Con đường tình yêu
Đã hơn chục năm Thiếu tá Đỗ Văn Khương - Trợ lý Chính trị Kho K312, Cục Kỹ thuật và chị Phương Thị Tú Oanh - Nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng số 3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, về chung một nhà. Tuy nhiên, khi kể lại với chúng tôi con đường tình yêu của hai người, chị Oanh vẫn vẹn nguyên cảm xúc như ngày nào.
Gia đình Thiếu tá Đỗ Văn Khương.Được biết, anh và chị cùng học chung cấp 3 tại Trường Trung học phổ thông Quảng Oai, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Vốn gần nhà lại ngồi cùng bàn học nên hai người đã kết nghĩa “chị em” (vì hai người sinh cùng năm nhưng anh Khương kém tháng nên chị Oanh trêu đùa bắt gọi bằng chị). Tốt nghiệp trung học phổ thông, cuối năm 2001, anh Khương tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 361, còn chị Oanh thi đỗ và trở thành sinh viên Trường Đại học Công đoàn. Đây là thời điểm mà những lá thư tay trở thành sợi dây kết nối tình cảm của anh lính phòng không và cô gái có dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền dịu học cùng lớp thời phổ thông. Qua những cánh thư, những câu chuyện, sự sẻ chia niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống, công việc học tập, rèn luyện đã giúp họ dần có sự đồng điệu trong tâm hồn.
Ngày 8-10-2006, anh về nghỉ tranh thủ đúng dịp sinh nhật chị. Hai người hẹn gặp nhau ở một quán nước gần nhà. Vượt quãng đường cả chục ki lô mét từ Hòa Bình về Hà Nội, mang theo món quà là chiếc vòng đeo tay và bó hoa tươi thắm, anh can đảm mở lời: “Em… yêu chị”. Cứ nghĩ là lời nói đùa nên chị chỉ mỉm cười mà không nói gì khiến anh càng thêm bối rối, ngại ngùng. Kết thúc kỳ nghỉ về đơn vị, hình ảnh cô bạn học chung bàn cấp 3 xinh xắn, hiền dịu cứ vấn vương trong tâm trí, khiến chàng sĩ quan trẻ khôn nguôi nhớ thương. Vậy là anh xác định quyết tâm sẽ kiên trì, bền bỉ với hi vọng sẽ có một ngày chinh phục được “chị bạn” cùng lớp phổ thông. Công tác ở đơn vị trực chiến, khoảng thời gian eo hẹp, đường sá đi lại xa xôi, song hễ có thời gian là anh lại lặn lội từ Hòa Bình về Hà Nội thăm chị dẫu nhiều hôm trời mưa, rét, đường khó đi. Chính sự chân tình, mộc mạc đó đã khiến trái tim chị dần cảm mến.
Tháng 9-2007, anh Khương được đi học lớp cao đẳng chính trị tại Học viện PK-KQ. Sinh nhật chị năm đó, anh lại vượt chặng đường từ Sơn Tây về Hà Đông thăm chị. Cầm bó hồng và món quà nhỏ tự tay lựa chọn, anh mạnh dạn thổ lộ: “Hãy làm vợ mình nhé” và chị gật đầu đồng ý. Tháng 1-2008, hai người về chung một nhà trong niềm vui, sự chúc phúc của bạn bè, đồng nghiệp. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp cao đẳng chính trị, anh Khương tiếp tục về Hòa Bình nhận công tác tại Trung đoàn 250, Sư đoàn 361. Còn chị Oanh làm nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng số 3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội (Cơ sở thị xã Sơn Tây). Cuộc sống của anh chị sau đó vẫn là những tháng ngày xa cách, là nỗi nhớ thương và những vất vả, gian truân. Nhưng họ đã luôn đồng hành bên nhau, động viên, chia sẻ và cùng vượt qua thử thách.
Năm 2014, anh Khương được điều động về Kho K312, Cục Kỹ thuật công tác. Nhờ sự nỗ lực cố gắng của hai vợ chồng và hỗ trợ của hai bên gia đình, anh chị đã mua được căn nhà nhỏ trong khu tập thể Học viện PK-KQ. Dẫu cuộc sống phía trước của hai vợ chồng còn gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, song ngôi nhà nhỏ của anh chị luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc với hai đứa con chăm ngoan, học giỏi.
MINH KHÔI