẽ về”. Nghe mẹ nói, Đạt chỉ mong được đi học lớp 1 ngay. Chị Khánh bảo, mong ước ấy của một đứa trẻ mới chưa đầy 4 tuổi làm chị quặn lòng.
Hồi còn ở nhà, anh Nam chăm con lắm. Vợ đi làm về muộn nên việc đón con ở trường về, rồi tắm rửa cho con, anh thường xuyên đảm nhiệm. Thương con, nhưng anh Nam rất nghiêm khắc với con. Cậu con trai lớn đang học cấp 2, anh rèn cho con tính tự giác từ nhỏ. Buổi sáng, Mạnh tự dậy, không cần bố mẹ đánh thức. Cậu út Danh Đạt vì còn nhỏ, được bố chiều hơn nhưng đến bữa cũng phải tự xúc ăn, tắm xong tự mặc quần áo, trước khi đi học thì tự chuẩn bị ba lô và đồ dùng. Anh Nam nghiêm khắc với con nhưng cả hai cậu con trai đều quấn bố. Việc anh Nam xa gia đình hàng năm trời khiến bọn trẻ đứa nào cũng hẫng hụt. Bù lại, anh Nam đã thường xuyên gọi điện về gia đình. Chia sẻ, động viên vợ, hướng dẫn con lớn giải những bài tập khó, chúc mừng con nhỏ nhân dịp sinh nhật, ngày tết thiếu nhi hay dịp trung thu. Không được gặp bố nhưng được nghe giọng bố gọi về từ nơi đầu sóng có cả ù ù tiếng gió biển, bọn trẻ cũng phấn khởi và phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ.
Với chị Khánh, sự quan tâm của tổ chức khi chồng vắng nhà cũng là nguồn động viên to lớn để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đưa tôi đi xem căn hộ trong Khu nhà công vụ của Quân chủng ở số 210 Lê Trọng Tấn, mẹ con mới chuyển về ở gần nửa năm, mắt chị lấp lánh niềm vui. Chị kể, ngày mới đến ở, ba mẹ con thi nhau tả cho bố Nam nghe về căn hộ mới qua điện thoại. Chị chắc, anh Nam cũng chẳng hình dung hết mọi vị trí trong nhà nhưng có điều chị cảm nhận rất rõ ràng là anh phấn khởi và thực sự an lòng. Cùng với đó, những dịp lễ, tết, đồng đội anh ở Phòng Cơ yếu, Bộ Tham mưu Quân chủng đều ra thăm hỏi, động viên gia đình và tặng quà các cháu. Chị bảo, những lúc ấy, ba mẹ con cảm động lắm, cứ như thấy bố đang ở rất gần. Ngay cả hôm chuyển nhà, nếu không có đồng đội anh vào lo giúp cho đến khi căn hộ sạch sẽ, ngăn nắp, chỉ có ba mẹ con, chị không biết sẽ xoay xở ra sao.
Vậy đấy, khi bố ở Trường Sa, cũng là lúc tình làng, nghĩa xóm và tình cảm đồng chí, đồng đội tỏa sáng hơn để bọn trẻ thấy ấm áp như khi bố đang công tác ở đất liền.
Bài, ảnh: HỒNG LINH, DƯƠNG TOÀN